30 phút sau khi ngậm viên thuốc chữa ho, bé trai 11 tuổi khàn tiếng, sưng nề hai mắt, nổi ban xung quanh, ngứa, được đưa vào viện cấp cứu.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương ngày 20/3 cho biết bé bị phản vệ độ I, xử trí theo phác đồ sốc phản vệ. Khi tiêm adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ), hai mắt và môi bé vẫn sưng nề. Khoảng 20 phút sau cấp cứu, bệnh nhân mới dần ổn định, điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Người nhà cho biết viên ngậm chữa ho mua ở nhà thuốc, không có chỉ định của bác sĩ.
Theo các bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Có những tác nhân dù đã tiếp xúc rất nhiều lần hoàn toàn bình thường, lần tiếp xúc sau vẫn có thể gây ra phản ứng phản vệ, đặc biệt là với các loại thuốc tự ý mua dùng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, những bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ đều được cấp "thẻ dị ứng" ghi rõ các dị nguyên đã từng gây sốc phản vệ cho người bệnh. Bệnh nhân cần mang theo thẻ dị ứng này khi khám bệnh, giúp bác sĩ điều trị hiểu rõ về tiền sử bệnh của mình để có chỉ định phù hợp.
Bác sĩ khuyến cáo sau khi trẻ dùng thuốc xuất hiện các triệu chứng nổi ban da ngứa, buồn nôn, đau bụng, khó thở, tức ngực, cần đến bệnh viện khám ngay. Trẻ bị sốt, ho, sổ mũi, nên đưa đến bác sĩ khám, điều trị đúng thuốc, đúng bệnh, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về uống, tránh lạm dụng thuốc và tác dụng phụ.
Bệnh nhi được bác sĩ thăm khám tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc