Việc thiết lập một cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia chặt chẽ và hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế là một bước quan trọng nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu chất lượng theo yêu cầu của thị trường quốc tế. NQI là một công cụ để tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy thương mại và tăng cường phúc lợi xã hội. Phát triển NQI nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp, giảm rào cản đối với thương mại và doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại và kỹ thuật toàn cầu.
Trên thế giới, nhiều quốc gia tiên tiến như Đức, Hoa Kỳ…đã nghiên cứu xây dựng và triển khai hiệu quả cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Kết quả tổng quan của hạ tầng chất lượng quốc gia mang lại chủ yếu là đáp ứng được nhu cầu của các ngành để phát triển mạnh mẽ công nghiệp lần thứ 4, các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu. Nghiên cứu NQI của một số quốc gia trong khu vực như Úc, Trung Quốc, Singapo, Philipin… cho thấy để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các quốc gia này đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, công nhận chất lượng và kết nối chúng. Ở Việt Nam, hạ tầng chất lượng quốc gia đã và đang được xây dựng, hình thành. Với một số kết quả ban đầu, hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam đã góp phần tích cực, hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra hết sức nhanh như hiện nay thì cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu.
Với thực trạng Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam và tình hình xây dựng Hạ tầng chất lượng của các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới hiện nay, việc xây dựng Đề án tổng thể tăng cường năng lực hạ tầng chất lượng quốc gia NQI (National Quality Infrastructure) nhằm tiếp cận cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 là rất cần thiết, cấp bách nhằm hỗ trợ, phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đáp ứng Chỉ thị số 16/CTTTg ngày 04/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kèm theo Quyết định số 1749/QĐ-BKHCN. Chính vì vậy, nhóm đề tài Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng do ThS. Lê Thị Thúy Sâm đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng đề án tăng cường năng lực hạ tầng chất lượng quốc gia NQI (National Quality Infrastructure) nhằm tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã đạt được các kết quả sau:
1. Nghiên cứu tổng quan kinh nghiệm của nước ngoài và xu hướng xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia NQI của một số nước ASEAN và APEC (không bao gồm phần đo lường).
2. Nghiên cứu tổng quan và đánh giá thực trạng về hạ tầng chất lượng quốc gia NQI của Việt Nam, ảnh hưởng của NQI đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế (không bao gồm phần đo lường).
3. Nghiên cứu mô hình NQI tại Việt Nam.
4. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm xây dựng, nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia cho tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức công nhận chất lượng và tổ chức chứng nhận chất lượng.
5. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm xây dựng, nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia cho các bộ, ngành, doanh nghiệp trong công tác xây dựng tiêu 22 chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
6. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm xây dựng, nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
7. Dự thảo tờ trình và dự thảo Đề án tăng cường năng lực hạ tầng chất lượng quốc gia NQI (National Quality Infrastructure) nhằm tiếp cận cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.
Các sản phẩm khoa học nêu trên đã đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu khoa học đặt ra trong Thuyết minh đề án được phê duyệt tại Quyết định số 1863/QĐTĐC ngày 22/11/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực năm 2017 “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng đề án tăng cường năng lực hạ tầng chất lượng quốc gia NQI (National Quality Infrastructure) nhằm tiếp cận cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế”.
Kết quả nghiên cứu đã cho ra kết quả cuối cùng là dự thảo Đề án tăng cường năng lực hạ tầng chất lượng quốc gia NQI (National Quality Infrastructure) nhằm tiếp cận cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế đang được hoàn thiện lần cuối trình Bộ để xin ý kiến các Bộ, ngành.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16352/2019) tại Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Ý kiến bạn đọc