Hội nghị báo cáo nhiệm vụ “Khảo sát, sưu tầm, biên dịch thư tịch cổ Hán Nôm trên địa bàn huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò”
Sáng nay, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị...
Sáng nay, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ “Khảo sát, sưu tầm, biên dịch thư tịch cổ Hán Nôm trên địa bàn huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò” do Trung tâm KHXH&NV làm chủ trì, ông Trần Mạnh Cường làm chủ nhiệm. Tham dự hội nghị có TS Võ Quang Vinh - Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, NCS Hoàng Ngọc Cương - Nhà nghiên cứu Đồng Nai, NNC Đào Tam Tỉnh, đại diện Sỏ Văn Hóa - Thế thao… Về phía huyện, có đại diện lãnh đạo huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.
Tại hội nghị, ông Trần Mạnh Cường đã báo cáo kết quả thực hiện của nhiệm vụ. Ông cho rằng: Nghi Lộc - Cửa Lò là hai địa phương thuộc khu vực đồng bằng ven biển của tỉnh Nghệ An, nằm trông ra biển Đông rộng lớn. Đây là mảnh đất mang nhiều trầm tích lịch sử, nhiều danh nhân lịch sử, gắn với nhiều dấu ấn mang đậm đặc trưng của văn hóa xứ Nghệ và đất nước. Trải qua quá trình hình thành và phát triển của lịch sử, Nghi Lộc luôn gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nơi đây với vị thế là một trong những vị trí giao điểm và chiến lược quan trọng của vùng đất Nghệ An qua các thời kỳ lịch sử, nên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều triều đại phong kiến, thể hiện ở việc được ghi chép, mô tả, nhận định và khảo luận đầy đủ, chi tiết trong nhiều bộ chính sử, phương sử, cũng như dư địa chí của nhiều học giả nổi tiếng trong và ngoài nước. Chính vì vậy nơi đây cũng từng để lại một di sản văn hóa thành văn Hán Nôm vô cùng đồ sộ và phong phú, song vì nhiều lẽ, nhất là do hậu quả của chiến tranh qua các thời kỳ và thiên tai khắc nghiệt đã làm hư hại và mất mát khá nhiều. Vì vậy, những tư liệu Hán Nôm trên địa bàn hiện còn là di sản văn hóa cần được thu thập, bảo tồn và phát huy giá trị trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
Chính vì thế Trung tâm KHXH&NV đã triển khai nghiên cứu nhiệm vụ này nhằm: Nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch tư liệu Hán Nôm về Nghi Lộc Cửa Lò nhằm sưu tầm, biên dịch, chú thích, nghiên cứu về nội dung, giá trị của tư liệu Hán Nôm liên quan đến địa phương ; Cung cấp nguồn tư liệu giá trị, quý hiếm cho việc biên soạn địa chí, lịch sử; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị tư liệu địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của hai địa phương nói riêng và Nghệ An nói chung.
Để thực hiện mục tiêu này, Trung tâm đã khảo sát, sưu tầm bổ sung trong và ngoài tỉnh về các tư liệu Hán Nôm giá trị về Nghi Lộc - Cửa Lò. Tổ chức phiên âm, dịch thuật nội dung từ nguyên văn văn bản Hán Nôm, xây dựng thư mục tài liệu, số hóa các cơ sở dữ liệu để cập nhật, lưu trữ nội dung tài liệu, phục vụ khai thác thuận tiện, nhanh chóng, chính xác nhất vốn tài liệu này (các tài liệu Hán Nôm gồm: Sắc phong, Hương ước, Đơn từ, Khế ước, Bằng cấp, Sách đồng, Gia phả.v.v....); Đồng thời tiến hành Biên dịch, chú giải một số nội dung liên quan; Nghiên cứu giá trị của tư liệu Hán Nôm về Nghi Lộc Cửa Lò trên các phương diện: Lịch sử, văn học, văn hóa, địa lý, giáo dục ; Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm trên địa bàn Nghi Lộc Cửa Lò; Xây dựng các chuyên đề khoa học, gồm: Thực trạng nguồn tư liệu Hán Nôm về Nghi Lộc Cửa Lò. Nghiên cứu giá trị nội dung tư liệu Hán Nôm về Nghi Lộc Cửa Lò. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm đó; Tổ chức xây dựng vốn tài liệu địa chí Hán Nôm trong kho tài liệu Địa chí của cơ quan: Đây là việc làm rất quan trọng vì có xây dựng tốt được kho tư liệu này mới giúp cho cơ quan có được vốn tài liệu quý hiếm, phong phú, thu hút được nhiều bạn đọc tìm hiểu vốn tài liệu địa chí địa phương; giúp các nhà nghiên cứu và bạn đọc tìm kiếm được nguồn tài liệu phong phú, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu phát huy vào công việc nghiên cứu lịch sử, địa chí tỉnh nhà.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã phối hợp nghiên cứu và sử dụng kết quả nghiên cứu với các tổ chức, cơ quan trong nước như: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và các thư viện trong khu vực Bắc miền Trung, tỉnh bạn; các trường đại học có giảng dạy, nghiên cứu về các môn thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn; các Viện, Trung tâm nghiên cứu về khu vực học (Phân viện văn hóa nghệ thuật miền Trung (tại Huế), Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thành phố, các dòng họ, đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tại buổi nghiệm thu, các đại biểu tham dự đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ này và cho rằng: kết quả nghiên cứu đã đưa ra được nguồn tư liệu quý tầm cỡ quốc gia. Với quy mô nghiên cứu là đi vào từng huyện đã giúp cho nhiệm vụ nghiên cứu sâu vào vấn đề. Bên cạnh đó, cá đại bieur cũng đề xuất đơn vị thực hiện cần phân loại các tư liệu thu thấp được để tạo thành hệ thống tư liệu khoa học hơn. Cần số hóa và giới thiệu trên các phương tịn thông tin đại chúng…./.
Tác giả bài viết: Hải Yến