Mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn sản phẩm KH&CN không thể ứng dụng vào cuộc sống. Câu chuyện về lò đốt rác thải y tế HTL của ông Trịnh Đình Năng ở Bắc Kạn phần nào cho thấy tình cảnh phổ biến mà các nhà sáng chế, nhà khoa học đang gặp phải: Sản phẩm KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, được tặng giải thưởng nhưng "mất hút" trên thị trường. Vì sao lại có tình trạng trên là câu hỏi được dư luận quan tâm. Vượt trội so với hàng nhập ngoại!Chiếc lò đốt rác thải y tế nguy hại HTL do ông Trịnh Đình Năng (ở Bắc Kạn) nghiên cứu, chế tạo là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải công nghiệp của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lò HTL có hiệu suất sử dụng cao, chi phí vận hành thấp. Với hai modul 5kg và 15kg, sản phẩm của ông Trịnh Đình Năng được cho là phù hợp với việc xử lý rác thải tại các bệnh viện trong địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tốc độ đốt nhanh, khả năng hạ nhiệt tốt nhất (từ 1.400oCxuống 50oC chỉ trong 1 giây) và có khả năng khử mùi, chiếc lò đốt này thể hiện tính ưu việt so với các sản phẩm hiện có trên thị trường, vượt trội so với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến.
|
Ông Trịnh Đình Năng (Bắc Kạn) giới thiệu về chiếc lò đốt rác thải y tế HTL. |
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, lò HTL có thể giúp tiết kiệm hơn 80% nhiên liệu đốt so với sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Nếu dùng dầu diesel, chi phí chỉ hết 5.000 đồng/kg rác thải; nếu dùng dầu thải, chi phí chỉ còn là 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, với các loại lò nhập từ Mỹ, Nhật Bản, Anh, chi phí cho mỗi kilôgam rác thải vào khoảng 70.000-80.000 đồng.
Về ưu điểm tiết kiệm thời gian, ông Trịnh Đình Năng cho biết thêm: Lò Ovan của Thụy Sĩ rất hiện đại nhưng phải đốt theo mẻ, phải mất 2 giờ mới xong một mẻ 15kg rác với giá thành rất cao, tính trung bình khoảng 30.000 đồng/kg rác thải. Tốc độ đốt của các loại lò do Nhật Bản, Anh sản xuất cũng khá chậm, hơn nữa, lò chỉ sử dụng trong khoảng 2 năm là hỏng, việc sửa chữa vô cùng khó khăn. Trong khi đó, lò HTL cho hiệu quả hơn nhiều, đốt được 50kg rác thải/giờ. Với những tính năng vượt trội nói trên, sau khi HTL được cấp bằng sáng chế độc quyền, một công ty chế tạo máy của Đức đã liên hệ để mua lại sáng chế của ông Trịnh Đình Năng với giá hơn 300.000 euro nhưng ông đã từ chối đề nghị "mua đứt" của họ, chỉ đồng ý hợp tác để cùng sản xuất.
Tuy nhiên, trong thực tế, dù được cơ quan khoa học công nhận về an toàn cho môi trường, giá rẻ, được chuyên gia nước ngoài đánh giá cao nhưng HTL vẫn không dễ bán ở trong nước. Được cấp bằng sáng chế độc quyền từ năm 2012, ông Trịnh Đình Năng đã sản xuất được 5 chiếc (nếu có đơn đặt hàng, cơ sở này có thể sản xuất được 20 chiếc/tháng). Thế nhưng, vào thời điểm này, cơ sở sản xuất của ông đang đóng cửa, lý do là không có ai mua.
Còn nhiều rào cảnTrao đổi về vấn đề nói trên, ông Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn thừa nhận rằng, việc thương mại hóa lò HTL đang gặp khó khăn dù Sở đánh giá rất cao sản phẩm này. Thực tế đó cho thấy doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN vẫn còn nhiều bất cập, cần được bổ sung, nhất là về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp KH&CN cho biết, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu không hề dễ, có thể hàng nghìn kết quả nghiên cứu chỉ tạo ra được một vài công nghệ; trong một vài công nghệ đó, rất ít sản phẩm có thể đưa ra thị trường, giành chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh và được doanh nghiệp chọn để đầu tư. Quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu diễn ra trong bối cảnh có sự bất cập về cơ chế, thể hiện ở chỗ: Việc mua bán một số loại công nghệ mà đối tượng tiêu dùng là tổ chức công thì chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư, nhưng hoạt động mua sắm công đối với hàng hóa công nghệ thì chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy.
Với lò đốt rác HTL, theo ông Phạm Hồng Quất, dù có nhiều ưu điểm, đặc biệt là về mặt giá thành, nhưng sản phẩm chỉ được các cơ sở y tế tư nhân quan tâm. Với các bệnh viện nhà nước thì việc mua một thiết bị như HTL không đơn giản, phụ thuộc vào việc giám đốc ở bệnh viện có được trao quyền mua dây chuyền đó không, hay vẫn phải cần có sự phê duyệt các dự án đấu thầu. Ngoài ra, còn có một rào cản nữa mà HTL phải vượt qua, đó là tâm lý ngại dùng hàng hóa trong nước, đặc biệt là của doanh nghiệp "mới xuất hiện".
Để nâng cao hiệu quả thương mại hóa các sản phẩm KH&CN như lò đốt rác HTL, theo ông Phạm Hồng Quất, trước hết, cần hoàn thiện môi trường pháp lý kinh doanh, bảo đảm nguyên tắc tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và có ưu tiên đối với những sản phẩm mới của doanh nghiệp. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, chúng ta nên chấp nhận hệ thống tiêu chuẩn quốc tế phổ biến để sản phẩm KH&CN mới được sản xuất và lưu hành. Chúng ta cũng cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ nền sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu công nghệ cũ của nước ngoài. Việc hỗ trợ đầu tư, thương mại hóa sản phẩm KH&CN cũng cần hướng tới đối tượng là những người có thu nhập thấp, công nghệ ứng dụng tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Cuối cùng, không thể thiếu vai trò của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh, tiếp cận thông tin cần thiết để kết nối cung - cầu.
Theo hanoimoi