Năm 2021, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã triển khai thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng chuỗi giá trị trồng và chế biến cà xứ Nghệ tại Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và Ươm tạo công nghệ cao Thái Hòa” với mục tiêu: Xây dựng thành công mô hình trồng và chế biến cà pháo nhằm tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị và góp phần phát triển sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương cho tỉnh Nghệ An.
Mô hình trồng giống cà Tiểu Tuyết TN 122 – vụ Xuân
tại Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và Ươm tạo công nghệ cao Thái Hòa
Kết quả của nhiệm vụ: Đã xây dựng thành công mô hình trồng 0,5 ha giống cà Tiểu Tuyết TN122 đạt năng suất 10,2 tấn/ha, sản lượng 5,2 tấn cung cấp nguyên liệu cho mô hình chế biến tại chỗ. Với giá bán làm nguyên liệu chế biến là 20.000 đ/kg đã làm tăng giá trị của quả cà tươi từ 1,2-4,0 lần so với giá bán trên thị trường (5.00 -17.000 tùy từng thời điểm).
Cũng thông qua thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công Nghệ Nghệ An đã xây dựng thành công mô hình chế biến cà pháo, tạo ra sản phẩm cà muối mang tên “Cà xứ Nghệ” với đặc trưng vừa “mặn”, vừa “giòn” đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.Sản phẩm được người dùng thử đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.
Sản phẩm cà đã chế biến
Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2021, sau mỗi lứa thu hoạch cà nhóm cán bộ thực hiện nhiệm vụ đã tổ chức chế biến cà và đã đạt được khối lượng sản phẩm gồm: 2.500 lọ cà loại 850ml và 6.000 lọ loại 500ml. Với giá bán dự kiến: 30.000đ/lọ đối với lọ loại 500ml và 40.000 đ/lọ loại 850ml, nếu như toàn bộ sản phẩm chế biến cà xứ Nghệ được bán hết sẽ mang lại doanh thu 280.000.000đ.
Như vậy, việc trồng và chế biến cà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã nâng cao giá trị của quả cà từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu cho xã hội, phát huy danh tiếng cà xứ Nghệ.
Nguyễn Hằng
Trạm Nghiên cứu thực nghiệm và Ươm tạo Công nghệ cao Thái Hòa
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Nghệ An