Bước chuyển sang các mạng 5G, 6G sẽ là xu thế chung với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam - Ảnh: GETTY IMAGES
Đẩy mạnh 5G, nghiên cứu 6G
Trong năm 2022, Việt Nam sẽ bắt đầu những bước đi đầu tiên trên hành trình nghiên cứu mạng viễn thông 6G.
Đây là một trong nhiều mục tiêu cho năm 2022 được Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vào tháng 1-2022, qua đó có thể đưa Việt Nam vào nhóm đầu về 6G trên thế giới.
Cụ thể, Việt Nam sẽ khởi động nghiên cứu 6G từ năm nay và định hướng tới năm 2028, tần số 6G có thể được cấp phép, sau đó sẽ được thương mại hóa.
Cũng trong năm 2022, việc phân bổ tần số và phát triển mạng 5G toàn quốc cũng sẽ được đẩy mạnh.
Năm 2021, Việt Nam đã phát triển đầy đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G gồm mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập, đồng thời đã hoàn thành lắp đặt thử nghiệm trạm 5G theo công nghệ ORAN.
Đây được xem là bước đệm để thúc đẩy thương mại hoá 5G vào năm 2022.
"Miếng bánh" đổi mới sáng tạo tỉ đô
Thời gian giãn cách xã hội trong năm 2021 đã thúc đẩy nhiều ứng dụng đổi mới sáng tạo, trong đó có lĩnh vực giáo dục - Ảnh: Nikkei Asia
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Sihub), cho biết năm 2021 dù dịch bệnh tác động nhiều đến kinh tế, đầu tư vào khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng với vốn đầu tư khoảng 1,3 tỉ USD, tăng 40% so với năm 2020.
Nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gọi được số vốn lớn ở các khu vực như Fintech, thanh toán, bán lẻ,…
Ông Tước nhận định trong năm 2022, dư địa cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước vẫn còn rất rộng. Việt Nam là quốc gia còn nhiều vấn đề có thể ứng dụng khoa học, công nghệ phải giải quyết nên dư địa này càng lớn.
Đà tăng trưởng này được tích lũy trong nhiều năm qua. Dự đoán trong năm 2022, tổng đầu tư vào thị trưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn đạt trên 1 tỉ USD.
Trong đó, dù tỉ lệ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn đầu vẫn sẽ chiếm ưu thế nhưng trong năm 2022, xu hướng rót vốn vào các vòng series B, C, D sẽ gia tăng.
Hiện nay, các quỹ đầu Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 200 tổ chức đầu tư. Dù vậy, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 100 dự án gọi vốn thành công.
Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Năng lực sáng tạo đôi khi đi vào lối mòn, đơn điệu. Một số người làm khởi nghiệp nhưng vẫn tỏ ra bị động trước cơ chế.
Tuy nhiên, theo ông Tước, thời gian gần đây nhiều bạn trẻ năng động sau khi đã tích lũy đủ trải nghiệm thực tế, cộng với các kiến thức công nghệ, đã nhìn ra được nhiều vấn đề có thể giải quyết bằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xu hướng này sẽ ngày càng thể hiện rõ trong thời gian tới.
Một số Edtech tại Việt Nam, một trong những lĩnh vực đổi mới sáng tạo sôi động trong những năm qua - Ảnh: TFVN
Thêm kỳ vọng vào công nghệ giáo dục (Edtech)
Theo Nikkei Asia, dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu học trực tuyến.
Năm 2019, thị trường Edtech trong nước trước thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện ở mức 2 tỉ USD thì đến cuối năm 2021 đã cán mức 3 tỉ USD.
Lực lượng lao động công nghệ thông tin trong nước mạnh mẽ, cơ cấu dân số trẻ, cộng với sự quan tâm và dành nguồn lực rất lớn cho giáo dục.
Thị trường Edtech tại Việt Nam được dự đoán sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong năm 2022. Trang Tech In Asia đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng nhất ở Đông Nam Á cho Edtech.
Ý kiến bạn đọc