Nghiên cứu một số loài thực vật chọn lọc của Việt Nam thuộc hai chi Cleistanthus và Macaranga (Euphorbiaceae) theo hướng điều trị ung thư

Chủ nhật - 24/04/2022 22:32 0

Nghiên cứu tìm kiếm các hoạt chất nguồn gốc tự nhiên dùng điều trị bệnh ung thư trên thế giới cho tới nay đã thu được nhiều kết quả quan trọng, có thể kể đến như các hoạt chất đang được sử dụng để điều trị bệnh ung thư, vinblastine, vincristine từ cây Dừa cạn Catharanthus roseus (L.) G. Don hay taxol từ cây Thông đỏ Taxus brevifolia. Sự gia tăng không ngừng của căn bệnh này đặc biệt tại các nước đang phát triển, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, đòi hỏi việc tìm kiếm phát hiện các tác nhân mới chữa trị ung thư phù hợp hơn về phương diện hiệu quả chữa trị cũng như giá thành. Việc nghiên cứu thành phần hoá học và khảo sát hoạt tính sinh học không những giúp sử dụng các cây thuốc một cách hiệu quả, mà trên cơ sở đó chúng ta có thể tiến hành tổng hợp hoặc bán tổng hợp các hoạt chất mới có hoạt tính cao hơn và ít tác dụng phụ hơn trong điều trị.

Trong những năm gần đây, nhiều công trình nghiên cứu về cây thuốc của hệ thực vật Việt Nam đã được thực hiện và đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực y-dược. Điển hình là việc chiết xuất artemisinin từ cây Thanh hao hoa vàng, rotundine từ Củ bình vôi, rutin từ Hoa hòe…Qua các đợt thu hái tại thực địa, nhóm nghiên cứu nhận thấy cây M. tanarius phân bố tại các khu vực miền Trung, còn cây C. indochinensis được tìm thấy tại nhiều tỉnh thuộc miền Trung và miền Bắc nước ta. Được biết việc gieo trồng cây 2 loài cây này khá dễ dàng. Mặt khác, bộ phận cần thu hái là quả, tạo thuận lợi cho việc khai thác bền vững các loài cây nàu. Thực tế, qua khảo sát sơ bộ, đề tài đã nhận thấy sự có mặt của hợp chất cleistanthoxin từ loài C. tonkinensis Jabl., hay hợp chất vedelianin từ loài M. denticulata. Việc nghiên cứu thành phần hóa học của các loài khác thuộc 2 chi Macaranga và Cleistanthus bằng phương pháp thử hoạt tính sinh học dẫn đường (hoạt tính gây độc tế bào) cũng có thể cho phép phát hiện các hợp chất có khung cấu trúc tương tự có hoạt tính ức chế tế bào ung thư từ các loài này. Do đó, nhóm nghiên cứu Viện Hoá sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do PGS.TS. Đoàn Thị Mai Hương làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu một số loài thực vật chọn lọc của Việt Nam thuộc hai chi Cleistanthus và Macaranga (Euphorbiaceae) theo hướng điều trị ung thư” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác sử dụng trên quy mô lớn và tạo cơ sở cho việc định hướng nghiên cứu sử dụng các hoạt chất đó trong việc tạo sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài kết luận như sau:

- Đề tài đã thử hoạt tính sơ bộ của 2 loài Cleistanthus là C. tonkinensis Jabl. và C. eberhardtii (Gagnep) Croiz và 6 loài Macaranga là M. denticulata, M. indica, M. balansae, M. sampsonii, M. adamanica, M. trichocarpa đối với dòng tế bào ung thư KB, kết quả cho thấy dịch chiết EtOAc của 8 loài cây này đều thể hiện hoạt tính gây độc tế bào ung thư biểu mô KB. Hơn nữa, trên thế giới mới chỉ có một số nghiên cứu sơ bộ về thành phần hóa học của lá loài Macaranga denticulata, lá loài Macaranga sampsonii, lá loài Macaranga indica, cũng như lá của loài Cleistanthus sumatranus. Chính vì vậy nhóm đề tài đã lựa chọn 8 loài cây này để nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học.

- Đã nghiên cứu quy trình phân lập, chiết xuất và tinh chế phân đoạn giàu cleistantoxin và các arytetralin lignan glycoside từ quả cây Cleistanthus indochinesis Merr.ex Croiz. (Euphorbiaceae) (CTHSB) quy mô 10 kg và 50 kg từ quả khô/mẻ;

- Đã nghiên cứu quy trình phân lập, chiết xuất và tinh chế tạo phân đoạn giàu các hoạt chất vedelianin, schweinfurthin E và F (MTHSB) từ quả cây Macaranga tanarius (L.) Mull. -Arg. (Euphorbiaceae) quy mô 10 kg và 50 kg quả khô/mẻ;

- Đã thử hoạt tính ức chế tế bào ung thư in vitro của sản phẩm CTHSB và MTSHB67;

- Đã nghiên cứu đánh giá khả năng kháng ung thư trên mô hình động vật thực nghiệm đối với sản phẩm CTHSB và MTHSB;

- Đã nghiên cứu độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của sản phẩm CTHSB và MTHSB;

- Đã định lượng các sản phẩm bằng phương pháp HPLC;

- Đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và thẩm định tiêu chuẩn cơ sở của các nguyên liệu thực vật;

- Đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và thẩm định tiêu chuẩn cơ sở của sản phẩm CTHSB và MTHSB;

- Đã nghiên cứu độ ổn định của sản phẩm CTHSB và MTHSB;

- Đã nghiên cứu thành phần hóa học lá, thân và quả cây Cleistanthus tonkinensis Jabl theo phép thử hoạt tính sinh học dẫn đường;

- Đã nghiên cứu thành phần hóa học lá, thân, quả cây Macaranga balansae theo phép thử sinh học dẫn đường;

- Đã nghiên cứu thành phần hóa học lá và thân cây Macaranga indica theo phép thử hoạt tính sinh học dẫn đường;

- Đã nghiên cứu thành phần hóa học lá, quả, vỏ cây Macaranga sampsonii Hance theo phép thử hoạt tính sinh học dẫn đường;

- Đã nghiên cứu thành phần hóa học lá và thân cây Macaranga andamanica Kurz theo phép thử hoạt tính sinh học dẫn đường;

- Đã nghiên cứu thành phần hóa học quả và lá cây Macaranga denticulata theo phép thử hoạt tính sinh học dẫn đường;

- Đã nghiên cứu thành phần hóa học lá và thân cây Cleistanthus eberhardtii (Gagnep,) Croiz theo phép thử hoạt tính sinh học dẫn đường;

- Đã nghiên cứu thành phần hóa học lá và thân cây Macaranga trichocarpa (Reichb, F, & Zoll,) Muell, -Arg theo phép thử hoạt tính sinh học dẫn đường;

- Đã thử hoạt tính các chất chọn lọc phân lập được…

Như vậy, nhóm đề tài đã xây dựng được quy trình phân lập phân đoạn giàu cleistantoxin và các aryltetralin lignan glycoside từ quả cây Cách hoa Đông Dương (Cleistanthus indochinensis) và quy trình phân lập phân đoạn giàu các hoạt chất vedelianin, schweinfurthin E và F từ quả cây Bạch đàn nam (Macaranga tanarius). Đã đánh giá được độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và tác dụng chống ung thư trên động vật thực nghiệm của phân đoạn giàu cleistantoxin và các aryltetralin lignan glycoside và phân đoạn giàu các hoạt chất vedelianin, schweinfurthin E và F. Đã xác định được thành phần hóa học và hoạt tính gây độc tế bào ung thư in vitro của tám loài cây chọn lọc thuộc hai chi Cleistanthus và Macaranga (Euphorbiaceae).

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17043/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây