Tại sao việc ứng dụng VietGAP khó khăn và triển khai chậm?

Thứ năm - 03/03/2016 22:05 0

Trong quá trình điều tra thực địa ở các tỉnh như: Cà Mau, Bạc liêu, Sóc Trăng, chúng tôi đã thực hiện các cuộc phỏng vấn, trao đổi với một số hộ nuôi tôm để tìm hiểu, đánh giá mức độ và khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cũng như khả năng tiếp cận thông tin của họ. Chúng tôi rất ngạc nhiên là phần lớn người nuôi tôm đã học tập các kinh nghiệm của nhau theo lối truyền khẩu. Một số thì tiếp thu kinh nghiệm sản xuất từ các lớp khuyến ngư hoặc các đại lý, trại sản xuất giống chứ ít biết về VietGAP.

Ảnh: Quang Quyết

Nói chung, kinh nghiệm, kiến thức hay hiểu biết của nhiều nông dân về nghề nuôi chưa thực sự bài bản. Đặc biệt, khi được hỏi về việc ứng dụng của các bộ tiêu chuẩn vào trong sản xuất, trong đó có VietGAP, họ tỏ ra thiếu hào hứng. Một số nói thẳng ra rằng việc ứng dụng sẽ làm tăng chi phí, tốn kém hơn và lợi nhuận thu được cũng chẳng hơn những hộ không áp dụng các tiêu chuẩn *GAP. Kết quả của một số nghiên cứu, tổng kết cũng đã chỉ ra rằng, chi phí sản xuất cho việc ứng dụng các *GAP sẽ tăng lên so với thông thường từ 20 - 30%, nhưng để bán được sản phẩm cũng không dễ dàng gì. Rõ ràng những lợi ích đem lại thiếu hấp dẫn của việc ứng dụng đã tạo nên sức ì cho tiến trình triển khai thực hiện.

Ở những hộ nuôi tôm được đầu tư bài bản, có kinh nghiệm, chủ hộ tỏ ra hào hứng hơn khi nói về việc ứng dụng VietGAP. Tuy nhiên, cũng thật đáng ngạc nhiên khi họ lại cho rằng, VietGAP sinh sau các *GAP khác nên đã tiếp thu và kế thừa được nhiều cái khó của các *GAP khác, vì thế, khó ứng dụng hơn. Hơn nữa, VietGAP lại chưa được quốc tế công nhận cũng như chưa được chuyển đổi ngang bằng với các *GAP khác nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm thực sự không dễ. 

Khó khăn của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như ứng dụng các bộ tiêu chuẩn nhằm có được những sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn, thỏa mãn các tiêu chí cơ bản như: đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội, có trách nhiệm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, thì sản phẩm cũng phải được sản xuất ở trong những điều kiện phù hợp với các tiêu chí đã đề ra. 

Trong thực tế, sự thiếu đồng bộ và mất cân đối giữa quy hoạch và phát triển trong nhiều năm của nghề nuôi tôm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc triển khai và ứng dụng VietGAP cũng như các bộ tiêu chuẩn khác trở nên khó khăn hơn. Cho đến đến nay, diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến vẫn chiếm đến 75% tổng diện tích nuôi tôm ở nước ta. Điều đó có nghĩa là, phần lớn cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi tôm tập trung chưa đáp ứng được những điều kiện đặt ra cho việc ứng dụng các bộ tiêu chuẩn nhằm có được những sản phẩm tốt hơn, sạch hơn, an toàn hơn…

Theo kết quả nghiên cứu thống kê, nghề nuôi tôm ở nước ta chỉ thực sự bắt đầu vào những năm 80's của thế kỷ trước và bùng phát vào cuối những năm 90's và đầu năm 2000's. Lấy mốc thời gian năm 2000 để so sánh cho thấy, nuôi trồng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2007 - 2008 đã có sự tăng trưởng cao so với các năm trước đó. Sự đóng góp của nuôi trồng thủy sản, vì thế, đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất giữa nuôi trồng và khai thác thủy sản, đồng thời góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế khu vực I (Nông - Lâm - Thủy sản) của từng tỉnh và của toàn vùng, nhất là tăng giá trị sản xuất thủy sản.

Tốc độ tăng diện tích mặt nước nuôi thủy sản hàng năm, từ năm 2000 đến năm 2007 là khoảng 11%/năm. Tốc độ tăng về sản lượng thủy sản nói chung là 7%/năm. So sánh với tốc độ tăng diện tích, cho thấy tốc độ tăng về sản lượng thủy sản tuy có tăng lên, nhưng không bằng tốc độ tăng diện tích. Điều này phản ảnh một thực tế là có thể còn có nhiều yếu tố khác chi phối và tác động đến các hoạt động của nghề cá ở trong vùng, trong đó phải kể đến các yếu tố về môi trường, chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Tuy nhiên, tốc độ tăng của sản lượng thủy sản nuôi trồng từ năm 2000 - 2007 rất cao, đạt 23%/năm. Tốc độ tăng cao này là kết quả của sự tăng trưởng trong nuôi cá tra. Dù sao, các kết quả này cũng đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 về sản lượng thủy sản nuôi trồng và đứng thứ 13 về sản lượng thủy sản khai thác trên thế giới. Nhưng, bên cạnh những thành công đã gặt hái được, chúng ta cũng phải trả giá cho sự tăng trưởng nóng này, đó là những vấn đề về môi trường và hệ luỵ của nó là làm cho việc ứng dụng các bộ tiêu chuẩn, trong đó có VietGAP, trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh những yếu tố tích cực như: người dân đã nhận thức được rằng: Các tiêu chí đánh giá của VietGAP hay của các bộ tiêu chuẩn khác trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trong nuôi tôm đã giúp hộ nuôi quản lý tốt hơn, hoạt động tốt hơn. Từ đó, người nuôi tôm nhận biết và xác định được những ưu, khuyết điểm trong công việc quản lý, chăm sóc ao nuôi, tránh được nhiều khó khăn hay rủi ro mà trước đó thường gặp. Hơn nữa, cũng nhờ quản l‎ý chặt chẽ về thức ăn, thuốc trị bệnh cũng như các loại vật tư cho sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn đã giúp giảm các chi phí do hư hỏng, thất thoát, cũng như các chi phí không cần thiết về công lao động…

Có lẽ không cần phải nói nhiều về lợi ích của việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP cũng như các bộ tiêu chuẩn khác. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, khuyến khích người nông dân nói chung, người nuôi thủy sản, nuôi tôm nói riêng đòi hỏi phải có thời gian, đầu tư về công sức, trí tuệ cùng với sự vào cuộc của các nhà quản lý, khoa học, các nhà sản xuất, chế biến sản phẩm thủy sản, hệ thống truyền thông, báo chí… Chính phủ cũng đã kịp thời đưa ra những chính sách hỗ trợ việc thực hành sản xuất tốt hơn trong nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Chắc chắn là với sự hỗ trợ này sẽ khích lệ người nuôi tham gia tích cực hơn trong việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thương hiệu của các sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời làm ổn định, nâng cao mặt bằng đời sống vật chất, tinh thần của người tham gia nuôi trồng thủy sản.

Theo VietQ

Tác giả bài viết: article?img id=262864

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây