Anh Thiên cho biết: “Năm 2017, đơn vị mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng cải tạo đất, thuê máy húc, máy ủi san lấp bằng và dựng lên 3 khu nhà lưới rộng 3.000m2. Chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình, là mỗi nhà lưới có diện tích 1.000m2 trồng 2.500 gốc dưa. Quá trình chăm sóc, cán bộ kỹ thuật của các ngành liên quan ở huyện luôn hỗ trợ rất nhiều thông tin, kinh nghiệm chăm sóc... nên vụ dưa lưới đầu tiên ở vùng đất này (năm 2018) cho thu hoạch cao, tổng sản lượng được hơn 3,5 tấn quả bán được giá (hơn 420 triệu đồng) và đầu ra ổn định; chỉ trong 3 vụ làm của năm 2018, đơn vị đã có tổng nguồn thu hơn 1 tỷ đồng; sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn VietGAP và điều đó giúp cho dưa lưới Anh Sơn mở rộng thị trường, lên kệ tại các siêu thị lớn. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, hiện nay tại trang trại đang đầu tư, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho vụ dưa mới đầu năm 2021 gồm 7.500 gốc”.
Anh Sơn là đất cây chè, nhưng cho đến nay việc đầu tư công nghệ cao vào trồng chè như mô hình trang trại của anh Phạm Văn Thân ở xã Long Sơn là chưa nhiều. Anh Thân chia sẻ: “Sau những lần tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo huyện Anh Sơn tại TP. Hồ Chí Minh, được biết chủ trương của huyện ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất công nghệ cao nên quyết định về quê làm trang trại trồng chè. Năm 2017, khi trở về xã Long Sơn được các cấp, ngành liên quan ở huyện tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận 14 ha đất đầu tư cải tạo lại trang trại trồng chè và keo”.
Thuận lợi ở trang trại là có khe nước quanh năm đắp chặn dòng tạo nên hồ nước nuôi cá rộng 3.000 m2, đồng thời cải tạo nuôi thêm baba, lươn... và đây là nguồn nước dồi dào tưới cho cây chè đồi. Anh Thiên đã đầu tư hệ thống máy bơm công suất cao và làm hệ thống đường ống dẫn nước dài 600 m bằng béc phun nước tự động, bởi vậy cây chè trồng non trồng trên độ cao 50m vẫn có nước tưới quanh năm.
Mô hình trang trại trồng chè chất lượng cao ở Anh Sơn. Ảnh: Hoàng VĩnhDo chủ động được vấn đề này, tỷ lệ cây sống, phát triển tốt lên đến 99% trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản (giai đoạn đầu) ở trang trại, còn trên diện tích chè kinh doanh chủ động nước tưới năng suất tăng 30% và chất lượng chè rất cao. Hiện nay anh Thân đang đầu tư nghiên cứu hệ thống bơm nước chân không (không cần sử dụng điện) và nếu thành công, đây là mô hình rất dễ áp dụng cho trồng cây chè trên đồi cao (có nguồn nước ở khe suối để tạo áp lực bơm).
Cũng trên địa bàn huyện ngày có thêm nhiều trang trại ứng dụng công nghệ cao, như: Trang trại trồng cam theo quy trình VietGAP của bà Lê Thị Hương, thôn Đỉnh Hợp, xã Đỉnh Sơn; trang trại ông Trần Văn Hải, xã Hội Sơn trồng giống cam Bù chín muộn vào dịp tết Nguyên đán; trang trại ông Hoàng Thanh, thôn 5 xã Long Sơn trồng chè kết hợp cây ăn quả...Theo đó, huyện xác định mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện có 21 trang trại ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chí theo Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; mỗi địa phương có ít nhất 01 trang trại ứng dụng công nghệ cao; tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ trang trại ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân 4 tỷ đồng trang trại; thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/trang trại/năm; thu hút 2-3 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đến năm 2030 có 60 trang trại và tổng giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân 7 tỷ đồng/trang trại...
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Anh Sơn. Ảnh: Hoàng VĩnhĐể thực hiện được mục tiêu đó, thời gian tới huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt đến tận hộ nông dân về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tiến bộ KHKT, về mô hình điển hình áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, về thông tin, thị trường, liên kết sản xuất, tích tụ đất đai để các hộ tham gia góp đất, tham gia HTX sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Tập trung chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể đầu tư phát triển kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài quan tâm hỗ trợ một cách thiết thực, để tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện thực hiện đồng bộ các chính sách đã được ban hành, theo đó có sự vào cuộc tích cực và tâm huyết của chính quyền các cấp, các ngành liên quan để các nông hộ, các chủ trang trại tiếp cận các chính sách một cách thuận lợi và hiệu quả. Song song với đó huyện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để hỗ trợ kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao phát triển và xem xét hỗ trợ một kinh phí phát triển trang trại ứng dụng công nghệ cao một số nội dung như: Ứng dụng khoa học công nghệ mới; đăng ký nhãn hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ lãi suất tiền vay; tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất cho các hộ có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại...
Đặng Đình Luận - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Anh Sơn
Tác giả bài viết: Hữu Thìn ST
Ý kiến bạn đọc