Giải mã công nghệ để phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị Alzheimer từ rau đắng biển

Thứ năm - 22/04/2021 21:04 0

Bằng cách khai thác những sáng chế nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam, kết hợp với nền tảng nghiên cứu sẵn có, các nhà khoa học ở Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã phát triển thành công sản phẩm hỗ trợ điều trị Alzheimer từ rau đắng biển.

Trong hội thảo công bố kết quả nghiên cứu phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị Alzheimer từ rau đắng biển Việt Nam diễn ra ngày 1/4, các nhà khoa học ở Viện Dược liệu đã báo cáo những kết quả của dự án "Áp dụng sáng chế US6833143B1 không bảo hộ tại Việt Nam để phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị Alzheimer từ rau đắng biển Việt Nam" (2017-2020). Dự án này nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), thuộc lĩnh vực giải mã công nghệ, tiêu biểu như khai thác những sáng chế không được bảo hộ tại Việt Nam.


TS. Hoàng Đức Mạnh báo cáo trong hội thảo. Ảnh: MH

Rau đắng biển (Bacopa monnieri) là một loài cây thân cỏ, phân bố rộng rãi ở một số quốc gia nhiệt đới như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan,... Ở Việt Nam, rau đắng biển thường dùng làm rau ăn (đặc biệt là ở Nam Bộ) và xuất hiện trong các bài thuốc cổ truyền trị các bệnh về xương khớp, bổ thần kinh, giải độc,... Nhận thấy những tác dụng nổi bật của rau đắng biển trong việc bảo vệ trí nhớ, tăng cường nhận thức, một số quốc gia trên thế giới như Ấn Độ đã đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược liệu từ loại rau này.

Các nhà khoa học Việt Nam cũng quan tâm đến rau đắng biển từ lâu song do điều kiện có hạn nên hầu hết mới chỉ dừng ở những nghiên cứu cơ bản. Chẳng hạn, từ những năm 2000, một số nhóm nghiên cứu ở Viện Dược liệu đã chứng minh được hoạt chất bacosides (triterpenoid saponins) - thành phần chính trong rau đắng biển, có tác dụng ngăn chặn suy giảm trí nhớ/nhận thức, chống stress,...

Cơ hội để đưa một loài cây cỏ hữu ích trong các bài thuốc dân gian như rau đắng biển thành một sản phẩm được nghiên cứu bài bản, tiện lợi cho người dùng đã đến với các nhà khoa học ở Viện Dược liệu thông qua đề tài "Áp dụng sáng chế US6833143B1 không bảo hộ tại Việt Nam để phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị Alzheimer từ rau đắng biển Việt Nam".

"Từ sáng chế này, chúng tôi tập trung vào giải mã quy trình chiết xuất hợp chất bacoside sao cho hàm lượng lớn hơn 20%, sau đó cải tiến quy trình phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam", TS. Hoàng Đức Mạnh, chủ nhiệm đề tài, báo cáo.

Mặc dù khối lượng công việc khá nhiều và phức tạp, song với nỗ lực và nền tảng chuyên môn vững chắc, sau khoảng 3 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình chiết cao rau đắng biển có hàm lượng bacoside > 20% bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Việc nâng cao hàm lượng hoạt chất là cơ sở quan trọng để tăng cường hoạt tính cũng như giảm chi phí cho sản phẩm sau này.

Để chuẩn bị cho quá trình sản xuất trong thực tế, nhóm nghiên cứu đã xây dựng công thức bào chế viên nén và đánh giá độ ổn định của chế phẩm.

Một điều thuận lợi là trong quá trình thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Cục Sở hữu trí tuệ - cơ quan thường trực của Chương trình 68. "Bên Cục luôn luôn hỏi chúng tôi rằng có vướng chỗ nào không, tạo điều kiện về các thủ tục hành chính sao cho nhanh nhất có thể", TS. Hoàng Đức Mạnh bày tỏ.

Những kết quả tiềm năng của dự án đã thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp. "Rất mừng là bên cạnh các nhà khoa học, các doanh nghiệp cũng tham gia buổi hội thảo hôm nay. Chúng tôi rất mong hai bên có thể phối hợp với nhau tiếp tục phát triển sản phẩm này để thương mại hóa, mang đến những sản phẩm hữu ích cho người tiêu dùng và xã hội", ông Nguyễn Trung Hiếu, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, bày tỏ trong hội thảo.

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây