Mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao góp phần giúp Anh Sơn thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn

Thứ ba - 29/03/2022 20:57 0
Ngày nay với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển đến đỉnh cao, con người dần đi đến một xã hội tự động với sự hỗ trợ của máy móc với trí tuệ AI là chính. Những ứng dụng này, ra đời nhằm giải quyết những khó khăn của chúng ta trong quá khứ. Cùng chúng tôi sơ lược qua về nông nghiệp của Việt Nam, và trong hiện tại nông nghiệp thông minh được định nghĩa như thế nào với sự góp mặt trí tuệ AI trong nông nghiệp. Ở hiện tại, nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp 4.0 có thể hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa,...); công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi...gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin).
Để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, huyện Anh Sơn có nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư phát triển trang trại công nghệ cao và bước đầu đạt kết quả khả quan. Để hỗ trợ bà con, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Anh Sơn tham mưu, tổ chức, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, canh tác, tìm kiếm thị trường. Huyện tạo mọi điều kiện về chủ trương và đất đai, lồng ghép các chương trình hỗ trợ thông qua Thông tư 183/BNN về hỗ trợ mô hình công nghệ cao và chương trình nông thôn mới của tỉnh. Riêng đối với mô hình cam sạch bệnh tại Bãi Phủ (Đỉnh Sơn) được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ trên 1 tỷ đồng đầu tư với hệ thống giếng khoan, điện, bờ tường bao kiên cố.
Thời gian qua, ở Anh Sơn xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị  gia tăng, giá thu nhập trên đơn vị diện tích. Tiên phong trong lĩnh vực này là anh Đặng Văn Thiên, mạnh dạn nhận 5ha đất trên đỉnh đồi thôn Kim Tiến, xã Phúc Sơn làm kinh tế trang trại. Anh đã đầu tư công nghệ Israel xây dựng hệ thống nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trồng dưa cho thu nhập cao và thành lập Công ty CP nông nghiệp sạch Anh Sơn có thương hiệu uy tín trên thị trường. Bám sát đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện và các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều hộ nông dân ở Anh Sơn đã mạnh dạn đầu tư vào SXKD, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại hướng vào sản xuất các sản phẩm chủ lực của huyện như chăn nuôi lợn, trâu, bò, gà, trồng cây ăn quả, phát triển cây chè, mía với quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao. Công ty CP nông nghiệp sạch với 3 khu nhà lưới rộng 3.000m2. Đơn vị thực hiện theo đúng quy trình, là mỗi nhà lưới có diện tích 1.000m2 trồng 2.500 gốc dưa. Quá trình chăm sóc, cán bộ kỹ thuật của các ngành liên quan ở huyện luôn hỗ trợ rất nhiều thông tin, kinh nghiệm chăm sóc... nên vụ dưa lưới đầu tiên ở vùng đất này cho thu hoạch cao, tổng sản lượng được hơn 3,5 tấn quả bán được giá và đầu ra ổn định; chỉ trong 3 vụ làm của năm 2018, đơn vị đã có tổng nguồn thu hơn 1 tỷ đồng; sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn VietGAP và điều đó giúp cho dưa lưới Anh Sơn mở rộng thị trường, lên kệ tại các siêu thị lớn. Các mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ hiện đại của Isarel của ông Trương Vũ Hoàng - Thôn 2, xã Hội Sơn rất hiệu quả. Mô hình chính thức đi vào sản xuất nhập bán sản phẩm ra thị trường từ 2018. Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, anh Hoàng xây dựng được thương hiệu bản quyền sản phẩm mang tên “Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Kim Nhan”, đã ký kết được một số hợp đồng cung ứng sản phẩm như Công ty Rau sạch Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng, đặc biệt các hệ thống siêu thị BigC trên toàn quốc như Hà Nội, Sài Gòn, Vinh
Mô hình chăn nuôi bò với quy mô 150 con của gia đình anh Đặng Trọng Dương thôn 7 xã Cẩm Sơn. Nhìn đàn bò đầy ắp trong chuồng mà chúng tôi không khỏi thán phục trước sự mạnh dạn trong cách nghĩ cách làm của người nông dân này. Từ năm 1999, anh Dương bắt tay vào xây dựng trang trại ban đầu với số lượng vài chục con bò. Nhận thấy lợi thế có đất đai rộng, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, anh đã vay vốn ngân hàng với số tiền 600 triệu đồng để mở rộng chuồng nuôi trên diện tích 500 m2 theo quy mô lớn và liên hoàn. Đến nay, sau hơn 15 năm phát triển trang trại của anh luôn duy trì số lượng ổn định trên 100 con bò. Tiền lãi từ nuôi bò vỗ béo của anh mỗi năm cũng đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng. Từ thành công ban đầu của gia đình anh Dương, đến nay, hàng chục hộ khác trong xã cũng phát triển các mô hình chăn nuôi, tạo thành một khu vực chăn nuôi hàng hóa cho thu nhập cao và luôn có đầu ra bền vững. 
