Sáng ngày 03/8/2022, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã tiếp đoàn Quỹ Đầu tư Temasek Singapore và PGS. TS Vũ Minh Khương, chuyên gia năng suất quốc tế tới làm việc tại Tổng cục.
Tham dự buổi tiếp có đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Tổng cục gồm Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Tiêu chuẩn, Vụ Đo lường, Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy, Viện Năng suất Việt Nam và Trung tâm Đào tạo TCĐLCL.
Tại buổi làm việc, ông Hà Minh Hiệp đã chia sẻ về tầm nhìn của Tổng cục trong thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với Singapore. Đó là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, trang bị cho nhân viên tư duy và cách tiếp cận theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó giúp tăng hiệu quả khi làm việc với doanh nghiệp nước ngoài như Singapore thông qua hoạt động tiêu chuẩn hóa và đào tạo, tập huấn tiêu chuẩn liên quan đến đổi mới sáng tạo.
Về lĩnh vực năng suất để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp Việt Nam, Tổng cục mong muốn phía Singapore có thể phối hợp tổ chức Diễn đàn Năng suất Việt Nam – Singapore, trong đó hai Bên cùng thảo luận về những định hướng, chính sách, chiến lược phát triển năng suất quốc gia.
Phía Singapore ghi nhận các đề xuất của Tổng cục, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quản lý chiến lược của Singapore trong tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo PGS. TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học Quốc gia Singapore, Việt Nam được biết đến là quốc gia có vị trí địa lý vô cùng chiến lược, với tốc độ phát triển như hiện nay, việc “cất cánh” thành quốc gia phát triển là bài toán rất lớn và khó. Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng khoa học công nghệ và coi đó là bước đột phá để phát triển.
Có thể thấy con đường đi lên của các dân tộc đều bắt nguồn từ đầu tư vào khoa học kỹ thuật, có thể kể đến những mô hình kinh điển để tham khảo như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, mức độ GDP/đầu người sẽ tương ứng với mức đầu tư khoa học kỹ thuật, mức sáng tạo.
PGS. TS. Vũ Minh Khương nhận định, Việt Nam đang có dấu ấn hội nhập rất lớn, trong đó có dấu ấn với Hàn Quốc. Dường như trong tương lai sẽ theo sự tương xứng với Hàn Quốc, thậm chí có bước đột phá hay hơn, có tính thời đại hơn bởi sự cộng hưởng của dân số tăng dần trong nước.
“Bài toán tăng trưởng muốn bền vững rõ ràng phải là năng suất, cụ thể năng suất lao động cấu thành hai vấn đề chính là thu nhập cho người lao động và tiền thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, tăng năng suất lao động cũng chính là thước đo đầu tư của tăng năng suất”, ông Khương nói.
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc