Nông dân Anh Sơn thu hoạch khoai lang đỏ trên đất ruộng

Thứ năm - 26/05/2022 21:21 0

Nông dân Anh Sơn đã chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai lang đỏ cho hiệu quả cao, đầu ra được thu mua hết.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thơ ở thôn 2 xã Phúc Sơn có gần 2 sào diện tích đất ruộng chuyển sang trồng khoai lang đã nhiều năm nay. Tranh thủ cày những luống khoai đầu tiên để kịp giao cho khách đặt, chị Thơ chia sẻ: Vùng đất này rất thích hợp với trồng khoai lang, chất lượng khoai rất ngon so với các vùng đất khác.  Người dân ở đây trồng khoai chủ yếu vào vụ đông xuân, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch người dân bắt đầu xuống giống và đến  đầu tháng 3 âm lịch thu hoạch.
Theo chị Thơ, trồng khoai lang này không đòi hỏi nhiều công chăm sóc mà chủ yếu là bón phân, kích thích ra rễ, củ, hạn chế phát triển dây, lá vì kinh nghiệm trồng loại cây này cho thấy “tốt dây thì hại củ”.
Trước khi trồng, gia đình chị cày lật đất, rắc vôi bột để chống mầm bệnh rồi trộn đất với phân chuồng để tăng độ dinh dưỡng. Khi trồng khoai phải vun thành luống để đảm bảo thoát nước, tránh tình trạng bị thối củ, bị sùng ăn.
Thời điểm này, bà con đang vào mùa thu hoạch khoai lang trên đất ruộng.
Sau 4 tháng trồng sẽ cho thu hoạch, 1 sào khoai lang cho năng suất đạt 5-6 tạ. Hiện nay, khoai lang đã trở thành đặc sản bởi nó là một thức ăn lành mạnh, tốt cho cơ thể nên được người tiêu dùng ưa chuộng, vì thế đầu ra cũng dễ bán, với giá hiện tại tùy vào kích cỡ khoai, loại 1 có giá 15.000 đồng/kg, loại nhỏ từ 8-12 nghìn đồng/kg, mỗi sào sau khi trừ chi phí cũng cho người dân thu nhập được 5 triệu đồng.
Ngoài sản phẩm chính là củ thì các phụ phẩm là gốc, dây khoai lang đều được tận dụng cho chăn nuôi gia súc.
Cạnh ruộng kế bên, gia đình chị Trần Thị Sen cũng đang ra đồng thu hoạch khoai lang. Chị Sen cho biết: Gia đình chị có 1,5 sào đất ruộng không chủ động được nguồn nước, nên 5 năm trở lại đây gia đình chuyển sang trồng khoai lang.
Khoai lang là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, nhưng để cây sai củ, cho củ đồng đều, trong quá trình trồng, gia đình chị đều cẩn thận từng bước từ khâu chọn giống, làm đất đến bón phân phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây. Điều khác biệt của đặc sản khoai lang ở vùng này là giống được bà con tự để từ mùa này sang mùa khác, không lấy giống từ vùng khác về. Cứ hết mùa bà con lấy lại một ít giống trồng trong vườn nhà. Đến vụ thì cắt phần ngọn giống đó đưa ra ruộng trồng. Khoảng 15 ngày sau khi trồng, khoai bén rễ bắt đầu phát triển thì bón lân, ka-li và phân chuồng hoai để cây sinh trưởng phát triển. Khi thu hoạch, ngoài việc chọn ngày nắng ráo, khi đào cần tránh làm khoai bị trầy xước để bảo quản được lâu, giá bán cao hơn.
Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết:  Trước đây, cây khoai lang chủ yếu để làm thức ăn chăn nuôi, nhưng vài năm trở lại đây, nó trở thành loại cây cho thu nhập chính từ củ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Khoai lang ở Phúc Sơn chủ yếu được trồng ở vùng đất ruộng khu vực Cồn Kè, diện tích toàn xã hơn 15 ha. 1 ha khoai lang đạt khoảng 10-12 tấn củ, với giá giao động từ 8-15 nghìn/kg tùy loại, người nông dân có thể thu lãi khoảng 80-100 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.
Năm nay toàn huyện Anh Sơn đã chuyển đổi được gần 50 ha đất ruộng không chủ động được nước sang trồng khoai lang nhằm dần thay thế những cây trồng kém hiệu quả, khoai lang được trồng chủ yếu ở các xã Phúc Sơn, Đức Sơn, Vĩnh Sơn.
Từ hiệu quả cây khoai lang mang lại, thời gian tới, huyện Anh Sơn sẽ cùng với các địa phương tiếp tục khuyến khích người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để cây khoai lang tạo củ đồng đều, cho năng suất, sản lượng cao; chú trọng xây dựng thương hiệu để khoai lang vươn ra thị trường trong và ngoài huyện.     

Tác giả bài viết: Quỳnh Anh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây