Thiết bị sử dụng tia hồng ngoại giúp bác sĩ điều chỉnh từ xa tốc độ giọt dịch truyền, tự động phát cảnh báo nếu vượt ngưỡng cho phép.
Trong một lần đến bệnh viện thăm thầy giáo, Ngô Mạnh Tùng, sinh viên năm 4, Viện Cơ Khí, Đại học Bách khoa Hà Nội thấy nhiều người bệnh chờ đợi bác sĩ tới kiểm tra bình dịch. Số lượng bệnh nhân quá tải khiến bác sĩ không thể bao quát hết.
Về phòng lab, Tùng thảo luận cùng 4 bạn sinh viên năm cuối của Viện về ý tưởng chế tạo thiết bị có thể theo dõi và điều chỉnh từ xa các bình dịch mà người bệnh dễ dàng mang theo.
Thấy khả thi, nhóm bắt đầu biến ý tưởng thành hiện thực từ tháng 7/2020. Được thầy Cao Xuân Bình, giảng viên của Viện tư vấn, nhóm sử dụng tia hồng ngoại tích hợp vào thiết bị cảnh báo để hỗ trợ tính năng cảm biến giọt dịch. Từ bản thiết kế đầu tiên, đến nay, sản phẩm của nhóm được áp dụng tại phòng y tế của trường và được doanh nghiệp đặt hàng với số lượng thử nghiệm.
Thiết bị cảnh báo nhỏ gọn, được gắn ở bầu dịch để đo vận tốc và thời gian giọt dịch truyền qua. Ảnh: NX.
Kích thước nhỏ gọn bằng lòng bàn tay, phần nhựa bên ngoài do nhóm tự thiết kế và in 3D. Bên trong thiết bị có cụm cảm biến gắn tia hồng ngoại được đặt đối xứng qua bầu truyền dịch. Vì tia hồng ngoại không tiếp xúc trực tiếp với dịch truyền, nên không làm ảnh hưởng tính chất giọt dịch. Việc sử dụng tia hồng ngoại giúp cảm biến nhận biết dễ dàng giọt dịch từ bình dịch, hỗ trợ đo vận tốc, thời gian được chính xác hơn.
Tùng cho biết, tia hồng ngoại chỉ hỗ trợ thiết bị đo chính xác hơn và tạo độ ổn định, còn chức năng đo vận tốc và thời gian giọt dịch truyền để đưa ra cảnh báo phụ thuộc hoàn toàn vào bộ vi mạch xử lý bên trong.
"Đây cũng là công đoạn quan trọng mà nhóm dành một tháng để thiết kế và nhờ đơn vị khác in mẫu vi mạch", Tùng nói và cho biết, lấy trung bình 5 giọt dịch rơi xuống trên một lần tính toán để tính vận tốc và thời gian chảy của giọt dịch được hiển thị trên màn hình nhỏ. Mỗi loại dịch truyền đều có tốc độ chảy khác nhau. Nếu vượt ngưỡng truyền cho phép hoặc dịch truyền hết, thiết bị phát âm thanh cảnh báo sau 3 giây.
Thiết bị có mã QR để kết nối với ứng dụng do nhóm tự nghiên cứu để điều chỉnh thông số từ xa. Ảnh: NX.
Bước đầu hoàn chỉnh sau 3 tháng thiết kế, sản phẩm được đưa vào thử nghiệm tại trung tâm y tế của trường. Dù chức năng cảnh báo hoạt động tốt, người dùng vẫn phải tự điều chỉnh bánh lăn của dây truyền dịch để tăng giảm tốc độ. Để cải thiện hạn chế này, 5 chàng trai tự thiết kế một ứng dụng cho phép bác sĩ có thể căn chỉnh tốc độ truyền dịch từ xa mà không cần xuống phòng bệnh trực tiếp.
Nhóm cũng tạo ra một mã QR giúp liên kết giữa ứng dụng và thiết bị. Người dùng có thể quét mã này để đăng nhập vào ứng dụng. App cung cấp thông tin người bệnh, tốc độ và thời gian truyền dịch."Để đảm bảo an toàn, ứng dụng của bác sĩ mới có thể điều chỉnh thông số, người nhà bệnh nhân chỉ theo dõi", Tùng nói.
Đây là thiết bị cảnh báo truyền dịch đầu tiên trong nước, nếu ứng dụng rộng giá khoảng 700 - 1,5 triệu đồng. Nhờ tính mới, sản phẩm này xuất sắc đạt giải Nhất tại cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020. Được một doanh nghiệp công nghệ ngỏ lời hợp tác phát triển sản phẩm, nhóm dự định chế tạo mẫu chạy bằng pin, tích hợp thêm tính năng đo nhiệt độ cơ thể hoặc hỏi đáp bệnh nhân.
Thầy Cao Xuân Bình đánh giá cao tính sáng tạo trong ý tưởng và khả năng thực hiện ý tưởng của nhóm sinh viên. "Sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cộng đồng dù cần quá trình cải tiến và thử nghiệm", ông nói.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc