Nam Đàn triển khai thành công 7 mô hình lúa vụ xuân năm 2021
Thứ ba - 20/07/2021 22:572710
Nhằm triển khai các cánh đồng mẫu lớn, đưa các giống lúa mới năng suất cao, chất lượng gạo ngon vào sản xuất, vừa qua, UBND huyện Nam Đàn giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đàn phối hợp với UBND các xã triển khai cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn huyện. Cụ thể, vụ xuân 2021, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện 7 mô hình với tổng diện tích 250,537ha. Đó là, mô hình sản xuất giống lúa TH8 tại xã Thượng Tân Lộc với diện tích 40ha, mô hình sản xuất giống lúa TH8 tại xã Nam Xuân với diện tích 33,087ha. Mô hình sản xuất giống lúa DH12 tại xã Nam Lĩnh với diện tích 40ha. Mô hình sản xuất giống lúa DH12 tại xã Xuân Lâm với diện tích 35,3ha. Mô hình sản xuất giống lúa Hương Thuần 8 tại xã Nam Cát với diện tích 39,35ha. Mô hình sản xuất giống lúa VNR20 tại xã Nam Giang với diện tích 22,8ha. Mô hình sản xuất giống lúa Phú ưu 978 tại xã Nam Anh với diện tích 40ha
Giống lúa DH12 được triển khai trồng tại xã Nam Lĩnh Giống lúa thuần chất lượng cao ĐH12 là một loại giống lúa thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào năm 2019 được nghiên cứu và chọn tạo bởi phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Quang và cộng sự thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Giống đã được một số huyện gồm Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành... triển khai nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn giống lúa ĐH12 với diện tích từ 30 - 60ha, năng suất bình quân đạt 72,2 - 76,8 tạ/ha. Vụ xuân 2021, được chọn triển khai mô hình sản xuất giống lúa DH12 tại xã Nam Lĩnh với diện tích 40ha cho thấy ưu điểm vượt trội.
Giống lúa lai hai dòng mới TH8-3 (T7S-8/R3) được công nhận sản xuất thử năm 2010 là giống cảm ôn có thời gian sinh trưởng (TGST) ngắn, năng suất cao (60-80 tạ/ha), chống đổ khá, chất lượng gạo ngon. Kết quả triển khai cho thấy, giống lúa thuần TH8 đẻ nhánh khỏe, tập trung, bông dài, nhiều hạt, khả năng chống chịu sâu bệnh khá; thời gian sinh trưởng thuộc nhóm ngắn ngày, tạo thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ. Năng suất lúa trong mô hình đạt 69,5 tạ/ha, cao hơn 12,5 tạ/ha so với giống lúa đối chứng là Khang dân 18; hiệu quả kinh tế đạt 44,1 triệu đồng/ha, cao hơn 14,7 triệu đồng/ha so với giống lúa đối chứng. Bà con nông dân đề nghị ngành chức năng có cơ chế hỗ trợ để mở rộng diện tích cấy giống lúa thuần TH8 trong những năm tiếp theo.
Giống lúa thuần VNR20 là sản phẩm bản quyền của Vinaseed. Đây là giống lúa thuần chất lượng, tiềm năng năng suất cao (năng suất trung bình đạt 70-75 tạ/ha, thâm canh đạt 85-90 tạ/ha). Thời gian sinh trưởng vụ xuân khoảng 125-130 ngày, vụ mùa khoảng 100-105 ngày. Đặc biệt, đây là giống cảm ôn nên gieo cấy được cả 2 vụ xuân và mùa. Thời vụ gieo cấy tùy theo lịch thời vụ của mỗi địa phương. Khi đưa vào gieo cấy vụ mùa tại xã Nam Giang, giống VNR20 đã thể hiện được nhiều ưu điểm. So với giống đối chứng là khang dân, giống VNR20 có thời gian sinh trưởng tương đương; kiểu hình cây gọn, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt; chống chịu tốt với các loài sâu bệnh hại; năng suất cao; hạt gạo trong; cơm trắng, mềm, ngon nên đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Phú ưu 978 là giống lúa cảm ôn có thể gieo cấy cả 2 vụ. Thời gian sinh trưởng vụ xuân 125-130 ngày; vụ mùa 110-115 ngày. Đây là giống lúa có khả năng thích ứng trên nhiều chân đất khác nhau, chịu rét khá, đẻ nhánh khoẻ, tập trung, tỷ lệ bông hữu hiệu cao. Cây cao trung bình 100-110cm, lá có màu xanh hơi đậm, góc lá hẹp. Bông dài, chất lượng gạo ngon. Năng suất trung bình 65-70 tạ/ha; thâm canh có thể đạt 75-80 tạ/ha. Phú ưu 978 có khả năng chống chịu được bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá lúa, bệnh đạo ôn khá. Kết quả triển khai mô hình cho thấy, giống lúa lai Phú Ưu 978 là giống có triển vọng trên đồng đất Nam Anh nói riêng và Nam Đàn nói chung: thời gian sinh trưởng ngắn, tiềm năng, năng suất cao, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện cach tác của địa phương. Tham gia thực hiện mô hình, các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí triển khai, bao gồm giống, phân bón, vôi bột và thuốc BVTV. Quá trình triển khai, bà con được hỗ trợ từ cán bộ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nam Đàn, trong suốt quá trình thực hiện cán bộ chỉ đạo luôn theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời cho bà con nông dân. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã tổ chức 21 lớp tập huấn cho các hộ tham gia mô hình về quy trình kỹ thuật sản xuất các giống lúa mới, trong đó có 7 lớp về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cho cây lúa. Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nam Đàn trực tiếp chỉ đạo bà con nông dân ra giống đúng lịch thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và phát hiện, phòng trừ sâu bệnh kịp thời có hiệu quả.
Kết quả triển khai cho thấy, các giống lúa đem vào thực hiện mô hình có những ưu điểm hơn hẳn các giống khác sản xuất trên địa bàn như khả năng chống chịu sâu bệnh, khả năng chống đổ ngã, khả năng thích ứng, chịu thâm canh…Ví dụ như giữa vụ, bệnh đạo ôn lá gây hại mạnh trên các giống TBR225, Thái Xuyên 111, DT10…nhưng các giống đưa vào thực hiên mô hình xuất hiện rất ít, thậm chí có các giống như VNR20, TH8, Phú ưu 978 không có đạo ôn lá. Các bệnh khác như bạc lá vi khuẩn, sâu đục thân, sâu cuốn lá cũng xuất hiện rất ít, mật độ thấp. Ngày 27/4 vừa qua, do ảnh hưởng của mưa to, gió lớn rất nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện bị đỗ ngã. Tuy nhiên, tất cả các mô hình các giống đều cứng cây, bộ rễ khỏe nên không ruộng nào bị đổ. Để đánh giá kết quả thực hiện các mô hình, ngày 5/5/2021. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng Nông nghiệp &PTNT đã nghiệm thu và đánh giá hiệu quả của các mô hình. Đoàn nghiệm thu đánh giá, tất cả các mô hình đều rất đẹp, ít sâu bệnh, cứng cây, chống đổ tốt, năng suất ước đạt từ 3,0-3,5 tạ/sào. Hy vọng đây sẽ là tiền đề để Nam Đàn tiếp tục triển khai thực hiện thành công các mô hình trong giai đoạn tiếp theo nhằm đem lại năng suất cao, nâng cao hiệu quả kinh tế tăng thu nhập và tạo niềm tin cho bà con nông dân khi tham gia các mô hình áp dụng các giống lúa mới. Trần Mạnh Hồng