Ethephon là một hoạt chất có tác dụng thúc đẩy quá trình trái cây chín nhanh tuy nhiên nếu sử dụng chất này không rõ nguồn gốc, không đúng định lượng sẽ gây ra nhiều tác hại.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chất làm chín trái cây được bày bán tràn lan, từ những ống thuốc đựng hóa chất nhỏ bằng ngón tay út, đến những bình ống to được bày bán rất nhiều. Tuy nhiên những chất này không hề có nguồn gốc xuất sứ ở đâu. Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng lo ngại về nguồn gốc thuốc làm chín trái cây cũng như về loại hoa quả đang được bày bán trên thị trường.
Một trong những chất làm chín trái cây phổ biến nhất hiện nay chính là Ethephon. Đây là một hoạt chất có tác dụng thúc đẩy quá trình chín nhanh của trái cây, chống rụng lá.
Ethephon là chất điều hoà sinh trưởng thực vật thuộc nhóm phosphonate – có tác dụng kích thích sự rụng lá và phóng thích etylen. Etylen là hormon nội sinh của thực vật, từ sự hình thành của etylen sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quá trình hoạt động của thực vật.
Nói tới hoạt chất trên, trước đó tại tọa đàm khoa học về Ethephon do Hiệp hội DN Nông nghiệp Trang trại Nông thôn Việt Nam và Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức, các chuyên gia cho rằng, hoạt chất Ethephon không độc hại như mọi người nghĩ. Trong quá trình bảo quản, lưu thông, hoạt chất Ethephon trong trái cây sẽ bốc hơi chứ không còn tồn dư như người dùng lo ngại. Chính vì vậy khi sử dụng Ethephon đối với trái cây cần sử dụng đúng nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất.
Sử dụng hóa chất thúc chín trái cây không đúng liều lượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Cách đây 20 năm từng có một Hội đồng khoa học đánh giá chất Ethephon, và thống nhất đưa nó vào nhóm chất điều hòa sinh trưởng, có dinh dưỡng chứ hoàn toàn không phải là thuốc bảo vệ thực vật. Bản thân chất này được thế giới sử dụng phổ biến trong trồng trọt, có tác dụng điều hòa sinh trưởng cây trồng, thúc hoa quả chín nhanh, chín đều chứ không phải độc hại.
Tương tự, theo TS Nguyễn Văn Chung, Trưởng Khoa khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, về nguyên tắc, có một số chất làm chín trái cây được phép sử dụng, dùng đúng kỹ thuật, đúng liều lượng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp người bán sử dụng những loại hóa chất trôi nổi, không rõ đảm bảo chất lượng để ngâm trái cây điều này sẽ có nguy cơ gây ngộ độc cao cho người dùng.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Ethephon không phải là một chất “cực độc” hay “cực nguy hiểm” nhưng lại có những độc tính nhất định. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy liều gây chết dùng qua đường ăn uống là LD50 > 2.000mg/kg. Nghĩa là với liều lượng Ethephon 2.000mg/kg có thể tiêu diệt 50% các loài động vật thử nghiệm trong một thời gian nhất định (thường là 4 giờ). Ethephon có hại đối với da và mắt, rất dễ kích ứng làm đỏ mắt, xót mắt, ăn mòn da, gây sưng, đỏ da.
Nhiều chuyên gia lo lắng, ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng chất vào hoa quả này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, hoạt chất này còn có tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat – một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3. Trong khi đó, nhiều nông dân sử dụng hóa chất tràn lan theo kiểu “truyền miệng” như hiện nay, chỉ cốt cho quả chín mà không hề biết đến hàm lượng an toàn.
Thực tế, thông tin từ Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, trên thị trường không chỉ có Ethephon còn khá nhiều hóa chất xử lý trái chín có nguồn gốc Trung Quốc hoặc một số hãng của nước ngoài trôi nổi, không kiểm soát. Các thuốc này đều lấy tên khác nhau như “Hoa quả thúc chín tố” (Trung Quốc), “Trái chín” (Việt Nam),…
Ngoài ra, nông dân vẫn dùng đất đèn ủ chín trái cây. Trong đất đèn có chứa arsenic và phosphorus độc, khi gặp nước tạo mùi hôi khó chịu, dễ cháy, nổ. Đất đèn cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nhức đầu, chóng mặt… Bên cạnh đó, nông dân còn sử dụng hoá chất, các thuốc bảo vệ thực vật để chống côn trùng, vi khuẩn, nấm mốc giữ trái cây lâu hư, có thể giữ nhiều tháng, thậm chí cả năm.
An Dương (T/h)
Ý kiến bạn đọc