Để nâng cao hiệu quả công tác tiêu chuẩn hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Quốc gia, đồng thời đưa tiêu chuẩn trở nên gần gũi với cuộc sống, ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ Trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.
Kể từ khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 được ban hành, hệ thống Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) không ngừng được phát triển, hoàn thiện, tạo cơ sở khoa học kỹ thuật đáng tin cậy phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo duy trì các chuẩn mực trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Nhằm đưa đến cho độc giả kiến thức, cũng như khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn hóa, phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khôi- Vụ Trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng Cục TCĐLCL, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Ông Nguyễn Văn Khôi- Vụ Trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng Cục TCĐLCL, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Thưa ông, thời gian qua, hoạt động xây dựng, thẩm định ban hành TCVN, QCVN đã đạt được những kết quả nổi bật như thế nào? Hoạt động này có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của ngành và rộng hơn là đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội?
Tính đến nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.000 TCVN với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực là trên 60%, bao trùm hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.
Theo định hướng của Chính phủ, hệ thống TCVN được phát triển theo hướng ưu tiên hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến (ISO, IEC, ITU, Codex, AOAC, EN, ASTM, JIS, BS…); góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường quốc tế của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Trong một số lĩnh vực có thế mạnh xuất khẩu (sản phẩm điện, điện tử, thủy sản, thép, dệt may, sản phẩm gỗ….) hàng hóa sản xuất theo TCVN có chất lượng hoàn toàn tương đương với chuẩn mực quốc tế, được thị trường nước ngoài chấp nhận.
Cùng với đó, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật với hơn 800 QCVN và 30 quy chuẩn địa phương (QCĐP) ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế là một công cụ quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia (ô tô, mô tô, xe máy, sắt thép, nhiên liệu sinh học, an toàn an ninh mạng, an toàn thực phẩm, nước sinh hoạt, kiểm soát ô nhiễm môi trường…), đây là những vấn đề nóng được nhà nước, xã hội, người dân quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tiêu chuẩn hóa phải đối mặt với khó khăn, thách thức ra sao, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp như hiện nay?
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tiêu chuẩn hóa. nhiều dự án xây dựng TCVN đã được phê duyệt nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, khảo sát thực tiễn tại các địa phương do quy định giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, các cuộc họp ban kỹ thuật, hội nghị, hội thảo chuyên đề, họp hội đồng thẩm định cũng bị hạn chế tối đa vì vướng quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, với sự chủ động và nỗ lực, đội ngũ chuyên gia, các nhà quản lý và doanh nghiệp liên quan đã cùng nhau vượt qua khó khăn, sáng tạo ra nhiều giải pháp xử lý, tăng cường các hoạt động trực tuyến, đảm bảo tiến độ xây dựng, chất lượng dự thảo TCVN trình Bộ KH&CN xem xét, công bố, đặc biệt là đã kịp thời công bố các TCVN về trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19.
Bài viết ghi nhận thành công của Việt Nam trong áp dụng ISO 9001 được đăng trên trang của tổ chức ISO.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiêu chuẩn hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống TCVN, đồng thời đưa tiêu chuẩn trở nên gần gũi với cuộc sống trong thời gian tới, ông có đề xuất kiến nghị hoặc giải pháp như thế nào?
Với vai trò tham mưu Lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL về xây dựng, triển khai hiệu quả chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tôi xin đề xuất một số kiến nghị, cụ thể như sau:
Sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trong đó tập trung điều chỉnh, sửa đổi các quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bổ sung quy định phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết thời gian qua (CPTPP, EVFTA, RCEP…);
Xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng tiêu chuẩn tiên tiến, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và Liên hiệp quốc;
Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế tài chính cụ thể hơn để thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn chặt với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm;
Đồng thời đổi mới tổ chức, hoạt động Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, cải tiến quy trình xây dựng, thẩm định, công bố TCVN. Tăng cường áp dụng các công cụ, giải pháp công nghệ thông tin vào hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo VietQ
Ý kiến bạn đọc