Cho đến nay, dù là đất của vùng chè nhưng việc đầu tư công nghệ cao vào trồng chè như mô hình trang trại của anh Phạm Văn Thân ở xã Long Sơn là chưa nhiều. Sau những lần tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo huyện Anh Sơn tại TP. Hồ Chí Minh, được biết chủ trương của huyện ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất công nghệ cao nên quyết định về quê làm trang trại trồng chè. Năm 2017, khi trở về xã Long Sơn, anh Thân được các cấp, ngành liên quan ở huyện tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận 14 ha đất đầu tư cải tạo lại trang trại trồng chè và keo. Thuận lợi ở trang trại là có khe nước quanh năm đắp chặn dòng tạo nên hồ nước nuôi cá rộng 3.000 m2, đồng thời cải tạo nuôi thêm baba, lươn... và đây là nguồn nước dồi dào tưới cho cây chè đồi. Anh Thiên đã đầu tư hệ thống máy bơm công suất cao và làm hệ thống đường ống dẫn nước dài 600 m bằng béc phun nước tự động, bởi vậy cây chè trồng non trồng trên độ cao 50m vẫn có nước tưới quanh năm.Do chủ động được vấn đề này, tỷ lệ cây sống, phát triển tốt lên đến 99% trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản (giai đoạn đầu) ở trang trại, còn trên diện tích chè kinh doanh chủ động nước tưới năng suất tăng 30% và chất lượng chè rất cao. Hiện nay anh Thân đang đầu tư nghiên cứu hệ thống bơm nước chân không (không cần sử dụng điện) và nếu thành công, đây là mô hình rất dễ áp dụng cho trồng cây chè trên đồi cao (có nguồn nước ở khe suối để tạo áp lực bơm).
Cũng trên địa bàn huyện ngày có thêm nhiều trang trại ứng dụng công nghệ cao, như: Trang trại trồng cam theo quy trình VietGAP của bà Lê Thị Hương, thôn Đỉnh Hợp, xã Đỉnh Sơn; trang trại ông Trần Văn Hải, xã Hội Sơn trồng giống cam Bù chín muộn vào dịp tết Nguyên đán; trang trại ông Hoàng Thanh, thôn 5 xã Long Sơn trồng chè kết hợp cây ăn quả... 
Hiện nay, trên địa bàn Anh Sơn có 23 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và 12 trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo Thông tư 02 /2020/TT-BNN ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều mô hình trang trại áp dụng công nghệ cao khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì vậy, huyện đang tích cực xây dựng đề án phát triển trang trại ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, huyện xác định mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện có 21 trang trại ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chí theo Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; mỗi địa phương có ít nhất 01 trang trại ứng dụng công nghệ cao; tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ trang trại ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân 4 tỷ đồng trang trại; thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/trang trại/năm; thu hút 2-3 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đến năm 2030 có 60 trang trại và tổng giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân 7 tỷ đồng/trang trại... 
Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian tới huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt đến tận hộ nông dân về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tiến bộ KHKT, về mô hình điển hình áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, về thông tin, thị trường, liên kết sản xuất, tích tụ đất đai để các hộ tham gia góp đất, tham gia HTX sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Tập trung chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể đầu tư phát triển kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài quan tâm hỗ trợ một cách thiết thực, để tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện thực hiện đồng bộ các chính sách đã được ban hành, theo đó có sự vào cuộc tích cực và tâm huyết của chính quyền các cấp, các ngành liên quan để các nông hộ, các chủ trang trại tiếp cận các chính sách một cách thuận lợi và hiệu quả. Song song với đó huyện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để hỗ trợ kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao phát triển và xem xét hỗ trợ một kinh phí phát triển trang trại ứng dụng công nghệ cao một số nội dung như: Ứng dụng khoa học công nghệ mới; đăng ký nhãn hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ lãi suất tiền vay; tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất cho các hộ có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại.
Có thể nói việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hiện đã và đang là hướng đi đúng, tạo điều kiện giúp nông dân giảm thiểu rủi ro trước những bất lợi thời tiết và sâu bệnh. Đồng thời, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn là lĩnh vực mới và tiềm ẩn những khó khăn, nhất là nguồn vốn gắn kết với liên kết thị trường. Vì vậy, các ngành, các cấp cần quan tâm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ ngày càng hiệu quả hơn./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Thìn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây