Công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản (NLTS), nhờ lợi thế về đất đai rộng lớn và vùng nguyên liệu trung từ sản xuất nông nghiệp. Với vị trí địa lý là cửa ngõ giao thông trong tương lai và hạ tầng giao thông đang được đầu tư phát triển, cùng với sự quan tâm về chính sách của Nhà nước và của tỉnh để trở thành Trung tâm chế biến nông lâm thủy sản của vùng Bắc Trung bộ. Bởi vậy, công nghiệp chế biến NLTS được xem là lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn và được tỉnh hết sức chú trọng từ khâu xây dựng quy hoạch, các chương trình, đề án cho đến hoạt động xúc tiến đầu tư.
Cùng với việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) nhằm đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng,... Công nghiệp chế biến NLTS của Nghệ An đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định được vị trí vai trò trong ngành, góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Tính đến nay, toàn ngành chế biến nông lâm thủy sản có tổng số 14.829 cơ sở quy mô khác nhau, giải quyết cho bình quân 29.000 - 30.000 lao động thường xuyên. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến NLTS tăng từ 9.554 tỷ đồng trong năm 2015 lên 15.200 tỷ đồng năm 2020 Tăng trưởng bình quân đạt 9,73%/năm, tỷ trọng đóng góp chiếm 20,82% giá trị công nghiệp toàn tỉnh. Cụ thể một số sản phẩm sau:
- Chế biến lúa gạo: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lúa gạo với quy mô công nghiệp, tổng công suất đạt khoảng 250.000 – 300.000 tấn thóc/năm). Công ty CP Vật tư Lương thực Nghệ An, dây chuyền chế biến công suất chế biến 10 tấn/giờ, tổ chức liên kết với nông dân sản xuất và thu mua sản phẩm với quy mô 3.000 - 4.000 ha lúa/năm, với thương hiệu gạo Vật tư – NA 06. Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hoà, dây chuyền chế biến công suất chế biến 04 tấn/giờ; với thương hiệu gạo AC5 và gạo thảo dược. Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hùng Tiến năm 2019 chế biến xuất khẩu được 4.000 tấn gạo.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm cơ sở chế biến lúa gạo nhỏ lẻ hộ gia đình. Sản lượng lúa phục vụ chế biến theo chuỗi liên kết chiếm khoảng 25-30% sản lượng lúa toàn tỉnh.
- Chế biến ngô và thức ăn chăn nuôi: Hiện tại, tỉnh Nghệ An có 6 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, dùng nguyên liệu ngô hạt, đậu… với tổng công suất 826.000 tấn/năm. Sản lượng ngô chủ yếu phục vụ chăn nuôi tại chỗ và một phần được thu mua cung cấp cho các nhà máy chế biến làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Một số nhà máy lớn như nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ANCO Nghệ An có công suất 300.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Cargill Nghệ An có công suất 66.000 tấn/năm; Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Mavin AustFeed Nghệ An với công suất 300.000 tấn/năm, Đặc khu Holp Trung Quốc 40.000 tấn/năm, Golden star 80.000 tấn/năm, Con heo vàng 40.000 tấn/năm. Nguyên liệu ngô phục vụ cho các nhà máy này chủ yếu được nhập khẩu, sản lượng thức ăn chăn nuôi được chế biến năm 2019 đạt 439.248 tấn.
- Chế biến tinh bột sắn: Đến nay, trên địa bàn đã có 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động với tổng công suất 1.400 tấn củ tươi/ngày (300.000 tấn củ tươi/năm), (Nhà máy tại Thanh Chương có công suất 500 tấn/ngày; Nhà máy tại Hoa Sơn, huyện Anh Sơn có công suất 500 tấn/ngày; Nhà máy tại Yên Thành có công suất suất 300 tấn/ngày và nhà máy bột sắn Nghĩa Long- Nghĩa Đàn 100 tấn/ngày) và một số cơ sở chế biến nhỏ theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã; Sản lượng chế biến năm 2020 là 39.310 tấn tinh bột. Do được đầu tư đổi mới công nghệ, lắp đặt thêm thiết bị xử lý chất thải môi trường được cải thiện đáng kể. Sản lượng sắn phục vụ chế biến theo chuỗi liên kết chiếm 85-90% sản lượng sắn toàn tỉnh.
- Chế biến lạc: Trên địa bàn hiện có 02 nhà máy chế biến dầu ăn: Nhà máy dầu Vinh sản xuất và tiêu thụ bình quân đạt 25.000 - 26.000 tấn/năm với thị trường sản phẩm rải khắp cả nước và xuất khẩu đi một số nước: Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, các nước Trung Đông, Đông Âu,...; Nhà máy ép dầu của Công ty cổ phần Dầu thực vật Nghĩa Đàn với công suất ép 1.000 tấn/năm, sản phẩm chính là các loại dầu công nghiệp tận dụng nguyên liệu lạc, trẩu trên địa bàn. Sản lượng bình quân hàng năm chỉ đạt từ 150 - 200 tấn. Ngoài ra các doanh nghiệp thu mua và chế biến, xuất khẩu lạc (Doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng được xem là đơn vị đầu tàu trong việc với công suất khoảng 7.000 tấn/năm), sản phẩm chủ yếu ở dạng sơ chế lạc nhân (xuất khẩu) và các cơ sở, hộ gia đình thu mua chế biến tiêu thụ lạc trên địa bàn tỉnh.
- Chế biến mía đường: Các nhà máy mía đường đã nâng công suất chế biến, tiếp tục liên kết mở rộng vùng trồng mía nguyên liệu các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông và Tương Dương, tuy nhiên những năm gần đây thị trường tiêu thụ đường gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp chế biến mía đường với tổng công suất thiết kế đạt 15.500 tấn mía/ngày. (Nhà máy đường NASU 9.000 tấn, Nhà máy đường Sông Con 5.000 tấn, Nhà máy đường Sông Lam 1.500 tấn). Sản lượng đường chế biến năm 2019 đạt 130.519 tấn. Sản lượng mía phục vụ chế biến theo chuỗi liên kết chiếm khoảng 95-98% sản lượng mía toàn tỉnh.
Nhà máy đường NASU có công suất 9.000 tấn/năm
- Chế biến, bảo quản rau, củ quả: Công nghiệp chế biến nước quả trọng tâm là Nhà máy Nafood - Công ty CP thực phẩm Nghệ An sản xuất nước chanh leo, gấc, dứa có công suất 35.000 tấn quả/năm gắn với vùng nguyên liệu chanh leo tại huyện Quế Phong, dứa Yên Thành, Quỳnh Lưu; nhà máy chế biến nước hoa quả Núi Tiên – Nghĩa Đàn với công suất 40 tấn hoa quả/giờ.
- Chế biến chè: Tổng công suất chế biến chè toàn tỉnh đạt 324 tấn búp tươi/ngày gắn kết với vùng nguyên liệu chè ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp. Ngoài 04 nhà máy chế biến chè của Công ty Đầu tư phát triển chè Nghệ An, thì hiện nay có khoảng 36 hộ gia đình đã đầu tư các dây chuyền máy móc thiết bị chế biến chè với công suất 15 - 20 tấn chè nguyên liệu trên ngày. Sản lượng chè chế biến hàng năm trên 12.500 tấn, chủ yếu là sản phẩm chế biến thô, sản phẩm được đóng bao bì, nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ đến tận tay người tiêu dùng chiếm tỷ trọng ít. Sản lượng chè phục vụ chế biến theo chuỗi liên kết đạt 100% sản lượng chè toàn tỉnh.
- Chế biến cao su: Chế biến cao su Nghệ An hiện nay đang manh mún, có 6 đơn vị trồng gắn với chế biến mủ cao su: Công ty Nông nghiệp An Ngãi (Tân Kỳ); Công ty Nông nghiệp Sông Con (Tân Kỳ); Công ty Nông nghiệp Xuân Thành, Công ty Công nông nghiệp 3/2 (Quỳ Hợp); Công ty Cà phê Cao su Nghệ An (Thái Hoà) và Công ty nông nghiệp 1/5 (Nghĩa Đàn). Với tổng công suất 5.450 tấn mủ khô/năm; sản phẩm chủ yếu dạng thô, chất lượng không cao, bao gồm cao su crếp tờ xông khói, crếp tấm và cao su mủ cốm.
Công ty CP dược liệu Pù Mát (Con Cuông)
- Chế biến dược liệu
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có một số loài cây dược liệu đã cho sản phẩm cung cấp cho thị trường phải kể đến như: Quế, nghệ, gấc,... Trên địa bàn tỉnh hiện có Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Gấc Tân Thắng đầu tư phát triển trồng, chế biến sản phẩm từ Gấc tại Quỳnh Lưu. Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống (thuộc tập đoàn TH) đầu tư trồng và sơ chế dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn và Công ty CP dược liệu Pù Mát (Con Cuông) đã phát triển một số cây dược liệu như: Đẳng sâm, Đan sâm, Sâm Puxailaileng, Hà thủ ô đỏ, Đỗ trọng, Đương qui, Bảy lá một hoa... Sản lượng dược liệu được chế biến theo chuỗi liên kết chiếm 60-65% sản lượng toàn tỉnh.
- Chế biến cây thức ăn chăn nuôi
Diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ yếu phục vụ cho 02 Công ty chăn nuôi bò sữa (TH và Vinamilk). Sản phẩm cây thức ăn chăn nuôi chủ yếu là cỏ và ngô sinh khối để lấy thân non phục vụ chế biến thức ăn cho đàn bò sữa. Ngoài diện tích cho các công ty chủ động trồng nguyên liệu thì diện tích còn lại được liên kết với người dân các huyện như Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Anh Sơn và Thanh Chương. Sản lượng cây thức ăn chăn nuôi được chế biến theo chuỗi liên kết chiếm 30-35% sản lượng toàn tỉnh.
- Chế biến sữa và thịt
+ Chế biến sữa: Có 2 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp (của Công ty sữa TH và Vinamilk) đang hoạt động, công suất (giai đoạn I) đạt 230 triệu lít/năm. Sản lượng sữa tươi phục vụ chế biến theo chuỗi liên kết đạt 100% sản lượng sữa tươi toàn tỉnh.
+ Chế biến thịt: Có Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất khẩu Súc Sản với công suất 10 tấn/ngày; Hiện tập đoàn Massan đang đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Toàn tỉnh còn có 46 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phục vụ nội tiêu trong tỉnh. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng được chế biến theo chuỗi liên kết chiếm 30 - 35% sản lượng thịt toàn tỉnh.
- Chế biến lâm sản: Trên địa bàn tỉnh có 47 doanh nghiệp chế biến gỗ, 98 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, ngoài ra còn có 10.410 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể các mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Trong đó, đáng chú ý có hai dự án sản xuất gỗ quy mô lớn với công nghệ hiện đại nhập khẩu từ Châu Âu: Nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn giai đoạn 1 gồm dây chuyền gỗ ghép thanh công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền sản xuất ván MDF công suất 130.000 m3/năm, dự án đã đi vào hoạt động từ 2016. Năm 2018 tiếp tục đầu tư Nhà máy chế biến ván sợi MDF tại Anh Sơn, công suất 400.000m3/năm và nhà máy viên nén sinh khối của Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam với công suất 240.000 tấn tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An. Năm 2019, thu hút Cty CP Năng lượng ĐKC đầu tư nhà máy viên nén sinh khối với công suất 120.000 tấn tại Khu công nghiệp Nam Cấm. Sản lượng gỗ nguyên liệu được chế biến theo chuỗi liên kết đạt 95-98% sản lượng toàn tỉnh.
- Chế biến bảo quản thủy sản
Đã quy hoạch và đầu tư 14 cụm chế biến thủy sản tập trung với diện tích 78,83 ha. Hiện đã sử dụng 28,83 ha đạt 36,44% diện tích quy hoạch. Toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở chế biến đông lạnh ở 5 huyện, thị ven biển với tổng công suất chế biến đông lạnh đạt 20.500 tấn. Đã thu hút đầu tư nhiều dự án sản xuất nước mắm, cá hộp, cá bột như: Dự án Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Masan Miền Bắc tại KCN Nam Cấm chế biến các sản phẩm thủy sản như: Nước mắm, tương ớt, nước tương: Chin-su, Nam Ngư, Đệ Nhị, Tam Thái Tử; Nhà máy chế biến cá hộp (Royal Foods Nghệ An) với 2 dây chuyền sản xuất có công suất trên 100 tấn cá/ngày; Nhà máy chế biến bột cá Xuri Việt Trung, Nhà máy chế biến Hải An (công suất chế biến của mỗi nhà máy đạt 15 - 20 tấn bột cá/ngày). Ngoài các nhà máy lớn thì chế biến thủy sản của hộ cá thể phát triển mạnh, hiện có trên 500 cơ sở chế biến thủy sản với khoảng 200 kho đông lạnh, nước mắm truyền thống với hàng ngàn hộ, sản lượng 15 triệu lít/ năm, thủy sản khô 20.000 tấn. Sản lượng thủy sản được chế biến theo chuỗi liên kết chiếm 55-60% sản lượng toàn tỉnh./.
Thái Hoàng