Hiệu quả kinh tế nuôi trồng thủy sản gần bờ tại huyện Nghi Lộc

Thứ tư - 14/07/2021 20:50 0
Nuôi trồng thủy sản ở huyện Nghi Lộc đang được quy hoạch là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới. Các mô hình nuôi trồng thủy sản gần bờ rất đa dạng, bao gồm cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt với các loại sản phẩm chính là tôm, ngao, cá và một số loại thủy sản khác.
Dựa vào đặc điểm sinh thái của từng địa phương đã chia thành 2 nhóm vùng khác nhau về một số đặc điểm: Nhóm vùng 1: thuộc vùng đất và mặt nước ở khu vực cửa sông, bãi ngang ảnh hưởng trực tiếp của nước biển, ít ảnh hưởng của các vùng đất lục địa hoặc bị ảnh hưởng nhưng nhanh chóng trả lại đặc tính tự nhiên do tác động của biển, nó có vị trí từ cửa biển ăn sâu vào lục địa khoảng 0-3 km; chủ yếu nước lợ là loại nước có độ mặn cao hơn độ mặn của nước ngọt, nhưng không cao bằng nước mặn. Nó có thể là kết quả của sự pha trộn giữa nước biển với nước ngọt; nước mặn: nước có chứa muối NaCl hoà tan với hàm lượng cao hơn nước lợ, thường quy ước trên 10 g/l. Nhóm vùng 2: thuộc vùng đất và mặt nước nằm ở lưu vực của các con kênh nằm sâu trong lục địa, nguồn nước ở đây là nước ngọt hay nước nhạt là loại nước chứa một lượng tối thiểu các muối hòa tan, đặc biệt là natri clorua (thường có nồng độ các loại muối hay còn gọi là độ mặn trong khoảng 0,01 - 0,5 ppt hoặc tới 1 ppt), vì thế nó được phân biệt tương đối rõ ràng với nước lợ hay các loại nước mặn.

Dựa vào giá trị kinh tế và đặc điểm sinh thái của đối tượng và đặc điểm của các vùng sinh thái mà trong thời gian qua, những người nuôi trồng thủy sản ở Nghi Lộc đã có những cách lựa chọn phương thức nuôi phù hợp cho từng vùng. Tỷ lệ nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn phát triển mạnh trong một thập kỷ trở lại đây, chiếm tỷ lệ 60% diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện. Trong đó diện tích nuôi theo phương thức bán thâm canh và thâm canh chiếm 14,6%, quảng canh cải tiến chiếm 27,8%, quảng canh chiếm 58,2%. Mặc dù đã có một số hộ nuôi trồng đã áp dụng nuôi ít thay nước, nuôi trong hệ kín hay áp dụng công nghệ mới, nhưng số hộ này chiếm tỷ lệ thấp dẫn đến năng suất chung của huyện hiện nay thấp và không ổn định.
Dựa trên phân vùng sinh thái Nghi Lộc có vùng nuôi chủ yếu: (+) Nuôi trong đê cống: Vùng nuôi chủ yếu dưới 3 hình thức là quảng canh, quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại giáp xác: tôm, cua, cá nước lợ trong ao đầm. Nuôi bán thâm canh đối với tôm sú, tôm he, cá biển; (++) Nuôi  bãi triều ngoài đê cống: đối tượng nuôi chủ yếu là sò, ngao. Ngao được bố trí nuôi ở các bãi có cấu trúc nền tầng mặt là bùn cát.
Với chủ trương đa dạng hóa các loại thủy sản, vận động các hộ dồn đổi diện tích cho nhau, tạo điều kiện cho các hộ có điều kiện thả xen canh các loại thủy sản, giảm công lao động, tăng thu nhập cho các hội xã viên nên năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản đã được tăng lên.
Diện tích nuôi trồng tôm chiếm 28,52% trên toàn diện tích nuôi trồng của huyện. Việc nuôi tôm cũng không còn xa lạ với ngư dân huyện Nghi Lộc, đặc biệt với xã Nghi Thiết, Nghi Quang. Việc kết hợp nuôi tôm với thả cá tại ao đầm cộng với chuyển giao công nghệ, giúp đỡ hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy diện tích nuôi trồng tôm gia tăng. Nhưng vẫn còn bất cập khi bà con gặp mùa tôm mắc dịch bệnh và chưa giải quyết dứt điểm có thể dẫn tới mất mùa và bỏ hoang diện tích nuôi trồng tôm. Diện tích nuôi cá chiếm 5,4% trên toàn diện tích nuôi trồng của huyện, chủ yếu xã Nghi Yên.

