Nhà khoa học: 'Làm chủ công nghệ vaccine là chìa khóa chống dịch Covid-19'

Thứ ba - 14/09/2021 04:34 0

Theo các nhà khoa học, vaccine là vũ khí quan trọng nhất để chống dịch Covid-19, vì vậy, việc đầu tư nghiên cứu bài bản một trung tâm nghiên cứu vaccine là cần thiết.

Ngày 1/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long gửi thư kêu gọi các tổ chức, nhà khoa học trong lĩnh vực sức khỏe đề xuất giải pháp và hành động chống dịch, nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhiều nhà khoa học đã chia sẻ quan điểm, trong số nhiều giải pháp đồng bộ, việc tập trung các nguồn lực để nghiên cứu vaccine là bài toán lâu dài.

Nhân viên Công ty Nanogen tiến hành các công đoạn sản xuất vaccine Nanocovax tại trụ sở ở quận 9, TP HCM, tháng 12/2020. Ảnh:Quỳnh Trần

Nhân viên Công ty Nanogen tiến hành các công đoạn sản xuất vaccine Nanocovax tại trụ sở ở quận 9, TP HCM, tháng 12/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, "vaccine là khâu quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bệnh, trước mắt và lâu dài". Ông đồng tình với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, khi chưa thể sản xuất được vaccine trong nước, cần tăng cường nhập khẩu, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine cho người dân.

Tuy nhiên, ở bước tiếp theo, để có nguồn cung vaccine ổn định, PGS Kháng cho rằng nên đẩy nhanh chuyển giao công nghệ để sản xuất trong nước. Các công ty sản xuất vaccine trong nước phải tập trung nguồn lực để sản xuất vaccine Covid-19. Trường hợp được chuyển giao công nghệ, các đơn vị này phải bắt tay ngay chuyển đổi dây chuyền sản xuất vaccine Covid-19 để có nguồn vaccine dồi dào, đạt miễn dịch cộng đồng.

"Về lâu dài, cần xây dựng đội ngũ nhà khoa học làm chủ công nghệ", PGS.TS Đinh Duy Kháng nói. Để sản xuất vaccine, hiện thế giới sử dụng 2 công nghệ chính là công nghệ mRNA và công nghệ tái tổ hợp. "Các công nghệ này hiện nay ở Việt Nam mới chỉ dừng ở góc độ tiếp nhận, chưa thể làm chủ. Nếu không làm chủ công nghệ, các công ty sẽ mất rất nhiều thời gian để tiếp nhận chuyển giao công nghệ", ông Kháng nói và đề xuất xây dựng một trung tâm nghiên cứu vaccine quốc gia. Trung tâm này chỉ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ công nghệ, tiệm cận với các công nghệ hiện đại trên thế giới. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ phải mua lại các kết quả nghiên cứu này nếu muốn kinh doanh vaccine.

Ông cho rằng, hiện nay bất cập ở Việt Nam là không có một trung tâm đủ tầm cỡ để tập trung nghiên cứu chuyên sâu về vaccine, dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất vaccine kiêm luôn khâu nghiên cứu. Khi không đầu tư để nghiên cứu bài bản, không làm chủ các công nghệ hiện đại, sẽ khó đáp ứng trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp xuất hiện.

Tại Việt Nam, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, các Bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế đã tập hợp nhà khoa học, đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu vaccine. Không chỉ các viện nghiên cứu, cả doanh nghiệp cũng nhanh chóng vào cuộc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19. Trong nước đang có bốn đơn vị đang nghiên cứu vaccine Covid-19, gồm Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen. Tất cả đều có tiến độ khả quan, dự kiến cuối năm 2021 ra mắt sản phẩm. Đã có 2/4 đơn vị kể trên có vaccine Covid-19 đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người.

PGS.TS Đồng Văn Quyền, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng tình quan điểm cần có vaccine. Ông cho rằng, một số nước khi đạt tỷ lệ tiêm chủng nhất định sẽ nới lỏng để cân bằng cả kinh tế, xã hội. "Việc cân bằng giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, an sinh xã hội... là bài toán khó lúc này. Tuy vậy, mỗi giai đoạn khác nhau, cần có chiến lược phòng và trị bệnh khác nhau", PGS Quyền nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM đồng tình, để mở cửa, việc cần làm là tiêm vaccine và xét nghiệm diện rộng. Ông cho rằng, việc huy động các nguồn lực để có vaccine đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, khi xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, không thể dùng xét nghiệm kháng nguyên nhanh mà buộc phải dùng công nghệ RT-PCR. "Xét nghiệm nhanh đối với người không có triệu chứng, mức độ chính xác khoảng 50%, sẽ không phát hiện được 50% người dương tính", ông nói.

Liên quan đến việc thành lập trung tâm nghiên cứu vaccine quốc gia, trong buổi làm việc với Bộ Y tế vào tháng 7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ xây dựng đề án thành lập Viện vaccine quốc gia, gắn với Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách, ưu đãi đối với các dự án nghiên cứu, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành y tế, đặc biệt là công nghệ sản xuất vaccine Covid-19.

Trước đó, tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hồi tháng 6, Học Viện Quân y cũng đề xuất sớm triển khai Dự án "Trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine phòng bệnh truyền nhiễm ở người" đã được Thủ tướng đồng ý tháng 12/2020.

Trung tâm này có chức năng nghiên cứu các loại mầm bệnh, phát triển, sản xuất các loại sinh phẩm để phát hiện, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh dịch nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp và thảm họa. Trung tâm cũng nghiên cứu các công nghệ nền tảng trong phát triển, chuyển giao công nghệ, sản xuất các loại vaccine phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tô Hội

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây