Hiện trạng sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ hai - 13/09/2021 21:47 0
Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản giai đoạn 2015-2020 có mức tăng trưởng khá: Giá trị sản xuất (theo giá SS 2010) năm 2015 đạt 28.354 tỷ đồng, đến năm 2020  đạt 36.199 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5%/năm.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của ngành lâm nghiệp và thủy sản: Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp thuần giảm từ 81,17% năm 2015, còn 77,07% năm 2020 (Trong lĩnh vực nông nghiệp thuần có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ); tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp chiếm 6,29% năm 2015 và đạt 8,64% năm 2020; tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 12,54% năm 2015 và đạt 14,29% năm 2020.
1. Sản phẩm trồng trọt
Cây lương thực có xu hưởng giảm diện tích hàng năm, nhưng tăng năng suất và sản lượng. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm bình quân giảm cây lúa 0,09%/năm, ngô giảm bình quân 2.89%/năm, lạc giảm bình quân 1,74%/năm. Lúa gạo là sản phẩm có tỷ trọng giá trị sản phẩm cao nhất ngành (lúa 15,21%, ngô 3,15%, lạc 1,71%).
Cây sắn ở giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm sắn giảm bình quân 3,88%/năm, tỷ trọng đóng góp vào tổng ngành đạt 0,95%. Sắn và sản phẩm từ sắn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.
Cây mía giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm mía giảm bình quân 4,98%/năm, tỷ trọng đóng góp vào tổng ngành đạt 2,95%.
Rau thực phẩm đã xây dựng và hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho nông dân. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm rau, củ, quả tăng bình quân 6,29%/năm. Rau là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.
https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2017/images/2017-05-15/149482329611754-anh-4.jpg


Tổng diện tích cây ăn quả liên tục tăng. Theo nhu cầu thị trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, du nhập nhiều giống cây ăn quả từng bước hình thành vùng chuyên canh hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm cây ăn quả tăng bình quân 7,77%/năm. Sản phẩm cây ăn quả là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia Một số cây ăn quả chính như sau: Cây cam đã có thương hiệu, gắn với chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh” và các nhãn hiệu tập thể. Cây dứa đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “dứa Quỳnh Lưu”. Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là sản phẩm tươi thông qua thương lái bán trong nước, sản lượng liên kết cung cấp nhà máy chế biến xuất khẩu không nhiều khoảng 250-300 tấn/năm. Chanh leo là cây trồng mới, được triển khai trên địa bàn các huyện miền núi cao, khả năng đầu tư của người dân còn hạn chế, một số loài sâu bệnh phát sinh trên chanh leo, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả xuống thấp, nên diện tích cây chanh leo chưa được mở rộng. Một số cây ăn quả khác đã đang được người dân quan tâm như: Quýt, bơ, bưởi, chuối,...
Sản phẩm cây chè chủ yếu được các công ty liên kết thu mua và chế biến tạo ra các sản phẩm chè đen, chè xanh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu được các cơ sở chế biến chè trên địa bàn thu mua. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm chè tăng bình quân 4,65%/năm.
Nhu cầu nguồn thức ăn cho chăn nuôi trâu, bò ngày càng tăng, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa tập trung, diện tích liên kết trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi bò sữa ngày càng tăng. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm cây thức ăn chăn nuôi tăng bình quân 4,14%/năm.
2. Sản phẩm chăn nuôi   
Đàn trâu, bò tăng, đặc biệt những năm gần đây chăn nuôi bò sữa phát triển nhanh. Chăn nuôi bò đã chuyển nhanh sang chăn nuôi trang trại, gia trại, chất lượng đàn bò thịt không ngừng được cải thiện; việc nhập khẩu giống bò ngoại chất lượng cao vào chăn nuôi đang có xu hướng phát triển mạnh. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm sữa tươi tăng bình quân 5,7%/năm, thịt trâu tăng bình quân 12,62%/năm, thịt bò tăng bình quân 9,93%/năm.
Từ tháng 3 năm 2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, chưa có vắc xin phòng bệnh, nên công tác phòng chống bệnh gặp nhiều khó khăn, đàn lợn bị thiệt hại khoảng 9% so với tổng đàn, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm thịt lợn tăng bình quân 1,71%/năm. Sản phẩm thịt lợn là sản phẩm có tỷ trọng đóng góp vào tổng ngành đứng thứ 2 sau sản phẩm lúa gạo và là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.

Đàn lợn được chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học ở trang trại Nghệ Xuân, TX Thái Hòa, Nghệ An

Giai đoạn 2015-2020 đàn dê tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm thịt dê tăng bình quân 7,14%/năm.
Đàn gia cầm tăng trưởng giá trị sản phẩm thịt gia cầm tăng bình quân 13%/năm. Sản phẩm thịt và trứng gia cầm là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.
Hươu ở Nghệ An chủ yếu nuôi trong các hộ gia đình; nhu cầu sử dụng nhung hươu của người dân như là một thực phẩm chức năng nên chưa nhiều, những năm gần đây giá nhung có xu hướng giảm dần và thị trường không ổn định; vì vậy người chăn nuôi không đầu tư mở rộng quy mô. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm nhung hươu giảm bình quân 6,13%/năm.
3. Sản phẩm thủy sản
Tính đến năm 2020 đã có 05 vùng nuôi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên diện tích nuôi trồng còn chậm mở rộng. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị các sản phẩm: Cá nuôi nước ngọt tăng bình quân 3,81%/năm, tôm nuôi tăng bình quân 2,66%/năm, thủy sản khai thác biển tăng bình quân 11,28%/năm. Tôm là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.
Số tàu thuyền khai thác thủy sản biển đến nay có 3.451 chiếc, trong đó tàu cá có chiều dài < 6m là 897 chiếc; tàu cá có chiều dài 6- <12m là 788 chiếc; tàu cá có chiều dài ≥ 12m là 1.766 chiếc.
4. Sản phẩm lâm nghiệp   
Gỗ nguyên liệu đã chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bằng cây bản địa tăng giá trị sản phẩm gỗ. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng tăng bình quân 15,97%/năm. Sản phẩm gỗ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.
Khai thác lâm sản ngoài gỗ được xem là khu vực có nhiều tiềm năng, tuy nhiên việc khai thác và sử dụng còn hạn chế, đặc biệt là chế biến các loại tinh dầu, dược liệu còn ít trong lúc tiềm năng của các loài lâm sản này tương đối lớn, chưa có các nhà máy chế biến nhựa Thông, sản phẩm chủ yếu là bán nguyên liệu thô.
Mặc dù trong những năm qua, cây dược liệu đã được đầu tư triển khai trồng tập trung các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, chủ yếu cây nghệ, gừng, gấc. Tuy nhiên đến nay, tỉnh chưa khai thác được tiềm năng, diện tích mở rộng còn chậm, do nhiều dự án, quy hoạch chưa được triển khai, phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư; chế tài, chính sách về quản lý trồng dược liệu dưới tán rừng chưa có, chưa liên kết được với người dân,… Giai đoạn 2015-2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm dược liệu tăng bình quân 73,41%/năm./.
Tuấn Anh

 

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây