Nhóm học sinh THCS Lý Thánh Tông, quận 8 dùng vỏ sầu riêng tạo ra giấy có mùi thơm tự nhiên, giúp tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp.
Sản phẩm của Tô Đinh Hồng Phúc, Lại Huỳnh Nhất Thống, Nguyễn Ngọc Bích Hân (lớp 9), nghiên cứu với mục tiêu sử dụng nguyên liệu mới thay thế gỗ trong quy trình sản xuất giấy.
Ba thành viên nhóm và thầy Phan Duy Hiệp (trái) giới thiệu sản phẩm giấy từ vỏ sầu riêng tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp 2022 do Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức. Ảnh: Hà An
Hồng Phúc cho biết, thông thường giấy chủ yếu được làm từ gỗ, gây tổn hại đến môi trường. Trong khi đó, vỏ sầu riêng là nguyên liệu bỏ đi sau khi ăn quả, rất lãng phí. Nhóm muốn tận dụng vỏ sầu riêng nên đã tìm hiểu các nghiên cứu trước đó về loại quả này. Các nghiên cứu cho thấy, trong vỏ sầu riêng chứa 60 - 70% xenlulose, tương đương so với các loại gỗ tạp hiện nay. Vỏ sầu riêng lại có mùi thơm nên rất thích hợp để làm giấy.
Được giáo viên hướng dẫn, từ tháng 6 nhóm xây dựng quy trình sản xuất giấy từ vỏ sầu riêng tại phòng thí nghiệm của trường. Tranh thủ những giờ ra chơi, hay nghỉ trưa, ba thành viên nhóm phân công đến các khu ăn uống, sạp hàng trái cây xin vỏ sầu riêng làm nguyên liệu.
Vỏ sầu riêng được rửa sạch, cắt nhỏ và phơi dưới trời nắng. Những hôm không có nắng, các bạn đã dùng máy sấy khô để tạo độ giòn cho nguyên liệu. Khi vỏ sầu riêng đủ giòn sẽ đưa vào xay nhỏ tạo thành dạng bột mịn, rồi trộn thêm một số phụ gia tạo độ kết dính. Hỗn hợp này được đưa vào máy ép khuôn để tạo thành giấy thành phẩm. "Nhóm mất khoảng 4 ngày để hoàn thành toàn bộ quy trình này", Bích Hân, thành viên nhóm nói. Sản phẩm có độ bóng, mùi thơm của vỏ sầu riêng và khả năng phân hủy nhanh hơn do ít hàm lượng các chất kết dính trong giấy.
Sản phẩm có thể làm bìa vở, thiệp hoặc các vật dụng văn phòng phẩm khác. Nhóm dự tính chào hàng tại các cơ sở văn phòng phẩm với giá 2.000 đồng mỗi tờ khổ A4. Nhóm mong muốn nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp để sản xuất thử nghiệm, giúp đánh giá chất lượng giấy đầu ra, kiểm chứng tính khả thi của dự án.
Để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, nhóm dự tính tiếp tục phát triển dự án theo hướng làm các sản phẩm giấy từ vỏ bưởi, vỏ cam...
Hồng Phúc thực hiện công đoạn pha chế nguyên liệu tại phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: NVCC
Thạc sĩ Phan Duy Hiệp, giáo viên sinh học, THCS Lý Thánh Tông đánh giá nhóm học sinh đã tiếp cận vấn đề mang tính ứng dụng, giải quyết nguồn phụ phẩm của nông nghiệp. Các công đoạn từ tìm nguyên liệu, tạo quy trình làm giấy đến thành phẩm cuối cùng... được nhóm thực hiện cho thấy sự chịu khó trong nghiên cứu, đức tính quan trọng người làm khoa học. "Điều quan trọng nhất trong sản phẩm này là công thức sử dụng chất phụ gia để tạo nguyên liệu giấy có độ bóng đẹp, chất lượng tương đương giấy hiện hành", thạc sĩ Hiệp nói.
Trên thực tế bột giấy được sản xuất từ nhiều nguyên liệu như: gỗ, sợi bông (dính hột), giấy tái sinh, vải và rơm, rạ, cỏ, lanh, gai, đay, bã mía... bằng phương pháp cơ học, hóa học và phương pháp nửa hóa học.
Hà An
Ý kiến bạn đọc