Các qui định nhập khẩu gạo vào thị trường Bắc Âu

Thứ ba - 07/06/2022 05:13 0

Các nước Bắc Âu là các nước không trồng lúa gạo. Do vậy, các nước này phải nhập khẩu hoàn toàn gạo cho tiêu dùng và sản xuất. Trong năm 2020, các nước Bắc Âu nhập khẩu 147.718 tấn gạo, trị giá 186,52 triệu USD, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 5,8 triệu USD, tương đương với 7.353 tấn, với giá trung bình là 740 USD/tấn. Hiện nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu gạo xay xát sang khu vực Bắc Âu. Tuy kim ngạch xuất khẩu chưa phải là nhiều, chỉ chiếm 3,1% thị phần nhập khẩu tại Bắc Âu, nhưng với tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, trung bình 54%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như dần có vị trí vững chắc tại thị trường gạo khu vực Bắc Âu, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Giang giới thiệu một số quy định nhập khẩu gạo vào thị trường Bắc Âu.

Tất cả các loại thực phẩm, bao gồm gạo, được bán tại Liên minh Châu Âu (EU) phải tuân thủ theo Luật Thực phẩm châu Âu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các qui định về chất phụ gia, chất ô nhiễm, giới hạn đối với mức độ tồn dư thuốc trừ sâu và độc tố nấm phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Các yêu cầu phổ biến nhất liên quan đến chất gây ô nhiễm liên quan đến sự hiện diện của độc tố nấm mốc, dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh vật và kim loại nặng. Ngoài ra, nông sản, thực phẩm vào EU phải tuân thủ các qui định liên quan đến bao gói, nhãn mác và nhiều qui định khác.

  1. Thuế

Hiện nay, thuế ngoài hạn ngạch EU (trong đó có Thụy Điển và Đan Mạch) áp lên gạo Việt Nam là 175 Euro/tấn với gạo xay xát, 65 Euro/tấn với gạo tấm và 211 Euro/tấn với thóc.

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó quy định cụ thể điều kiện đối với các loại gạo được hưởng ưu đãi. Cam kết cụ thể như sau:

EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn, với thuế trong hạn ngạch là 0%;

Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm;

Sản phẩm từ gạo: xóa bỏ thuế trong 3-5 năm.

Tại Na Uy, gạo nằm trong nhóm thuế thấp hoặc không thuế. Các mặt hàng nằm trong nhóm này thường là các mặt hàng Na Uy không sản xuất. Các mặt hàng trong nhóm này thường bị áp hạn ngạch thuế quan.

  1. Hạn ngạch

EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn, với thuế trong hạn ngạch là 0%.

Các lô hàng gạo đáp ứng quy định hạn ngạch này cần đi kèm giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các loại gạo được nêu trong bảng hạn ngạch của EU.

Về cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo trong Hiệp định EVFTA đầu mối phía EU là đơn vị G.4 (Cây trồng và dầu ô liu) thuộc Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Arable Cops and Olive Oil, DG Agriculture and Rural Development).

Các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ theo quy định thực thi của EU về việc mở và tiếp nhận TRQ nhập khẩu cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ cần xin cấp giấy phép nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên và phải nộp số tiền bảo đảm là 30 Euro/tấn tại thời điểm nộp đơn xin cấp giấy phép.

Trong trường hợp số lượng đăng ký vượt quá số lượng có sẵn theo TRQ cho giai đoạn, EU sẽ cố định một hệ số phân bổ.

Việc mở và tiếp nhận TRQ đối với gạo có xuất xứ từ Việt Nam được qui định tại Quy định thực thi (EU) 2020/991 .

Các lô hàng gạo thơm thuộc diện TRQ khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được hưởng ưu đãi theo TRQ của Hiệp định.

Gạo thơm phải thuộc một trong số các loại sau:

  • Hoa nhài 85
  • ST 5, ST 20
  • Nàng Hoa 9
  • VD 20
  • RVT
  • OM 4900
  • OM 5451
  • Tài Nguyên Chợ Đào

Gạo nhập khẩu vào EU theo cơ chế TRQ sẽ được phân bổ theo cơ chế “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước” (first-come, first-served), dựa vào ngày mà đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan của EU chấp thuận.