Qua so sánh hiệu quả kinh tế nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi ao, đầm, thả bãi, giữa các loài thủy sản đặc thù, giữa cá quy mô hộ trên địa bàn để có thể thấy được hiệu quả của các mô hình nuôi. Kết quả nuôi trồng các loại thủy sản trên địa bàn 3 xã nghiên cứu năm 2018. Tổng diện tích nuôi trồng là 180,75 ha. Chiếm diện tích nuôi trồng lớn nhất là tôm và cá.
Tổng chi phí (TC) được nghiên cứu xét dưới tổng của chi phí trung gian (IC) và chi phí khác. Chi phí trung gian bao gồm các chi phí như giống, thức ăn,vôi, khử trùng... Bảng 4 cho thấy chi phí trung gian của mô hình thả bãi là 32,14 triệu đồng/ha và nuôi ao, đầm cao hơn với 51,045 triệu đồng/ha. Chi phí lao động gia đình của nuôi ao đầm là 2,82 triệu đồng và nuôi thả bãi là 1,53 triệu đồng. Chi phí khác cho nuôi trồng bằng mô hình thả bãi thấp hơn nuôi ao, đầm.
Qua nghiên cứu cho thấy, giá trị gia tăng của nuôi ao đầm lớn hơn và lợi nhuận lớn hơn mô hình nuôi thả bãi, nhưng các chi chỉ tiêu hiệu suất đồng vốn (HS), giá trị tăng thêm trên một giá trị sản xuất (VA/ GO) và lợi nhuận trên một đồng chi phí (Pr/TC) của mô hình nuôi ao đầm bằng mô hình nuôi bãi thả. Đó là nguyên nhân vì sao, nuôi thả bãi là hình thức nuôi trồng dần dần được áp dụng và phát triển ở các bãi triều huyện Nghi Lộc.
Kết quả tính toán và so sánh hiệu quả kinh tế của 3 loại thủy sản chính là ngao, tôm và cá trên địa bàn huyện cho thấy giá trị sản xuất GO của tôm cao nhất với hơn 191 triệu đồng/ha, tiếp đến là ngao và cá thấp hơn với gần 116 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chi phí nuôi tôm cao nhất xuất phát từ chi phí thức ăn, phòng bệnh và khử trùng và chi phí khác. Nuôi ngao chi phí thấp nhất do nuôi ngao không phải mất chi phí thức ăn, khử trùng và một vài chi phí khác.
Xét về mặt hiệu quả, chính sự khác nhau trong giá trị sản xuất quyết định sự khác nhau trong giá trị gia tăng của từng loại thủy sản. Giá trị gia tăng của tôm lớn nhất là 84,52 triệu đồng và thấp nhất là cá với 55,02 triệu đồng. Lợi nhuận theo đó cũng thay đổi theo loại có tổng giá trị sản xuất lớn hơn và tổng chi phí sản xuất lớn hơn. Cụ thể, lợi nhuận thu được từ nuôi ngao lớn nhất với 69,31 triệu đồng, từ tôm là 55,10 triệu đồng và lợi nhuận từ nuôi cá thấp hơn cả so với ngao và tôm với 38,12 triệu đồng. Mặc dù tôm có giá trị sản xuất lớn hơn ngao nhưng tôm thu về lợi nhuận thấp hơn ngao vì tổng chi phí bỏ ra để nuôi tôm lớn hơn khá nhiều so với nuôi ngao là 41,17 triệu đồng trong năm 2018.

