Quy hoạch các tổ chức khoa học công nghệ công lập

Thứ ba - 14/09/2021 04:28 0

Các tổ chức khoa học công nghệ công lập sẽ được quy hoạch trong giai đoạn mới theo hướng liên ngành ngành, vùng... hình thành mạng lưới để phát huy lợi thế sáng tạo.

Chiều 8/9, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp... để phối hợp lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KHCN công lập.

Chủ trì tọa đàm, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ thông điệp, việc quy hoạch hướng tới hình thành mạng lưới tổ chức KHCN công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý.

Theo đề cương quy hoạch ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ KHCN trình bày, các bộ, ngành sẽ phải trả lời câu hỏi về căn cứ lập quy hoạch, phạm vi, các phương án đề xuất về việc tăng giảm số lượng, điều chỉnh quy mô dựa trên chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức. Đề cương quy hoạch cũng phải xây dựng phương án đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực, phân bổ không gian, sử dụng đất...

Quy hoạch lần này có đề cập đến nhiều nội dung mới, trong đó kết nối các ngành, vùng liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch mới cần đưa ra đề xuất "phương án bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới tổ chức KHCN công lập, các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo" và "danh mục dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh theo thứ tự ưu tiên thực hiện".

 
Nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN - đơn vị sự nghiệp KHCN công lập thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai. Ảnh: HM.

Nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN - đơn vị sự nghiệp KHCN công lập thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai. Ảnh: HM.

Một trong những khó khăn được đại diện các đơn vị từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM... nêu về sự gắn bó mật thiết giữa các tổ chức khoa học công nghệ với cơ sở giáo dục đại học từ nhân sự, nhiệm vụ nghiên cứu tới đất đai, cơ sở vật chất... Vì vậy khi xem xét quy hoạch các đơn vị này cần tính đến đặc thù gắn với hệ thống giáo dục đại học chứ không tách ra độc lập, sẽ gây khó khăn cho cả nhà trường và tổ chức KHCN công lập. Ngoài ra, với các tổ chức KHCN thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn và khoa học cơ bản phải đứng ra tự chủ là khó, cần có hướng dẫn chi tiết.

Trước đề xuất của các đơn vị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết sẽ trực tiếp trao đổi và tháo gỡ cũng như chỉ đạo các đơn vị đồng hành để việc quy hoạch đạt hiệu quả.

Thứ trưởng cũng lưu ý, việc giải thể hay giữ lại tổ chức KHCN công lập, phải dựa trên định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Các tổ chức KHCN công lập tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu của ngành, tổ chức của mình, giữ vai trò không thể thay thế trong phát triển. "Mức độ tự chủ không phải là căn cứ để xét tồn tại hay không đối với một tổ chức KHCN công lập", ông nói.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, theo kế hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm việc với các đơn vị có nhu cầu để nắm bắt tình hình thực tế, nội dung quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng quy hoạch có hiệu quả.

Quy hoạch mới cũng là cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực KHCN, bảo đảm tính khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả. Đây cũng là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới tổ chức KHCN; hướng tới mục tiêu tự chủ, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức KHCN công lập.

Tô Hội

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây