Dù đã đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió và thủy điện nhiều hơn vào các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhưng Sáng kiến Vành đai và Con đường vẫn tiềm ẩn những vấn đề môi trường nghiêm trọng.
"Vành đai và Con đường"(BRI) là một sáng kiến của Trung Quốc, theo đó nước này đầu tư và cho vay để các nước đang phát triển xây dựng các cơ sở hạ tầng và năng lượng, thúc đẩy thương mại và kinh tế toàn cầu. Khi bắt đầu BRI, Trung Quốc có vẻ ít quan tâm đến điện tái tạo; các ngân hàng và công ty kỹ thuật lớn của nước này nhanh chóng đưa ra các kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh than của họ. Theo một
báo cáo, trong năm 2015, BRI đầu tư hơn 46% vốn vào các nhà máy than.
Trong các năm tiếp theo, các cơ quan chính phủ của Trung Quốc đã làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế để đánh giá lại khả năng thoái vốn khỏi điện than. Năm 2020, lần đầu tiên các khoản đầu tư của BRI vào năng lượng mặt trời, gió và thủy điện đã vượt đầu tư cho các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, một dấu hiệu cho thấy
Trung Quốc rút các khoản đầu tư khỏi than đá do chi phí năng lượng tái tạo ngày càng giảm.
Nhưng năng lượng mà BRI đang phát triển thay cho than đá vẫn tiềm ẩn những vấn đề môi trường nghiêm trọng khác.
Thủy điện
Các con đập làm xáo trộn dòng chảy tự nhiên của các con sông và có thể làm suy giảm các hệ sinh thái ven sông, đồng thời ngăn cá di cư đến nơi sinh sản và kiếm ăn. Và thông thường để xây dựng đập, cần xây các con đường vận chuyển vật liệu mà sau này có thể bị sử dụng để khai thác gỗ trái phép và săn trộm động vật hoang dã.
Trong khi đó, hầu hết chi tiêu cho năng lượng tái tạo của BRI đã đổ vào thủy điện. Thủy điện chiếm 35% tổng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của BRI vào năm 2020, so với 23% cho năng lượng mặt trời và gió.
Nhà máy điện mặt trời Garissa 55 megawatt, được xây dựng ở phía đông bắc Nairobi, Kenya, là minh chứng cho sự thay đổi trọng tâm của Sáng kiến Vành đai và Con đường, từ than đá sang năng lượng tái tạo.
Các khoản đầu tư thủy điện của BRI đã và đang có
tác động nghiêm trọng đến lưu vực sông Mekong - hệ thống sông đa dạng sinh học nhất thế giới sau Amazon - chảy qua 5 quốc gia và ảnh hưởng đến sinh kế của 65 triệu người sống trong lưu vực 800.000 km vuông.
Các bên liên quan đến Trung Quốc đang xây dựng 8 đập trên sông Mekong đang lên kế hoạch xây dựng 34 đập khác ở các vị trí nằm rải rác khắp lưu vực.
Loài đười ươi Tapanuli có nguy cơ tuyệt chủng, bị đe dọa bởi một dự án thủy điện ở phía bắc Sumatra của Indonesia.
Nhưng cũng giống như các nhà máy nhiệt điện than, tính toán tài chính đang thay đổi. Eyler nói rằng các đập ở sông Mekong đã được lên kế hoạch từ lâu, khi năng lượng mặt trời và năng lượng gió vẫn còn tốn kém. Hiện nay, một số nhà phát triển thủy điện đang khó tìm kiếm người mua điện vì các loại năng lượng tái tạo khác trở nên rẻ hơn, và họ “không thể vay tiền từ ngân hàng nếu bạn không có hợp đồng mua bán điện,” theo Brian Eyler, chuyên gia về an ninh nguồn nước tại Trung tâm Stimson ở Washington, DC.
Eyler cho rằng, vào năm 2030, các đập siêu lớn (megadam) "có thể sẽ lỗi thời". Nhưng không giống như các nhà máy nhiệt điện than, các đập có ít khả năng bị ngừng hoạt động sớm. Cách duy nhất “là thay thế các đập trong tương lai bằng năng lượng mặt trời và gió,” Eyler nói.
Đường bộ, đường sắt và đường ống
Đường bộ, đường sắt và đường ống năng lượng - các cơ sở hạ tầng tuyến tính - có thể là mối đe dọa lớn hơn nữa BRI gây ra với các hệ thống sinh thái và đa dạng sinh học.
Những cơ sở hạ tầng kéo dài hàng trăm hoặc hàng nghìn km này lấy mất hoặc chia cắt môi trường sống, cô lập các quần thể động vật hoang dã trong các khu vực quá nhỏ để tồn tại. Các hạ tầng này cũng có thể cung cấp con đường tiếp cận vào các khu vực hoang sơ để khai thác và săn trộm trái phép. Ngoài ra, có những tác động thứ cấp, chẳng hạn như đòi hỏi xây dựng các nhà máy bê tông và khai thác đá vôi, cát và sỏi.
Một đoàn công nhân Trung Quốc làm việc trên Đường sắt Trung Quốc-Lào, một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, vào tháng 1 năm 2020
Mặc dù nhiều tuyến đường đang được xây dựng, nhưng chỉ có một số ít đã được hoàn thành, vì vậy các nhà bảo tồn vẫn đang gấp rút đánh giá các mối đe dọa. Một nhóm của Đại học Monash, Indonesia, đánh giá rằng các tuyến đường bộ và đường biển BRI hiện đang được quy hoạch hoặc đang xây dựng sẽ cắt trực tiếp qua 21 khu bảo tồn và xâm phạm vào vùng đệm (dài 25 km) của gần 30% các khu bảo tồn, khu vực đa dạng sinh học ởĐông Nam Á, như Quần thể rừng Dong Phayayen - Khao Yai, Vườn Quốc gia Khao Sok, Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Khlong Saeng ở Thái Lan.
Kết quả này nhất quán với đánh giá ở những nơi khác. Một nhóm tại Vườn bách thảo nhiệt đới Xishuangbanna thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã xem xét 170.126 km đường bộ và 80.451 km đường sắt được lên kế hoạch đi qua Âu-Á và châu Phi, chỉ ra khoảng cách của chúng với các khu bảo tồn và khu vực đa dạng sinh học quan trọng, và kết luận: “BRI cho thấy một mối đe dọa mới và đáng kể đối với đa dạng sinh học trên toàn cầu."
Một dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường đã nâng cấp cảng Mombasa, Kenya, để đáp ứng hoạt động thương mại ngày càng tăng.
Các nhà bảo tồn lưu ý, nếu muốn giảm thiểu thiệt hại cần có các đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt, có giám sát quốc tế.
Các ngân hàng có thể đóng vai trò quan trọng, theo Hughes nói, "nhiều ngân hàng Trung Quốc và châu Á đang bắt đầu xem xét tài chính xanh và phát triển các chính sách tài chính xanh. Họ có thể yêu cầu đánh giá tác động toàn diện trước khi cấp vốn." Nhưng thời gian còn rất ít, Hughes cảnh báo, “nhiều tuyến đường đang được xây dựng, với thời gian mở cửa từ năm 2022 đến năm 2024."
Nguồn:
https://www.science.org/content/article/china-s-global-infrastructure-program-goes-green-could-still-devastate-ecosystems
https://greenfdc.org/china-belt-and-road-initiative-bri-investment-report-h1-2021/
Xuân Thu tổng hợp