Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển KT-XH huyện Tân Kỳ

Thứ tư - 14/07/2021 20:53 0
Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 ban hành và triển khai thực hiện đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về nhận thức về vai trò, vị trí KH&CN đối với đời sống sản xuất trong các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân huyện nhà. Đã xây dựng được một số sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, khối lượng lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt có một số sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao, chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, từng bước xây dựng thành chuỗi giá trị sản phẩm. Quá trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên địa bàn luôn quan tâm gắn với công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tập quán địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và hoàn thiện được cơ bản chính quyền điện tử từ cấp huyện đến cấp xã; Đào tạo, tập huấn đội ngũ làm công tác KH&CN có trình độ chuyên môn cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển cuả xã hội.Tận dụng tối đa mọi nguồn lực cho phát triển KH&CN trong đó ưu tiên các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh cho các cơ sở sản xuất có ứng dụng tiến bộ KH&CN. Tăng dần hỗ trợ kinh phí từ ngân sách huyện cho công tác chuyển giao kỹ thuật, xây dựng thương hiệu... Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh sản phẩm của huyện Tân Kỳ.
Quá trình triển khai, huyện triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển KT-XH
Trong công tác giống, hàng năm đưa vào áp dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất để thay thế dần các giống cũ kém hiệu quả, cụ thể đối với các cây chủ lực. Một số kết quả áp dụng giống có hiệu quả trên địa bàn giai đoạn 2015 -2020. Cây lúa: các giống lúa như Thái Xuyên 111, Thiên ưu 8, SL9, TBR225, Khải Phong 1, 27P31, Kinh sở ưu 1588, Nghi Hương 2308, Hương thơm 1, Bắc Thơm 9… được đưa vào sản xuất thay thế dần các giống cũ. Đến nay diện tích được sử dụng các giống mới chiếm 90%, tăng 36% so với giai đoạn trước. Cây ngô: Đưa vào ứng dụng sản xuất các giống ngô mới có năng suất cao để thu hạt cũng như ngô thu sinh khối bằng các giống DK6919, NK4300, LVN14, NK66-54, PAC558, AVA3668, P4199, CP111, PSC747, NK4300 Bt/GT với tỉ lệ chiếm đến 80% trên tổng diện tích ngô sản xuất 4.850 ha. Đến vụ Xuân 2020 đã sử dụng đến 90% giống ngô biến đổi gen vào sản xuất để phòng trừ sâu keo mùa thu. Cây mía: Loại bỏ dần các giống mía cũ kém hiệu quả và thay thế bằng các giống mới phù hợp cho năng suất cao, chất lượng tốt như các giống KK2, KK3, Việt Đường, LK-9211. Cây cam: Sử dụng các giống có chất lượng tốt, thời gian chín muộn vào dịp tết nguyên đán, và có năng suất cao như giống cam Xã Đoài và cam Valencia trên tổng diện tích cam trồng mới 64 ha trong cả giai đoạn 2015-2020.
Về quy trình kỹ thuật, đã xây dựng, áp dụng và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn huyện cải tiến quy trình kỹ thuật, một số mô hình hiệu quả. Cụ thể, đưa vào xây dựng mô hình sản xuất theo hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) và sản xuất thâm canh tổng hợp (ICM) từ năm 2015, mô hình đã phát huy hiệu quả cao và được nhân rộng liên tục cả giai đoạn, đến nay diện tích sản xuất theo hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) đạt 1.556 ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020; Xây dựng mô hình sản xuất ngô theo chuỗi giá trị phục vụ ngô làm thức ăn chăn nuôi bò sữa bằng giống ngô sinh khối lớn AVA3668 với diện tích 53ha tại các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Bình. Mô hình rút ngắn được thời vụ từ 15-20 ngày và tăng hiệu quả kinh tế từ 10-15%. Từ đó mô hình được nhân rộng ra khắp địa bàn, đến nay diện tích ngô sản xuất sinh khối đạt 80-85% diện tích toàn huyện; Mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu tại xã Nghĩa Đồng đến nay đang hoạt động tốt; Mô hình Ứng dụng khoa học công nghệ trồng hoa trong nhà lưới tại xã Nghĩa Hoàn với diện tích 1.000m2; Mô hình ứng dụng giống mới đưa giống bưởi da xanh trồng trên địa bàn; Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà lưới với diện tích 3.000m2 tại xã Tân An; Ứng dụng các chế phẩm sinh học để làm phân bón và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, trong đó đặc biệt được sử dụng nhiều trên cây cam; Ứng dụng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh quy mô hộ gia đình, kết quả thực hiện được 4.587 tấn; Xây dựng vùng trồng cam đảm bảo an toàn theo quy trình kỹ thuật đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 30ha tại xã Tân Phú.


Nấm Kim Phúc- loại nấm có hàm lượng dinh dưỡng cao được trồng ở Tân Kỳ
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thực hiện đề án nâng cao chất lượng đàn trâu bò đã thực hiện phối giống TTNT bò lai Sind từ năm 2011 - nay đã tổ chức phối giống TTNT được hơn 30.000 con bò, trâu. Do tác động của đề án, công tác phối giống TTNT trâu, bò đã có bước đột phá mạnh. Kết quả phối giống TTNT bò lai Sind tăng gấp 5,36 lần so với năm 2015, đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo bò bằng các giống Redsin, tăng số lượng đàn bò laisind đến nay đạt 76,1% tổng đàn. Nhờ ứng dụng khoa học kỷ thuật trong thụ tinh nhân tạo bò đã lai tạo, thay thế dần đàn bò vàng địa phương bằng các giống bò có chất lượng cao; Cùng với đó, tỷ lệ áp dụng TTNT giống lợn lai ngoại siêu nạc vào sản xuất trên địa bàn huyện Tân Kỳ có xu hướng tăng với tốc độ bình quân đạt 9,78%/năm. Nếu năm 2015 tỷ lệ áp dụng giống lợn ngoại vào sản xuất là 13% thì con số này đã tăng lên 67% trong năm 2020; Phối giống TTNT trâu Murah  để cải tạo giống trâu có tầm vóc lớn hơn trâu nội được thực hiện thường xuyên; Du nhập các giống Dê lai về nuôi để nâng cao năng suất, sản lượng đến nay tỉ lệ dê lai chiếm 42% tổng đàn.
https://photo-cms-baonghean.zadn.vn/Uploaded/2021/hmzfdgazsnzm/2021_02_15/chuan_bi_cay_giong_trong_rung_tai_huyen_tan_ky_anh_van_truong9915714_1522021.jpg
Giống keo lai từ nuôi cấy mô
Về ứng dụng Công nghệ sinh học trong chăn nuôi; từ năm 2016 đến nay, được sự quan tâm của UBND tỉnh và Sở KHCN, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN sở KHCN thì đã hỗ trợ cho Tân Kỳ hằng năm để thực hiện đệm lót sinh học cho bà con nhân dân không ngừng tăng lên. Từ 800m2 năm 2016 đến 1.000m2 năm 2020; Việc làm đệm lót trong chăn nuôi giờ đây không thể thiếu đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn bởi những lý do như: Không mất thời gian, nhân công để quét dọn chuống trại hằng ngày; Quản lý, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho vật nuôi; Tiết kiệm thức ăn, giảm chi phí đầu vào; Chống được mùi hôi thối, bảo vệ môi trường trong khu dân cư; Với tổng đàn hơn 52.000 con trâu, bò trên địa bàn thì nhu cầu thức ăn là rất lớn. Tuy nhiên, Tân kỳ là địa bàn có nguồn thức ăn xanh rất dồi dào và phong phú (lá mía, cây ngô, rơm, rạ, lạc, khoai, cỏ voi, cỏ VA06....). Vì vậy, huyện đã vận động và chuyển giao kỹ thuật ủ chua thức ăn xanh bằng men hoạt tính và các phụ gia như muối, rỉ mật, bột ngô... nhằm tăng chất lượng cho thức ăn, chủ động nguồn thức ăn dài ngày trong điều kiện thời tiết thất thường như ngày nay.
Trong lâm nghiệp,đã ứng dụng công nghệ tưới phun, tiết kiện nước, điều khiển bán tự động trong hệ thống vườn ươm cây giống với diện tích 1,3ha; Sử dụng giống keo lai từ nuôi cấy mô đưa vào trồng tại Nghĩa Dũng với diện tích 6ha hiện đang phát triển tốt
Trong nuôi trồng thủy sản, đã thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi cá rô phi thương phẩm trong đó ứng dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với lắp đặt hệ thống sục khí ôxy để đầu tư thâm canh tăng năng suất. Mô hình được thực hiện tại xã Tân Phú với tổng diện tích 25ha và đến nay vẫn đang tiếp tục mở rộng; Đẩy mạnh phát triển các hình thức nuôi: nuôi cá lồng trên hồ nước lớn, lồng sử dụng vật liệu công nghệ cao (chi phí làm lồng lớn, chất liệu bền vững với thời gian, dễ quản lý, chăm sóc cá) và nuôi các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: cá trắm giòn, cá chép giòn, cá rô phi đường nghiệp, cá lăng, cá leo…Hiện tại trên địa bàn huyện hiện có 60 lồng nuôi tại các xã Tân Hương, Hương Sơn, Nghĩa Hợp, Kỳ Sơn, Tân Xuân, Phú Sơn, Kỳ Tân. Sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi thâm canh nên sản lượng nuôi lồng tăng từ 0,4-1,5 tấn/lồng. Tại các vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong huyện, người nuôi cũng từng bước áp dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng các loại cá truyền thống để hạn chế tối đa dịch bệnh, khắc phục việc ô nhiễm nguồn nước. Không những vậy  trong thành phần của một số chế phẩm sinh học có chứa các enzyme (men vi sinh), vitamin, vi chất và khoáng chất có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và giúp hấp thu tốt thức ăn, bổ sung đầy đủ các dinh dưỡng thiết yếu cho môi trường ao nuôi. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt còn làm rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Nguyễn Hồ Phước - UBND huyện Tân Kỳ

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hồ Phước - UBND huyện Tân Kỳ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây