Thực phẩm bẩn là một khái niệm cũ nhưng dường như chưa bao giờ hết mới, bởi cứ đến đợt cao điểm lễ, Tết là chúng ta lại cảm thấy hoang mang với hàng loạt những thông tin cơ quan chức năng thu giữ, tiêu hủy thực phẩm bẩn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Nỗi lo thực phẩm bẩn vẫn hiện hữu
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hầu hết các hàng quán tại TP Hà Nội đã được mở cửa để người dân ăn tại chỗ, đảm bảo thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Thời điểm này nhiều đơn vị, tổ chức khai xuân, gặp mặt đầu năm, hoặc nhiều người xem đầu năm là dịp gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp. Đồng thời, nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành trong cả nước đã cho học sinh trở lại trường học.
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn nhiều loại thực phẩm “bẩn” trà trộn vào các nhà hàng, hàng quán ven đường, gây hệ lụy về sức khỏe cho người dùng.
Mới đây, Tổ công tác của Đội 4, Phòng Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP.Hà Nội) đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 29H-787.77 khi đang dừng đỗ trước số nhà 7 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
Cơ quan chức năng thu giữ số lượng lớn nầm lợn, trứng non, lườn vịt… đông lạnh, không có nguồn gốc xuất xứ.
Qua kiểm đếm bước đầu, trên xe chở 98 bao tải gồm nầm lợn, trứng non, lườn vịt… do nước ngoài sản xuất. Tổng số hàng hóa khoảng 4,9 tấn gồm: 1 tấn trứng non, 2 tấn nầm lợn, 1,5 tấn lườn vịt, 2 tạ thịt viên…
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1987 ở tổ 5, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa đồng thời khai nhận chở số hàng trên từ Lào Cai về Hà Nội, đang chờ người đến lấy đi tiêu thụ tại các nhà hàng.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm bẩn. Trước đó, hàng loạt vụ vi phạm cũng được cơ quan chức năng bắt giữ và tiêu hủy.
Mặc dù biết là có hại cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng các đối tượng vẫn cố tình buôn lậu mặt hàng này vì lợi nhuận cao. Nhiều đối tượng vi phạm thừa nhận đã thu mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc với giá rẻ, sau đó “làm sạch” lại bằng cách sử dụng hóa chất, rồi bán cho các nhà hàng để kiếm lời. Các đối tượng rất tinh vi, với nhiều thủ đoạn khác nhau, thường vận chuyển hàng hóa vào đêm khuya hoặc sáng sớm, tránh sự chú ý của cơ quan chức năng.
Không nhân nhượng với vi phạm
Có thể nói, thực phẩm bẩn rất dễ xâm nhập bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán xá bình dân. Nếu người dùng không cẩn trọng sẽ phải gánh hậu quả.
Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã được tăng cường. Nhờ đó, nhiều cơ sở đã có chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn khiến người tiêu dùng lo lắng, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, siết chặt công tác quản lý hơn nữa để ngăn chặn thực phẩm bẩn một cách triệt để.
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các tỉnh cần thành lập các đoàn kiểm tra ở cả 3 cấp để triển khai công tác thanh, kiểm tra các nhóm sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội. Cần đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các làng nghề, cơ sở sản xuất, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ nghiêm quy định về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn. Không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm.
Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm ở các cửa hàng uy tín, ưu tiên các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và chỉ nên sử dụng các sản phẩm được chứng nhận an toàn, đã được kiểm định; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc.
Để công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thì cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm. Cùng với đó, cần cung cấp thông tin về các cơ sở đạt và không đạt về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.
Ý kiến bạn đọc