Cảnh báo tác hại khôn lường từ thuốc giảm đau

Thứ hai - 22/11/2021 20:59 0

Mặc dù có thể giúp làm giảm cơn đau cấp tính hoặc mãn tính nhưng việc sử dụng thuốc giảm đau có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe về lâu dài.

Ðau nhức là triệu chứng rất phổ biến của nhiều bệnh và chấn thương thể chất. Khi rơi vào trạng thái đau đớn, người bệnh thường tìm đến thuốc giảm đau để làm dịu cảm giác khó chịu. Tuy có thể giúp làm giảm các cơn đau cấp tính hoặc mạn tính, nhưng việc sử dụng thuốc giảm đau có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe về lâu dài.

Hiện có nhiều loại thuốc giảm đau mà người bệnh có thể tự mua về dùng. Trong đó, 2 loại phổ biến nhất có thể được phép bán không cần đơn là Paracetamol và nhóm kháng viêm không chứa steroid (NSAID). Nếu sử dụng đúng liều và thời gian khuyến cáo, thuốc giảm đau nhìn chung an toàn cho người dùng. Tuy nhiên, việc tự ý dùng và lạm dụng loại thuốc này về lâu dài có thể mang đến tác hại khôn lường.

Tổn hại gan

Thuốc giảm đau thường đi kèm nguy cơ tổn thương gan, đặc biệt là Paracetamol. Nguyên do là quá trình chuyển hóa Paracetamol trong cơ thể sẽ sản sinh peroxit, chất có thể gây độc cho gan. Với Paracetamol, liều tối đa ở người lớn và trẻ trên 12 tuổi là không quá 4g/24 giờ (8 viên paracetamol 500mg), mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ. Với trẻ nhỏ, liều tối đa thấp hơn nữa và tùy theo cân nặng. Tuy vậy, những người thường xuyên uống rượu hoặc mắc bệnh gan cũng có thể bị tổn thương gan dù dùng Paracetamol ở liều thấp hơn.

Suy thận

Bệnh nhân tiểu đường và cao huyết áp có thể bị tổn thương và suy thận sau khi dùng một số thuốc giảm đau như ibuprofen và naproxen. Do thuốc giảm đau ức chế sự tổng hợp prostaglandin, việc dùng lâu dài dễ dẫn đến suy thận.

Ðau và loét bao tử

Các loại thuốc giảm đau như ibuprofen, aspirin và naproxen gây kích ứng và làm tổn thương niêm mạc bao tử. Ðiều này cũng dẫn đến loét và chảy máu từ các vết loét sẵn có trong đường ruột. Người trên 65 tuổi, có tiền sử loét bao tử, đang uống thuốc trị mỡ máu, thuốc kháng viêm hoặc uống rượu thường xuyên cần hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau.

Kích ứng bao tử là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất, đặc biệt là khi uống thuốc lúc đói. Ðiều này có thể dẫn đến nôn mửa do tăng tiết axít trong bao tử. Nếu bị trào ngược axít, bạn nên cẩn trọng dùng thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau có thể làm giảm hiệu quả của thuốc trị trầm cảm. Do vậy, người bị trầm cảm và đang dùng thuốc điều trị nên tránh sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên.

Thuốc giảm đau có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài. Ảnh: Boldsky

Sẩy thai

Thai phụ sử dụng thuốc giảm đau ở giai đoạn 20 tuần đầu tiên dễ bị sẩy thai hơn. Theo một nghiên cứu, thuốc giảm đau tác động đến các hoóc-môn kích thích chuyển dạ trong thai kỳ, dẫn tới sẩy thai. Vì thế, các chị em đang có ý định mang thai hoặc đang mang thai cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau.

Chảy máu

Những loại thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen và naproxen có thể làm loãng máu. Tác dụng này có lợi cho người có vấn đề về đông máu và bệnh tim. Nhưng người đang dùng thuốc làm loãng máu (bao gồm coumadin) nên tránh dùng thuốc giảm đau, vì có thể gây loãng máu thêm và chảy máu quá nhiều.

Nghiện

Nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc giảm đau dựa trên opioid có thể gây nghiện. Do đó, việc tự ý dùng thuốc giảm đau liên tục mà không có chỉ định từ bác sĩ có thể gây hại cho cuộc sống cá nhân cũng như công việc của người dùng.

Các vấn đề về tim mạch

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng NSAID làm tăng nguy cơ đau tim chỉ sau vài tuần sử dụng. So với người không sử dụng NSAID, người sử dụng nhóm thuốc giảm đau này có nguy cơ bị đau tim cao hơn từ 20- 50%.

Theo chuyên gia, việc uống thuốc giảm đau chỉ là giải pháp tạm thời vì người dùng phải điều trị dứt điểm căn bệnh gây đau đớn cho bản thân. Chỉ nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và đi khám lại khi thấy có cơn đau. Khi được kê đơn, người dùng cần khai chi tiết bệnh sử cá nhân, cơ địa dị ứng hoặc tình trạng đường ruột để bác sĩ lựa chọn loại thuốc giảm đau thích hợp. Không dùng lại thuốc cũ hoặc chia sẻ cho người khác.

Lưu ý là tác dụng khử nước của thuốc giảm đau có thể dẫn đến táo bón – một triệu chứng mà nhiều người không nghĩ là do thuốc giảm đau. Mặt khác, cần hạn chế uống rượu khi dùng thuốc giảm đau, vì rượu có thể làm trầm trọng thêm tác dụng phụ của thuốc, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Bảo Lâm

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây