Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học gắn với phòng chống dịch tả châu phi, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Vì vậy để hoàn thành kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu phi trên địa bàn thành phố Vinh, thì áp dụng quy trình “Chăn nuôi lợn an toàn sinh học được xem là giải pháp có hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu phi trong thời gian tới” để triển khai “Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học gắn với phòng chống dịch tả châu phi, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm” là giải pháp hiệu quả.
Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên hoạt động chăn nuôi lợn và công tác tái đàn, tăng đàn lợn gặp nhiều khó khăn. Năm 2021, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Vinh đã triển khai mô hình nuôi lợn an toàn sinh học gắn với phòng chống dịch tả châu phi, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đưa ra thị trường sản phẩm an toàn chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Mô hình “Nuôi lợn an toàn sinh học gắn với phòng chống dịch tả châu phi, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm” nhằm chuyển giao cho nông dân những tiến bộ kỹ thuật trong công tác phòng, chống dịch, khôi phục đàn lợn sau bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.
Để mô hình được thực hiện hiệu quả, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Vinh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khảo sát chọn lựa hộ đảm bảo các yêu cầu: tự nguyện tham gia, chưa nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; có kinh nghiệm trong nuôi lợn thịt thương phẩm, có chuồng trại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, diện tích phù hợp với quy mô của mô hình, cam kết đầu tư vốn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, tham dự tập huấn, áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học gắn với bệnh dịch tả lợn châu phi và theo dõi, ghi chép các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật như: mức thức ăn hàng ngày, theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển của lợn, lịch phòng bệnh, theo dõi thu, chi,… Kết quả, lựa chọn triển khai mô hình tại bà Vương Thị Vinh (xóm Phong Phú, xã Hưng Hoà, Thành phố Vinh) với quy mô 42 con. Tham gia thực hiện mô hình, hộ dân được hỗ trợ 50% và người dân đóng góp 50% kinh phí mua con giống, thức ăn, vắc xin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng.
Đồng thời, trong thời gian thực hiện mô hình, đã tổ chức tập huấn bằng cách chia thành nhiều đợt/nhóm/lớp và hướng dẫn trực tiếp tại hộ để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời đảm bảo yêu cầu mô hình. Các hộ dân tham tập huấn được truyền tải, cung cấp thông tin bệnh dịch tả lợn Châu Phi như nhận diện bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh khử trùng và tiêu độc; hướng dẫn kỹ thuật tiêu hủy bắt buộc lợn bệnh và sản phẩm của lợn bệnh. Bên cạnh đó, bà con còn được phổ biến về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học từ cách thiết kế chuồng trại, lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, nắm bắt được những khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi, truyền đạt lại cho các hộ chăn nuôi ở cùng địa phương từ đó chủ động mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân tại địa phương.
Trong suốt quá trình triển khai mô hình, hộ tham gia mô hình áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn của Bộ NN-PTNT ban hành. Mô hình sử dụng thức ăn hỗn hợp, không sử dụng các kháng sinh, hormone tăng trưởng, hóa chất bảo quản, các chất cấm. Nhờ vậy, tiêu tốn thức ăn thấp, tăng sức đề kháng và tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tác động vào đàn lợn.
Kết quả sau 7 tháng triển khai mô hình, lợn sinh trưởng, phát triển tốt, tăng trọng nhanh, xuất chuồng trọng lượng bình quân đạt 100 kg/con, tăng trọng bình quân 600 g/con/ngày. Tiêu tốn thức ăn/1kg tăng trọng bình quân 2,6 kg, thấp hơn so với lợn nuôi truyền thống. Sau khi trừ đi chi phí, lãi thuần đạt: 32.340.000 đồng/42 con/7 tháng. So với nuôi lợn theo cách truyền thống, nuôi lợn theo hướng An toàn sinh học gắn với phòng bệnh dịch tả châu phi giúp giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế thấp nhất dịch bệnh cho đàn lợn, chất lượng thịt đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Với việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, việc xây dựng chuồng trại hợp lý thực hiện tốt các khâu vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ để tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho vật nuôi đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hộ tham gia thực hiện mô hình sử dụng chất thải ủ hoai làm phân bón cho cây trồng tăng năng suất và sản lượng trên một đơn vị diện tích đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình triển khai đã cho thấy trong lúc tình hình dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát, khó kiểm soát và chưa có vắc xin để phòng bệnh nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người chăn nuôi khi tái đàn.
Thành công của mô hình nuôi lợn an toàn sinh học gắn với phòng chống dịch tả châu phi, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ là tiền đề để tiếp tục nhân rộng ở thành phố Vinh nói riêng, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nói chung./.
Nguyễn Thành Trung