Tại Na Uy, gạo nằm trong nhóm thuế thấp hoặc không thuế. Các mặt hàng nằm trong nhóm này thường là các mặt hàng Na Uy không sản xuất. Các mặt hàng trong nhóm này thường bị áp hạn ngạch thuế quan. Việc cấp hạn ngạch thuế quan thông qua nhiều hình thức. Một số hạn ngạch áp dụng cho tất cả các nước, trong khi một số chỉ dành cho các nước có thoả thuận thương mại song phương hoặc khu vực, một số hạn ngạch ưu đãi thuế dành cho các nước đang phát triển trong chương trình GSP. Hạn ngạch thuế quan cũng có thể được cấp thông qua đấu giá, nộp đơn xin, hoặc theo nguyên tắc ưu tiên những người yêu cầu trước (first come, first served basic).

  1. Tiêu chuẩn sản phẩm

3.1. An toàn thực phẩm: truy xuất nguồn gốc, vệ sinh và kiểm soát

Yêu cầu quan trọng nhất đối với gạo là đảm bảo an toàn cho tiêu dùng. An toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc cần được ưu tiên hàng đầu. Việc không tuân thủ có thể dẫn đến việc nhập khẩu tạm thời bị ngừng hoặc phải kiểm tra chặt chẽ hơn đối với quốc gia xuất xứ. Là nhà cung cấp, cần đảm bảo làm việc theo các hướng dẫn của Phân tích mối nguy và Điểm kiểm soát tới hạn (HACCP).

Để đảm bảo gạo phù hợp với thị trường châu Âu, cần phải kiểm tra hàm lượng thuốc trừ sâu, chất gây ô nhiễm và vi sinh vật. Ví dụ, ô nhiễm thạch tín đã trở thành mối quan tâm nghiêm trọng ở Liên minh châu Âu (EU), dẫn đến việc đưa ra quy định chặt chẽ hơn vào năm 2016.

Giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu tối đa (MRL) là yêu cầu quan trọng đối với thực phẩm, trong đó có gạo để có thể xuất khẩu gạo vào thị trường châu Âu. Châu Âu là một trong những thị trường nghiêm ngặt nhất về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thông tin về giới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với thuốc trừ sâu có thể được sử dụng trên lúa tại Cơ sở dữ liệu thuốc trừ sâu của EU. Sử dụng thuật ngữ gạo, lúa gạo (mã số 0500060) hoặc loại thuốc trừ sâu làm thuật ngữ tìm kiếm tương ứng cho gạo. Trong vài năm qua, giới hạn dư lượng một số hóa chất đối với gạo đã được giảm xuống, chẳng hạn như Tricyclazole từ 1mg/kg xuống 0,01mg/kg vào năm 2017 và Buprofezin từ 0,5mg/kg xuống 0,01mg/kg vào năm 2019. Ngoài ra, các yêu cầu MRL đối với gạo hữu cơ và gạo được sử dụng trong thực phẩm trẻ em có yêu cầu rất nghiêm ngặt.

Việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc đối với tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Các nhà kinh doanh thực phẩm phải có khả năng truy xuất nguồn gốc gạo thông qua tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối. Các giải pháp sáng tạo mới có thể giúp giải quyết vấn đề này. Ví dụ, Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại (TPSO) tại Thái Lan đã thông báo rằng họ sẽ sử dụng công nghệ blockchain để đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm nông nghiệp, bắt đầu từ gạo hữu cơ.

3.2. Yêu cầu chất lượng

Gạo, bao gồm cả gạo đặc sản, được chia thành gạo hạt ngắn, trung bình và dài, tùy thuộc vào kích thước hạt và tỷ lệ chiều dài/chiều rộng.

FAO Codex Alimentarius có Tiêu chuẩn về gạo (2019) áp dụng cho gạo lứt, gạo xay xát, và gạo đồ dùng làm thức ăn cho người và mô tả một số yêu cầu chất lượng tối thiểu. Tiêu chuẩn này có thể được sử dụng làm hướng dẫn cho thị trường Châu Âu. Nó quy định rằng, gạo phải an toàn và phù hợp để làm thực phẩm cho con người và không có mùi, vị bất thường, côn trùng sống.

Việc xay xát lúa gạo sau thu hoạch luôn dẫn đến một số hạt bị vỡ; tỷ lệ hạt gãy càng cao thì giá càng giảm do chất lượng bị coi là kém hơn. Tính nguyên vẹn của hạt gạo được xác định theo các thuật ngữ khác nhau như được nêu trong dưới đây. Thông thường đối với gạo có một tỷ lệ nhất định của hạt bị vỡ; ví dụ: “Gạo 5%” cho biết 5% các hạt bị hỏng.

Quy định số 1308/2013 của Ủy ban châu Âu cũng đưa ra tiêu chuẩn cho lúa gạo, cụ thể:

  • Có chất lượng tốt, không có mùi;
  • Chứa độ ẩm tối đa 13%;
  • Có lượng gạo xát nguyên hạt 63% trọng lượng (với tỷ lệ hạt lép 3%), trong đó tỷ lệ phần trăm trọng lượng của gạo xay không có chất lượng được qui định trong bảng
  1. Bao gói, nhãn mác

Gạo xuất khẩu sang Bắc Âu phải tuân thủ việc ghi nhãn mác nhãn theo tiêu chuẩn châu Âu

Các thông tin sau đây phải có trên nhãn của gạo đóng gói sẵn. Về gạo xuất khẩu với số lượng lớn, một phần của thông tin này có thể được cung cấp trong các tài liệu thương mại:

  • Tên sản phẩm chính thức;
  • Tình trạng thể chất hoặc xử lý;
  • Danh sách các thành phần và chất gây dị ứng;
  • Loại, cỡ (mã), số lô, khối lượng tịnh theo đơn vị mét khối;
  • Tuyên bố rằng sản phẩm được dành cho người tiêu dùng;
  • Thời hạn sử dụng;
  • Hướng dẫn hoặc các điều kiện đặc biệt để bảo quản hoặc sử dụng;
  • Nơi xuất xứ;
  • Tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu được thành lập tại EU;
  • Tên và địa chỉ của người xuất khẩu;
  • Đánh dấu lô trên thực phẩm đóng gói sẵn (để đảm bảo truy xuất nguồn gốc của từng lô riêng lẻ).

Ngoài ra, nhãn phải bao gồm bất kỳ biểu tượng chứng nhận nào (nếu có) và/hoặc biểu tượng của nhà bán lẻ (trong trường hợp sản phẩm tiếp thị dưới nhãn hiệu riêng).

Nhãn đa ngôn ngữ thường được sử dụng trên bao bì của người tiêu dùng, nhưng ngôn ngữ của các nước nhập khẩu bắt buộc phải có.

Có thể sử dụng bao tải nhựa dệt bằng PP hoặc HDPE, tiết kiệm chi phí và có lớp PE phù hợp giúp bảo vệ tốt ở độ ẩm cao. Việc sử dụng bao tải giấy nhiều lớp phổ biến hơn đối với gạo hữu cơ, đôi khi có lớp lót PE bên trong làm màng chắn ẩm. Bao đay là hình thức đóng gói gạo truyền thống nhất, nhưng càng ngày càng ít được sử dụng.

Đối với gạo đặc sản như gạo thơm hoặc gạo lứt, bao bì LDPE có thể giúp lưu giữ hương thơm và mùi vị. Bao bì này thường được sử dụng để bán lẻ.

Bao bì gạo phải phù hợp để bảo vệ sản phẩm và tuân thủ Quy định (EC) số 1935/2004 về các vật liệu và vật phẩm dự kiến ​​tiếp xúc với thực phẩm.

  1. Các qui định khác

5.1 Qui tắc xuất xứ đối với gạo và các sản phẩm gạo trong EVFTA

Để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo EVFTA gạo phải có xuất xứ thuần túy;

Nguyên liệu là gạo dùng trong sản xuất thực phẩm phải có xuất xứ thuần túy;

Các chế phẩm từ gạo: không tái sản xuất từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra, và tổng trọng lượng nguyên liệu gạo ≤ 20% trọng lượng sản phẩm.

5.2 Thực phẩm biến đổi gen

Liên minh châu Âu (EU) có chính sách không khoan nhượng đối với các sinh vật biến đổi gen (GMO) chưa được EU chấp thuận. Ngoài gạo vàng, không có giống lúa biến đổi gen nào được biết đến.

Nếu các giống lúa biến đổi gen được áp dụng ở các nước xuất khẩu gạo sang EU, Liên đoàn Các nhà xay xát gạo châu Âu (FERM) cảnh báo rằng chính sách không khoan nhượng của EU sẽ tạo ra những vấn đề đáng kể đối với nguồn cung gạo và phá vỡ ngành công nghiệp gạo châu Âu.

  1. Yêu cầu bổ sung của người mua hàng

6.1 Sở thích của người mua

Người mua gạo ở châu Âu có thể có những sở thích khác nhau liên quan đến chất lượng và đặc tính cụ thể của gạo.

6.2 Chứng nhận như một sự đảm bảo

Vì an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực thực phẩm của châu Âu, do vậy, hầu hết người mua sẽ yêu cầu đảm bảo thêm dưới hình thức chứng nhận.

6.3 Chứng nhận hữu cơ

Để tiếp thị các sản phẩm hữu cơ ở Châu Âu, cần sử dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ theo quy định của pháp luật châu Âu và xin giấy chứng nhận hữu cơ tại các tổ chức được công nhận.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây