An toàn thực phẩm (ATTP) đang luôn là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cao hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, yêu cầu đặt ra là tiếp tục nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, kiểm soát ATTP.
Tính đến tháng 10/2019, Nghệ An có gần 35.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Trong đó, 3.519 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 18.133 cơ sở ký cam kết bảo đảm ATTP; 29.629 cá nhân được xác nhận kiến thức về ATTP; 228 sản phẩm công bố phù hợp quy định ATTP; 98 sản phẩm công bố hợp quy và 235 sản phẩm tự công bố. Dù chiếm tỉ lệ thấp nhưng nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn đã chấp hành tương đối đầy đủ các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP. Về phía các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, phần lớn chưa thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về ATTP hoặc chưa được quản lý.
Thực tế thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, mất ATTP vẫn xảy ra và là nỗi lo thường trực của người dân. Tình trạng mất ATTP, nguyên nhân một phần là do quản lý chồng chéo nhưng lại bỏ sót cơ sở, việc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, kiểm soát ATTP là rất cần thiết và cần thực hiện với quyết tâm cao. Xuất phát từ thực tế trên, UBND tỉnh đã thông qua Đề án "Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025". Mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường, thị trấn đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm kiểm soát tốt hơn, toàn diện hơn chất lượng ATTP phù hợp với các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Ngoài các đề án, kế hoạch mang tính dài hơi như trên, công tác ATTP cũng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo gắn với từng yêu cầu, nhiệm vụ trong những giai đoạn mang tính cao điểm. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 711 về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020 trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 20/12/2019 đến 25/3/2020 trên phạm vi toàn tỉnh.
Hoạt động truyền thông, các cơ quan truyền thông tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng ATTP, trao đổi sâu rộng giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật; kịp thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo đảm ATTP; tuyên truyền rộng rãi và tích cực cổ vũ các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2020, các cơ quan tập trung tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, quảng bá các sản phẩm thực phẩm truyền thống các địa phương trên tỉnh… Bên cạnh đó, huy động các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến xã, đa dạng hóa các hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các nội dung của Luật ATTP, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định điều kiện ATTP và kiến thức về ATTP. Qua đó, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong dịp trước, trong và sau Tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân 2020.
Hoạt động thanh, kiểm tra liên ngành, UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến xã; trong đó kết hợp thanh, kiểm tra mới với hậu kiểm kết quả thanh, kiểm tra trước đó đã thực hiện. Liên quan đến hoạt động giám sát, Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã thành lập đoàn giám sát ATTP tại các cơ sở thực phẩm ăn ngay, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố phục vụ Lễ hội Xuân 2020. Cùng với đó, tiến hành mua mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm đối với các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các lễ hội như thịt, bia rượu, nước uống có cồn, phụ gia thực phẩm, rau củ quả… Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nhằm góp phần đảm bảo người dân đón Tết, vui Xuân an toàn, lành mạnh./.
.
Chế Thị Oanh
Ý kiến bạn đọc