Sự khác biệt trong giá trị gia tăng dẫn đến sự khác biệt trong hiệu quả tuyệt đối H0. Giữa ngao so với tôm là -0,96 triệu đồng và giữa tôm với cá là -29,5 triệu đồng. Hiệu quả tương đối cũng tăng lên theo loại có GO lớn hơn. Theo đó chênh lệch giữa giá trị sản xuất trên chênh lệch giữa chi phí trung gian phụ thuộc lớn vào chênh lệch giá trị sản xuất. Hiệu suất sử dụng đồng vốn luôn là yếu tố quan trọng đánh giá giá trị gia tăng tạo ra khi ngư dân bỏ ra một đồng chi phí trung gian. Bảng 5 cho thấy cứ một đồng chi phí trung gian, cá thu tăng thêm 1,00 đồng. Trong khi đó con số này với tôm là 0,97 đồng và ngao thu lại nhiều nhất 1,36 đồng.
Bên cạnh đó, việc đánh giá mỗi đồng giá trị sản xuất chứa bao nhiêu đồng giá trị gia tăng cũng là một chỉ tiêu hiệu quả kinh tế trọng yếu để so sánh. Bảng 5 chỉ rõ, mỗi giá trị sản xuất ngao chứa 0,57 đồng giá trị tăng, với tôm và cá lần lượt là 0,49 và 0,50. 
Quan nghiên cứu cho thấy, mặc dù nghề nuôi tôm có tổng giá trị sản xuất (GO) là 171,92 triệu đồng, tổng chi phí (TC) là 116,82 triệu đồng và phí trung gian (IC) là 87,4 triệu đồng so với nghề nuôi ngao và nuôi cá là cao nhất, nhưng lợi nhuận (Pr) thu được của nghề nuôi tôm lại thấp hơn so với nuôi ngao. Cụ thể: cao nhất nuôi ngao 69,31 triệu đồng, thứ hai là tôm 55,1 triệu đồng và cuối cùng là cá 38,12 triệu đồng. Như vậy nghề nuôi ngao là nghề mang lại lợi nhuận cao nhất và chi phí bỏ ra ít hơn so với nghề nuôi tôm và nuôi cá. Do vậy, huyện Nghi Lộc nên triển khai mở rộng thêm diện tích nghề nuôi ngao ở tất cả các xã gần bờ biển.
Nghiên cứu đã thực hiện so sánh giữa các quy mô hộ với nhau để đánh giá xem hộ nào nuôi trồng hiệu quả hơn. Thông thường nếu như thu nhập chính của một hộ gia đình là ngư nghiệp thì việc đầu tư và chăm sóc cho nguồn sinh kế chính của họ sẽ được quan tâm hơn và chất lượng sẽ tốt hơn so với những hộ có nguồn thu nhập chính từ những ngành nghề khác. Hiệu quả kinh tế của 3 quy mô khác nhau trên địa bàn nghiên cứu. Xét về tổng giá trị sản xuất có một sự chênh lệch rõ ràng giữa các quy mô do năng suất quyết định. Có một chiều thuận và giảm dần từ cao xuống thấp từ hộ có quy mô lớn đến hộ quy mô nhỏ lần lượt là gần 202,08 triệu đồng, 187,52 triệu đồng và 37,35 triệu đồng.
Tổng chi phí sản xuất có sự khác biệt rõ ràng quy mô càng lớn càng tốn kém nhiều chi phí và đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng hiện đại hơn. Cụ thể nhân tố chi phí trung gian ảnh hưởng trực tiếp tổng chi phí. Chính sự khác biệt trong giá trị sản xuất quyết định sự khác nhau trong giá trị gia tăng của từng quy mô, theo đó giá trị gia tăng đối với đối với quy mô lớn là gần 105,01 triệu đồng, thấp hơn là quy mô vừa với hơn 96,29 triệu đồng và quy mô nhỏ là 21,8 triệu đồng. Lợi nhuận theo đó cũng giảm dần theo từng quy mô, quy mô lớn với diện tích nuôi trồng lớn đã đưa lại lợi nhuận trên mỗi ha là hơn 78,65 triệu đồng, trong 1 khi đó quy mô vừa là 69,92 triệu đồng và con số này với quy mô nhỏ chỉ đạt 13,96 triệu đồng.
Có thể thấy rằng, đầu tư nuôi trồng thủy sản tại quy mô hộ nuôi lớn sẽ cho tổng giá trị sản xuất (GO) cao hơn hộ có quy mô nuôi nhỏ, hay hiệu quả kinh tế nuôi trồng thủy sản theo quy mô lớn đạt hiệu quả cao hơn quy mô vừa và nhỏ.
Nuôi trồng thủy sản gần bờ đóng một vai trò quan trọng trong sinh kế của người dân ven biển huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân. Vì vậy trong những năm qua chăn nuôi ao/đầm và thả bãi phát triển với năng suất cao. Hệ số sử dụng vốn của chăn nuôi ao/đầm và chăn nuôi thả bãi là bằng nhau và bằng 0,74. Bên cạnh đó thì tỷ lệ gia tăng (VA) trên chi phí trung gian và lợi nhuận trên tổng chi phí cũng bằng nhau với lần lượt là 0,43 và 0,42. Trong các mô hình này thì nuôi ngao vẫn mang lại kinh tế cao hơn tôm và cá. Tuy nhiên hiện nay công nghệ và thị trường cũng như hình thức nuôi tương quan mạnh và ngược chiều đến hiệu quả kinh tế. Vì vậy, một số giải pháp nên được thực hiện để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản gần bờ huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An./.
Thái Phi
 

Tác giả bài viết: Thái Phi

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây