Hiện trạng các cơ sở chế biến thủy sản tại Nghệ An
Thứ hai - 13/09/2021 21:422810
1) Ch...
1) Chế biến công nghiệp Đến 2015 chế biến thủy sản xuất khẩu có 01 cơ sở, đến năm 2020 có 05 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, gồm Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Nghệ An II, Công ty TNHH Phương Mai, Công ty TNHH Một thành viên Masan MB, Công ty TNHH Royall Foods, Công ty TNHH Frescol Tuna Việt Nam. Số cơ sở chế biến đạt QCVN là 05 cơ sở, trong đó có 02 cơ sở có Code của EU, 01 cơ sở có Code xuất khẩu thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Masan MB có quy mô lớn nhất với 63.300 m2, có 04 phân xưởng, công suất chế biến 120 triệu lít nước mắm/năm. Sử dụng công nghệ sản xuất trên dây chuyền tự động KHS của Đức, năng lực sản xuất hàng năm khoảng 100 triệu lít nước mắm công nghiệp. Công ty TNHH Royal Foods với diện tích 14.000 m2, chuyên sản xuất sản phẩm đóng hộp thủy sản có quy mô công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm. Công ty TNHH Frescol Tuna chuyên cấp đông, kho lạnh bảo quản và sản xuất thịt thăn cá Ngừ hấp chín đông lạnh xuất khẩu. Nhà máy có hệ thống kho lạnh bảo quản đông FRESCOL sức chứa 13.000 tấn và hệ thống cấp đông với công suất cấp đông 150 tấn/ngày đêm. Từ năm 2021 bắt đầu sản xuất thịt thăn cá Ngừ hấp chín đông lạnh xuất khẩu dự kiến sản lượng 3.000 - 5.000 tấn/năm, giai đoạn 2022 - 2025 sản lượng đạt 15.000 - 20.000 tấn sản phẩm/năm. Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Nghệ An II với quy mô 9.700 m2, có 02 phân xưởng sản xuất, công suất 3.000 tấn thành phẩm/năm. Nhà máy đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo GMP, SSOP, HACCP và đạt QCVN 02. Tuy nhiên do hoạt đông không hiệu quả, không đủ điều kiện để duy trì hệ thống nên ngày càng xuống cấp, hiện công ty chủ yếu làm hàng gia công cho các doanh nghiệp khác hoặc hàng hóa bán ở thị trường nội địa. Công ty TNHH Phương Mai với quy mô 7.200 m2, có 02 phân xưởng sản xuất với công suất 5.000 tấn/năm. Hệ thống cấp đông gió với công suất 10 tấn/mẻ, kho bảo quản lạnh với sức chứa 100 tấn sản phẩm/kho, đáp ứng tốt yêu cầu về cấp đông, bảo quản sản phẩm. Việc đầu tư về công nghệ chế biến chưa nhiều, vẫn chỉ ở mức sơ chế, cấp đông, bảo quản chưa chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng. Tổng sản phẩm chế biến xuất khẩu năm 2020 đạt 25.179 tấn bằng 220,6% so năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 17,14%/năm. Giá trị chế biến xuất khẩu đạt 28,13 triệu USD bằng 176,81% so năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,08%/năm và đóng góp 7,34% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản. Năm 2020 có 23 cơ sở chế biến cá hấp sấy với tổng công suất 6.000 tấn/năm, tăng 121,05% so năm 2015 (với 19 cơ sở, công suất 4.000 tấn/năm). Các cơ sở chế biến tập trung ở Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập thị xã Hoàng Mai; Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Sơn Hải huyện Quỳnh Lưu; Diễn Bích, Diễn Ngọc huyện Diễn Châu và Nghi Hải, Nghi Thủy thị xã Cửa Lò. Đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị, cơ giới hóa quá trình sản xuất (lò hơi, nồi hấp, giàn phơi, xe bảo ôn, kho lạnh để bảo quản sản phẩm, nguyên liệu với tổng công suất kho lạnh 2.000 tấn) đã nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như giảm tính độc hại cho người sản xuất đứng lò và môi trường xung quanh. Năm 2020 toàn tỉnh có 109 cơ sở thu gom nguyên liệu, sơ chế, chế biến đông lạnh tăng 128,23% so năm 2015 (với 85 cơ sở); số lượng kho lạnh bảo quản là 224 có kho sức chứa 15.000 tấn, tăng 136,59% về số lượng và tăng 150% về công suất so với năm 2015 (với 164 kho lạnh có sức chứa 10.000 tấn). Hệ thống kho lạnh tập trung ở 04 huyện, thị ven biển, nhiều nhất là Quỳnh Phương, Quỳnh Lập thị xã Hoàng Mai; Diễn Ngọc, Diễn Bích huyện Diễn Châu; phường Nghi Tân, Nghi Hải thuộc thị xã Cửa Lò. Hiện naycó 06 cơ sở chế biến bột cá (04 cơ sở ở huyện Quỳnh Lưu, 02 cơ sở ở huyện Diễn Châu), với tổng công suất 800 tấn nguyên liệu/ngày. Trong đó có 03 nhà máy chế biến bột cá (Công ty TNHH Bắc Miền Trung, Công ty TNHH Hải An, Công ty TNHH Chế biến phụ phẩm thủy sản XURI Việt Trung) với công nghệ, thiết bị hiện đại, công suất chế biến đạt từ 15 - 20 tấn bột cá/ngày. 2) Chế biến truyền thống Theo thống kê của các địa phương, năm 2020 có 786 cơ sở/hộ gia đình tham gia thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh thủy sản tiêu thụ nội địa; 10 làng nghề chế biến hải sản. Đối với nghềchế biến nước mắm và sản phẩm dạng mắm, hiện có 05 đơn vị chế biến nước mắm truyền thống, là những đơn vị đầu ngành, sử dụng công nghệ chế biến truyền thống kết hợp công nghệ kéo rút với sản phẩm chủ lực là nước mắm, mắm các loại. Tổng công suất thiết kế 9 triệu lít/năm, năng lực chế biến khoảng 4,5 triệu lít nước mắm/năm và khoảng 220 tấn mắm các loại. Việc đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong chế biến nước mắm chưa được các đơn vị sử dụng, bước đầu mới có 01 Công ty (Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ An) có sử dụng thiết bị cơ giới hóa trong công đoạn đóng chai (máy đóng chai bán tự động), các đơn vị còn lại đều đóng chai thủ công. Ngoài 05 cơ sở chế biến nước mắm, sản phẩm dạng mắm có quy mô lớn thì các cơ sở còn lại chủ yếu quy mô nhỏ/hộ gia đình. Tham gia thu mua nguyên liệu từ các tàu khai thác, chủ đầm nuôi sau đó phân phối lại cho các cơ sở chế biến hoặc bán trực tiếp người tiêu dùng; chế biến các mặt hàng như: cá khô, mực khô, tôm khô, moi khô, chả cá, cá nướng,... Trang thiết bị, dụng cụ đơn giản, thô sơ, phương thức sản xuất thủ công. Phần lớn các cơ sở này nằm trong các làng nghề chế biến hải sản.
Hiện naycó 10 làng nghề biến hải sản, phân bố ở các địa phương: thị xã Hoàng Mai có 02 làng nghề (Làng nghề Phú Lợi - Quỳnh Dị, Làng nghề nước mắm Phương Cần - Quỳnh Phương); huyện Quỳnh Lưu có 03 làng nghề (Làng nghề Tân An - An Hòa, Làng có nghề ở Quỳnh Nghĩa, Làng có nghề ở Sơn Hải); huyện Diễn Châu có 02 làng nghề (Làng nghề chế biến nước mắm Hải Đông - Diễn Bích, Làng nghề Ngọc Văn - Diễn Ngọc); thị xã Cửa Lò có 03 làng nghề (Làng nghề chế biến hải sản Khối 7-Nghi Thủy, Làng nghề chế biến nước mắm khối Hải Giang 1 - Nghi Hải, Làng nghề Bảo quản và chế biến hải sản Khối 6 - Nghi Tân). Sản lượng hàng năm từ các làng nghề cơ bản ổn định, nước mắm khoảng 20 triệu lít/năm; mắm các loại khoảng 6.000 tấn, hải sản khô (mực khô, cá khô, tôm khô, moi khô…) khoảng 1.500 tấn. Các phân xưởng sản xuất được bố trí ngay tại hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, sản xuất thủ công, truyền thống, trang thiết bị thô sơ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt hàng sản xuất đơn giản, chất lượng chưa tốt và mẫu mã chưa đa dạng, điều này gây ra những hạn chế trong việc nâng cao giá trị sản phẩm cũng như mở rộng thì trường. 3) Thị trường tiêu thụ sản phẩm Sản phẩn chế biến nay nay đang được xuất sang các thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Srilanka, Nhật Bản, Oma, Chile. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm 80%, Nhật Bản chiếm khoảng 14%, các thị trường khác chiếm 6%.Công ty TNHH Royal Foods, Công ty TNHH Frescol Tuna đều có Code EU những hiện tại vẫn chưa xuất khẩu sang thị trường EU. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa đượcchia làm 03 phân khúc, bao gồm: Phân khúc bán cho người tiêu dùng có mức thu nhập cao, sản phẩm thường là các loại hải sản có giá trị cao (như mực khô, tươi, nước mắm cao đạm, cá biển loại 1…) được bán trong các cửa hàng, siêu thị; phân khúc bán cho người có thu nhập trung bình, với các sản phẩm hải sản bình dân (nước mắm, mắm, cá biển loại thường, chả cá, cá nướng, ruốc, tép khô….) được bán tại các chợ, siêu thị bình dân phục vụ cho thị hiếu đại đa số người tiêu dùng; phân khúc thứ 3 là các sản phẩm bán cho người có thu nhập thấp, thường bán các vùng miền núi Nghệ An hoặc các vùng núi tỉnh phía Bắc. Các cơ sở cũng đã triển khai xây dựng các mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản, các địa điểm bán hàng tại các địa phương; một số địa phương đang tích cực triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thủy sản đặc trưng của địa phương (như sản phẩm hải sản Quỳnh Dị, hải sản Quỳnh Phương, hải sản Cửa Lò,…). Đến nay đã có 14 sản phẩm thủy sản được công nhận theo tiêu chuẩn OCOP (trong đó có 04 sản phẩm hạng 04 sao và 10 sản phẩm hạng 3 sao)./. Phi Long