Bánh trung thu là sản phẩm vô cùng quen thuộc trong dịp Tết Trung thu. Bên cạnh loại bánh chất lượng cao từ các nhà sản xuất uy tín thì cũng xuất hiện bánh handmade- tự làm với giá rẻ nhưng chất lượng khó kiểm soát.
Bắt đầu và trở nên phổ biến từ vài năm nay nhưng trào lưu tự làm bánh Trung thu tại nhà, hay sử dụng sản phẩm bánh handmade (làm bằng tay) vẫn chưa hết hot. Thấy dễ làm, không ít người tự tìm tòi, học cách làm hoặc kinh doanh mặt hàng này.
Trên các trang mạng xã hội thời điểm này đã bắt đầu có những người kinh doanh, cửa hàng nhận đặt các loại bánh với kích cỡ, loại nhân, hình thù… rất đa dạng và giá cả khá mềm, tùy vào yêu cầu của khách hàng. Do nhu cầu của khách hàng có từ rất sớm nên nhiều địa chỉ làm bánh Trung thu “handmade” đã chuẩn bị trước nhiều tuần để bán cho khách.
Nhân bánh Trung thu khá đa dạng, gồm có nhân mặn và nhân ngọt. Các loại nhân bánh phổ biến thường được sử dụng như đậu xanh, đậu đỏ, thịt mỡ lá chanh, mứt bí, mứt sen trần, lạp xưởng, nhân mè đen… Hiện nay, các loại nguyên liệu làm nhân bánh có thể dễ dàng mua được tại các chợ, cửa hàng online. Chính vì điều này đặt ra câu hỏi liệu bánh Trung thu handmade có đảm bảo chất lượng hay tiềm ẩn những rủi ro cho người tiêu dùng.
Bánh Trung thu handmade tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe, cần tránh ham rẻ. Ảnh minh họa
Dùng nguyên liệu không qua kiểm định, không rõ nguồn gốc
Các chuyên gia thực phẩm cho biết, chẳng ai có thể dám chắc quá trình chế biến bánh Trung thu handmade có đảm bảo vệ sinh hay không. Đặc biệt là những loại bánh này thường được làm bằng các loại nguyên liệu chưa được kiểm định, sử dụng nhiều phụ gia không rõ nguồn gốc, như chất bảo quản, chất chống ôxy hóa, phẩm màu, hương liệu tổng hợp… để làm cho bánh đẹp, bắt mắt hơn.
Theo các chuyên gia thực phẩm, mỗi loại nguyên liệu làm nhân bánh đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh như nấm mốc, ký sinh trùng, nấm men, tả lỵ, tụ cầu, thương hàn…. Hoặc chúng có thể bị ô nhiễm hóa chất độc hại như chất tăng trọng, kháng sinh cấm, những hóa chất độc hại do sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu, sản phẩm quá hạn sử dụng…Nếu sử dụng quá liều lượng có thể gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, đau bụng… nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.
Công đoạn làm bánh khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong khi công đoạn làm bánh handmade được làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Chính vì vậy, các công đoạn làm bánh sẽ khó có thể đảm bảo an toàn vệ sinh một cách toàn diện. Chưa kể các dụng cụ làm bánh được sử dụng nhiều lần, không được vệ sinh sạch sẽ cũng rất dễ mang nhiều mầm bệnh.
Hậu quả của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hoặc nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính hay mãn tính, các bệnh truyền qua thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của người sử dụng.
Bảo quản không đảm bảo an toàn
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, điều khiến bánh tự làm dễ bị hỏng và thậm chí là gây độc cho người ăn là do cách bảo quản sai. Bởi để đảm bảo tiệt trùng và kéo dài thời gian bảo quản, nhiều người cho bánh vào túi nilon hút chân không hoặc cho vào ngăn đá. Tuy nhiên, thực tế việc để bánh vào túi hút chân không là sai lầm. Hút chân không chỉ có tác dụng với thực phẩm khô (thực phẩm sẽ không biến đổi).
Trong khi đó, các loại bánh vẫn phát ẩm nên dù có hút hết chân không thì chính cái bánh lại tự tạo ra độ ẩm cho môi trường đó, khiến vi khuẩn và nấm mốc vẫn có thể hoạt động bình thường.
Tương tự, việc nhân tiện một lần làm thì làm thật nhiều rồi để bánh trong ngăn đá tủ lạnh để ăn dần là một cách làm sai lầm và lãng phí. Không có loại thực phẩm nào để cả tuần, cả tháng mà ăn vẫn ngon như khi vừa mới làm. Điều này còn gây ra các loại bệnh như tụ cầu, tả, lỵ, ký sinh trùng. Đặc biệt, điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản bánh đều có nguy cơ chứa các tác nhân gây ô nhiễm. Do đó, đối với bánh mua sẵn nên chọn các hãng có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, những thông tin như nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hạn sử dụng, bảo quản. Không lựa chọn bánh bị dập nát, biến dạng, bao bì đóng gói không đảm bảo.
Tiêu chuẩn bánh Trung thu bao gồm bánh nướng và bánh dẻo Bộ KH&CN trước đó đã công bố Tiêu chuẩn Quốc gia dành cho bánh trung thu, bao gồm bánh nướng, bánh dẻo. Theo đó, Bộ KH&CN đã công bố TCVN 12940:2020 đối với bánh nướng và TCVN 12941:2020 đối với bánh dẻo. Tiêu chuẩn này do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F18 Đường, mật ong và sản phẩm tinh bột biên soạn của Bộ biên soạn. Ban kỹ thuật TCVN/TC/F18 định hướng vào các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật. Các chỉ tiêu này đã được Ban soạn thảo tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Đối với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm thì vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo. Các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này. Vì thế, các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật an toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng. Cũng theo Bộ KH&CN, đối tượng áp dụng tiêu chuẩn bánh trung thu bao gồm: Các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước; các đơn vị thử nghiệm và đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng sản phẩm. Các tiêu chuẩn này sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm theo quy định nêu trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý có căn cứ để kiểm soát sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng thích hợp. Thông qua đó, sẽ đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi của nhà sản xuất chân chính. |
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc