Sức khỏe thể chất và tinh thần của người từng mắc COVID-19 cải thiện theo thời gian, nhưng vẫn có xu hướng kém hơn so với dân số chung, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine.
“Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng đối với một tỷ lệ nhất định những người sống sót sau khi nhập viện do COVID-19, sẽ cần hơn hai năm để hồi phục hoàn toàn,” tác giả chính Bin Cao tại Bệnh viện hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản ở Trung Quốc cho biết.
Trong nghiên cứu mới, nhóm Cao đánh giá sức khỏe của 1.192 bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện Jin Yin-tan ở Vũ Hán, Trung Quốc từ ngày 7/1 đến ngày 29/5/2020. Đánh giá được thực hiện tại các thời điểm 6 tháng, 12 tháng và 2 năm, tính từ thời điểm bệnh nhân nhập viện. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 57 khi xuất viện. Kết quả sức khỏe tại thời điểm hai năm được đối chiếu với một nhóm đối chứng có tuổi, giới tính và bệnh đi kèm tương đương nhưng chưa từng nhiễm COVID-19.
Đánh giá bao gồm bài kiểm tra đi bộ kéo dài sáu phút, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và bảng câu hỏi về các triệu chứng sức khỏe và chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như họ có trở lại làm việc và có phải sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sau khi xuất viện hay không.
Ảnh minh họa
Sáu tháng kể từ khi nhập viện, 68% số người được hỏi cho biết vẫn còn ít nhất một triệu chứng hậu COVID. Hai năm kể từ khi nhập viện, hơn một nửa (55%) vẫn báo cáo các triệu chứng khác thường, phổ biến nhất là mệt mỏi hoặc yếu cơ.
Hai năm kể từ khi nhập viện, 31% cho biết bị mệt mỏi hoặc yếu cơ, và 31% bị khó ngủ. Trong khi đó ở nhóm đối chứng, tỷ lệ các triệu chứng này chỉ là 5% và 14%. Bệnh nhân COVID-19 cũng thường bị đau khớp, đánh trống ngực, chóng mặt và đau đầu hơn so với nhóm đối chứng. Trong bảng câu hỏi về chất lượng cuộc sống, những người từng mắc COVID-19 có xu hướng bị khó chịu, lo lắng hoặc trầm cảm thường xuyên hơn so với nhóm đối chứng.
Cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người đến nay vẫn chưa trở lại làm việc (11%).
Các tác giả thừa nhận một số hạn chế trong nghiên cứu của mình. Nghiên cứu ghi nhận dữ liệu từ giai đoạn đầu của đại dịch, do đó kết quả có thể không áp dụng cho các biến thể về sau. Ngoài ra, cũng như các nghiên cứu theo dõi dài hạn về COVID-19, có sai lệch thông tin khi bệnh nhân tự báo cáo sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn "cần theo dõi liên tục những người sống sót sau COVID-19 để hiểu được diễn biến lâu hơn của bệnh, và phát triển các chương trình phục hồi chức năng," Cao nói.
Nguồn:
https://www.theguardian.com/world/2022/may/11/covid-hospitalised-long-symptomatic-two-years-on-wuhan-study
https://www.thelancet.com/journals/lanres/home
Hoàng Nam tổng hợp