Tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Thứ sáu - 29/05/2020 21:27 0

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP ) luôn được xem là vấn đề nóng diễn ra hàng ngày, hàng giờ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Vì vậy, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc hết sức quyết liệt, tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm giảm thiểu nguy cơ về VSATTP. Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm quản lý của Nhà nước, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng luôn nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

          Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo sự  chuyển biến tích cực. Trách nhiệm của chính quyền các cấp và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm được nâng cao. Những vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội đã được kiểm soát, giảm cả số lượng, mức độ và hiện tượng. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn nhiều. Thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất chế biến không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến. Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ với nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn còn khó khăn. Thực phẩm lậu, thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn vẫn còn nhiều. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý.

          Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm ATTP, ngày 13/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg. Trong đó, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP; tăng cường công tác hậu thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường công tác thông tin, truyền thông về ATTP; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP.

          Ở Nghệ An, thời gian qua, công tác quản lý ATTP luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ban, ngành và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, trong quý I/2020, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP cho 359 cơ sở; cấp giấy xác nhận kiến thức cho 1.318 cá nhân, tổ chức; tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm cho 34 sản phẩm; ký cam kết bảo đảm ATTP cho 804 cơ sở; thẩm định và giám sát 2 cuộc quảng cáo. Công tác tổ chức vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo VSATTP được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tập huấn, hội thảo, băng rôn, khẩu hiệu, tranh ảnh... Các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra 6.176 cơ sở, trong đó có 5.332 cơ sở đạt và 844 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 187 cơ sở với tổng số tiền phạt là 492.575.000 đồng.

 

Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh, ngày 31/3/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch 175/KH-UBND triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2020, với chủ đề: "Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm". Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đảm bảo an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn… Cùng với đó, các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng lậu, hàng nhái. Việc tổ chức Tháng hành động vì ATTP với các hoạt động truyền thông, thanh, kiểm tra với mục đích nâng cao ý thức, nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. Đồng thời, tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý cấp huyện, xã, các tổ chức xã hội, các đoàn thể và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và quảng cáo thực phẩm... thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2020, 2 Đoàn thanh tra liên ngành đã chủ động tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Tháng hành động năm nay trùng với thời điểm dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên công tác kiểm tra không thể thực hiện thường xuyên. Từ ngày 15/4 - 11/5, Đoàn đã tiến hành kiểm tra 11 cơ sở được phép mở cửa trong thời điểm dịch COVID-19 như cửa hàng tạp hóa, cửa hàng cung cấp thực phẩm… Trong đó, chủ yếu là hướng dẫn tuyên truyền các cơ sở thực hiện đúng và nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATTP. Từ nay cho đến khi kết thúc Tháng hành động vì ATTP tiếp tục thực hiện công tác thanh, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp vi phạm./.

                                                                           Chế Thị Oanh

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây