Ðể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam một cách hiệu quả, bền vững và đổi mới công tác truyền thông về lĩnh vực này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030.
Bộ TN và MT cho biết, những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ, nhưng quá trình phát triển vẫn còn ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức, như: Tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển ngày càng suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển, với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng…
Nguyên nhân là do nhận thức về phương thức bảo vệ và phương pháp quản lý tổng hợp, thống nhất về biển dựa trên hệ sinh thái chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Nhận thức về vai trò, vị trí biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ, còn có những khái niệm khác nhau về kinh tế biển; chưa coi trọng liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển, ven biển.
Ðáng chú ý, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển chưa sâu rộng, dẫn đến chưa hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Từ năm 2010 đến 2015, Bộ TN và MT đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai Ðề án “Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” theo Quyết định số 373/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả, đã tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm thông qua việc tổ chức các sự kiện có quy mô lớn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn.
Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang thực thi nhiệm vụ trên khu vực biển, hải đảo và người dân về các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững TN và MT biển, hải đảo tại Việt Nam.
TS Tạ Ðình Thi, Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN và MT) cho biết, quá trình thực hiện đề án gặp không ít khó khăn, hạn chế như thiếu một số chương trình, chiến lược truyền thông về phát triển bền vững kinh tế biển ở cấp độ quốc gia, rộng khắp cả nước, tác động sâu rộng đến xã hội. Một số cơ quan, cấp ủy đảng và chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền về các ngành kinh tế biển, dẫn đến tình trạng mạnh địa phương nào địa phương đó làm, thiếu sự đồng bộ và sự gắn kết trong việc quảng bá tiềm năng kinh tế biển Việt Nam ra quốc tế. Trong khi đó, việc phối hợp triển khai giữa các cơ quan trong tổ chức tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thông tin về biển, đảo, nhất là giữa T.Ư và địa phương, có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; chưa huy động sự tham gia, đóng góp đầy đủ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, của cộng đồng tham gia vào công tác tuyên truyền trên địa bàn nơi mình cư trú...
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN và MT đang phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương biên soạn và xin ý kiến góp ý Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu chung của Chương trình là tập trung tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển một cách đầy đủ và toàn diện, từ đó củng cố niềm tin, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.
Các thông tin, kiến thức, tri thức về biển và đại dương được truyền tải thường xuyên, liên tục, chính xác và hấp dẫn đến từng nhóm đối tượng; nhận diện và bác bỏ thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc về biển và đại dương; học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản; đại bộ phận người dân có hiểu biết về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc…
Nội dung và hình thức truyền thông sẽ được đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa; sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại, đa phương tiện, đa loại hình, đa ngôn ngữ; tạo sự tương tác hiệu quả giữa chủ thể và đối tượng được truyền thông, sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong nước và quốc tế...
Chương trình được ban hành kỳ vọng tạo bước đột phát trong công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, hải đảo; phản ánh được vị trí, vai trò của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân về quyền, nghĩa vụ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Ý kiến bạn đọc