LÊ DUY HOAN - NGƯỜI CỦA NHỮNG CÔNG TRÌNH SÁNG CHẾ

Thứ hai - 12/11/2018 22:24 0

Gặp ông Lê Duy Hoan 3 năm sau ngày ông đạt giải Đặc biệt trong cuộc thi "Sáng tạo khoa học và công nghệ năm 2012", người đàn ông ấy vẫn giản dị, say mê và đầy tâm huyết với các công trình sáng tạo. Hiện nay, ông còn là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Sáng chế Nghệ An với hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho các thành viên của Câu lạc bộ.

Là một kỹ sư, ông Hoan luôn lấy công việc làm niềm vui và sáng chế là niềm đam mê. Người đàn ông nhỏ nhắn ấy luôn không ngừng miệt mài với những sáng kiến khoa học góp phần nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất. Một trong số những sản phẩm do ông sáng chế đã vinh dự nhận Giải Đặc biệt Giải thưởng "Sáng tạo khoa học và công nghệ năm 2012". Công trình đã Cục Sở Hữu trí tuệ cấp bằng Sáng chế năm 2015.

Đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An trao giải đặc biệt cho tác giả Lê Duy Hoan

Vào năm 2011-2012, công trình "Máy nâng hạ có bộ phận tự hãm bằng trọng lượng" của ông Hoan vô cùng nổi tiếng, nhiều người gọi ông là ông ‘Nâng - Hạ". Công trình có kết cấu bàn nâng di chuyển trên đường dẫn lên xuống trong khung trượt đúng tâm. Máy có thể thực hiện đưa người và hàng hóa lên xuống ở các tòa nhà cao tầng, khu chung cư, khách sạn, kho bãi và các công trình xây dựng khác. Máy có cấu tạo gồm khung nâng và bộ tự hãm bằng trọng lượng. Khung nâng được thiết kế cơ học gồm bàn nâng, hệ thống dầm treo, đường dẫn giúp bàn nâng di chuyển ổn định và giữ lại bàn nâng trong trường hợp đứt cáp.

Trong thực tế, máy nâng hạ được áp dụng ở nhiều lĩnh vực trong các công trường xây dựng, nhà hàng. Nhưng công trình của ông ưu việt hơn cả chính là bộ phận tự hãm bằng trọng lượng, bộ phận được thiết kế với cấu tạo đơn giản, làm việc êm dịu, linh họat, hoạt động bằng lực đàn hồi lò xo do trọng lượng của khung nâng và vật nâng sinh ra. Bộ phận tự hãm này giúp bàn nâng không bị rơi tự do, bảo đảm an toàn cho người và vật nâng trong trường hợp bị đứt cáp tải hoặc tác nhân khác làm giảm lực căng cáp tải. Đồng thời cho  phép nâng cao tải trọng cũng như chiều cao làm việc của vật nâng. Máy nâng hạ này có thể thiết kế theo nhiều độ cao và tải trọng nâng khác nhau mà giá thành chỉ tương đương 1/3, ½ giá các thiết bị khác có công năng tương tự được nhập từ nước ngoài. Hiện nay, máy nâng hạ đã được cải tiến nhiều, hiệu quả tốt hơn và hình thực cũng đẹp hơn. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà đã được nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh Cao Bằng, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hưng Yên… sử dụng và cho nhận xét tốt.

Nhận xét về thiết bị nâng hạ do ông Lê Duy Hoan sáng chế, các doanh nghiệp ở Nghệ An đều khẳng định "nhanh - bền - tốt - rẻ và an toàn". Còn kỹ sư Lê Duy Hoan khi nói về sản phẩm của mình thì rất kiệm lời: "Tất cả cũng chỉ với mong muốn công trình được ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước".

 

Ông Lê Duy Hoan với công trình "Máy nâng hạ có bộ phận tự hãm bằng trọng lượng"

Nói về xuất phát điểm của công trình sáng chế này, ông Lê Duy Hoan cho biết: xuất phát điểm từ tai nạn thực tế thang nâng đứt cáp rơi tự do ông đã đi sâu tìm hiểu và từ những mặt hạn chế tìm hiểu được, ông hoàn thiện vào bộ phận phòng rơi mà ông gọi là bộ phận hãm bằng trọng lượng cho thiết bị của mình. Thiết bị gồm 3 phần chính, thứ nhất là gồm có sàn nâng và khung nâng. Sàn nâng và khung nâng có nhiệm vụ để các vật, hàng hóa để thực hiện vấn đề nâng hạ hàng hóa lên xuống. Còn khung nâng làm nhiệm vụ dẫn hướng và là cơ sở để cho bộ phận tự hãm bằng trọng lượng. Nguyên lý của bộ tự hãm bằng trọng lượng rất đơn giản, thành công hay không là do sự tính toán chính xác của người sáng chế. Khi trục dẫn động đứng được nâng lên thông qua mặt côn thì nó ép lò xo được lắp trên trục này một hành trình D L. Đồng thời, lò xo được lắp trên trục dẫn động ngang hai bên ép mặt côn đi vào làm hai cụm phanh mở ra. Bình thường thang cứ thế vận hành. Trong trường hợp đứt cáp, lực đàn hồi của lò xo tức khắc làm việc, đẩy mặt côn trên trục dẫn động đứng trở về vị trí ban đầu, ép phanh đóng lại, làm cho thang nâng không bị rơi tự do. Hiện nay, công trình này đã được ứng dụng nhiều trong đời sống và đã được chuyển giao cho nhiều gara ô tô trên địa bàn tỉnh Nghệ An và cả nước phần nào khẳng định được khả năng ứng dụng thực tế và hiệu quả của công nghệ.

Nói về quá trình công tác của mình, ông cho biết: Trong thời kỳ khó khăn chung của cả nước, công việc của ông cũng trải qua nhiều cung bậc, thăng trầm. Trong bất kỳ điều kiện công tác nào ông cũng luôn trăn trở với những cải tiến thiết bị, máy móc. Khi làm việc tại Xí nghiệp Chế biến lâm sản Sông Hiếu (Nghĩa Đàn), ông đã thiết kế hệ thống cầu chuyển tải sức nâng 3,2 tấn để cơ giới hóa toàn bộ số gỗ tròn cho 2 phân xưởng chế biến, giúp giảm nhân công làm việc mà năng suất lại tăng 1,5 lần. Ông còn nghiên cứu bộ giảm áp, chỉ cần  sử dụng một bình ắcquy 120A mà giúp máy phát điện của xí nghiệp hoạt động tốt thay vì phải sử dụng đến hai bình ắc quy cỡ lớn mới khởi động được. Những sáng kiến ấy đã giúp xí nghiệp tiết kiệm được chi phí rất lớn, nhất là chủ động trong sản xuất. Ông đã được Tổng Liên đoàn lao động tặng 2 Bằng Lao động sáng tạo (năm 1985, 1986).

Còn hiện nay, ông lại tiếp tục niềm đam mê của mình. Công trình vận thăng sử dụng trong xây dựng công trình do ông sáng chế đã được nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng sử dụng và hiện đang hoàn tất đơn đặt hàng của doanh nghiệp ở Thái Nguyên. Không chỉ là một nhà sáng chế mà với vai trò là một thành viên của Câu lạc bộ Sáng chế tỉnh Nghệ An, ông Hoan lại là người rất nhiệt tình với những công tác hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên khác. Anh Lê Văn Thoả - Giám đốc Doanh nghiệp cơ khí Nhân Độ, thành viên CLB được ông Hoan giúp đỡ để hoàn tất thủ tục gửi đơn xin cấp giấy chứng nhận Sáng chế ra Cục Sở Hữu trí tuệ. Anh Thoả cho biết: Từ Nghĩa Đàn ngược lên Qùy Hợp mà bác Hoan nhiệt tình đi lại, hướng dẫn và giúp tôi hoàn tất thủ tục cấp Bằng sáng chế, góp ý cho tôi về những công trình mà mình đang hoàn thiện… Biết tin em Nguyễn Thị Ngọc Khánh có công trình vừa đạt gửi thưởng Sáng tạo KH&CN Thanh niên và Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng Nghệ An 2016, ông tìm đến nhà hướng dẫn em và gia đình làm thủ tục cấp Bằng sáng chế… và còn nhiều những thành viên khác được ông tìm đến, hướng dẫn, tâm sự, cổ vũ và động viên tinh thần sáng tạo. Ông tâm sự: Mình làm việc bằng cái tâm, muốn giúp đỡ người khác để họ nhânh chóng có được Bằng sáng chế, bảo vệ được sản phẩm trí tuệ của họ".

Say mê trong nghiên cứu, sáng tạo, nhiệt tình trong hỗ trợ, giúp đỡ mọi người trong lao động, sáng chế thiết bị cũng như hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận Sáng chế với vai trò là người đi trước, ông Lê Văn Hoan đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng mọi người về người đàn ông của những công trình sáng chế./.

Hải Yến

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây