Đảm bảo đo lường – công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi tư duy doanh nghiệp

Chủ nhật - 20/03/2022 23:00 0

Phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”, các ý kiến nhấn mạnh, chương trình đảm bảo đo lường là một trong những công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và thay đổi tư duy của doanh nghiệp.

Ngày 16/3, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”. Tham dự Hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL, Lãnh đạo Sở KHCN địa phương và các chuyên gia đầu ngành.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết, Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2018. Một trong những trọng tâm của Đề án chính là chương trình đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp, bởi vì chúng ta không chỉ hướng tới đo lường về phương tiện đo nhóm 2 mà chúng ta đưa đo lường vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL. 

“Trước đây, khi nói đến đo lường chúng ta hay nói đến phương tiện đo nhóm 2 là phương tiện đo phải đảm bảo chính xác, thế nhưng với chương trình đo lường, cần mở rộng không gian cho hoạt động đo lường là tất cả phương tiện đo. Nếu doanh nghiệp quan tâm, đầu tư và có lộ trình triển khai có thể nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, nghĩa là bài toán về đo lường được tích hợp với bài toán về năng suất và bài toán về chất lượng.

Như vậy, không chỉ đo lường, nếu chúng ta tích hợp các quy trình quản trị về doanh nghiệp, tổ chức, năng suất, chúng ta sẽ lượng hóa được giá trị đo lường cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, chương trình đảm bảo đo lường chính là một trong những công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và thay đổi tư duy của doanh nghiệp”, ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

 Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo.

Đề án 996 sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên triển khai áp dụng hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá. Đề án tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp.

Phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương.

 Ông Trần Quý Giầu – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đo lường.

Đến nay đã có 49 tỉnh thành phố, địa phương đã triển khai xây dựng kế hoạch, đề xuất nhu cầu và thực hiện Đề án 996 đến các doanh nghiệp, đơn cử như điểm sáng tại Thái Nguyên.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai đảm bảo đo lường tại Hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên Phạm Quốc Chính cho biết, khi triển khai Đề án 996 cần khảo sát và làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để đánh giá thực trạng và nhu cầu của doanh nghiệp về hoạt động đảm bảo đo lường. Từ đó sẽ lựa chọn các doanh nghiệp điển hình để địa phương hỗ trợ xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường. Cũng từ hoạt động này đã chỉ ra những điểm chưa phù hợp, chưa tối ưu để tư vấn, xây dựng nội dung cần đổi mới, cần tăng cường để nâng cao hiệu quả của hoạt động đảm bảo đo lường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cho doanh nghiệp.

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên Phạm Quốc Chính. 

Theo ông Chính, Chương trình giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Kiểm soát phát thải ra môi trường; bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm, hàng hóa toàn cầu.

Cũng tại Hội thảo, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Lai Châu Dương Đình Đức cũng đã chia sẻ mong muốn các chuyên gia đầu ngành về đo lường của Tổng cục TCĐLCL sẽ tăng cường hoạt động đào tạo tư vấn cho địa phương làm tiền đề cho việc triển khai chương trình đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp khi mà Lai Châu là một tỉnh có nhiều hoạt động gắn chặt với đo lường khi có tới hơn 100 thủy điện và hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời ông Đức cũng nhấn mạnh cần tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, đào tạo học tập tại các quốc gia tiên tiến về hoạt động đo lường giúp các cán bộ địa phương được nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường.

Cũng tại Hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã có những bài tham luận liên quan đến nội dung nhiệm vụ của địa phương thực hiện Đề án 996; chia sẻ kinh nghiệm triển khai Đề án 996 và chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp….

Hà My

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: www.most.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây