Mô hình xen canh lạc với mía tăng thêm thu nhập gần 20 triệu đồng/ ha

Thứ ba - 29/06/2021 22:26 0

Cây mía đã và đang đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Tuy nhiên, chỉ độc canh cây mía làm cho diện tích trồng mía chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, và việc trồng mía trong thời gian dài đã khiến cho đất trở nên cằn cỗi làm giảm năng suất cũng như chất lượng của cây mía.
Giải quyết vấn đề này, với mục tiêu bảo đảm phát triển bền vững các vùng nguyên liệu của tỉnh Nghệ An.  Đầu năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã giao cho Hội đồng khoa học và công nghệ huyện Quỳ Hợp thực hiện nhiệm vụ mô hình: “Trồng xen cây họ đậu trong ruộng mía trồng mới tại địa bàn huyện Quỳ Hợp”. Mô hình được sự phối hợp của Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện và Trung tâm DVNN huyện Quỳ Hợp tổ chức triển khai thực hiện tại Xóm Đại Thành - xã Văn Lợi với quy mô 4ha và 5 hộ tham gia mô hình.
Tham gia thực hiện mô hình các hộ dân được hỗ trợ 100% giống Lạc, một phần giống mía, phân bón, thuốc BVTV... Các hộ dân đã được hướng dẫn quy trình, kỹ năng từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch.
Sau hơn 3 tháng trồng Lạc, đoàn nghiệm thu cùng các hộ dân tiến hành tham quan đánh giá kết quả năng suất Lạc L27 thu được 1,5 tấn/ha.  Ngoài giá trị kinh tế từ cây mía đến cuối năm mới có kết quả, với giá Lạc 30.000đ/kg thì người dân còn có nguồn thu thêm khoảng 45 triệu đồng/ha/vụ  đối với cây lạc được trồng xen canh, trừ chi phí còn lãi khoảng gần 20 triệu đồng/ha/vụ.
Đoàn tham quan đánh giá mô hình Lạc xen Mía
Trên diện tích đất đồi được thực hiện xen canh mía với Lạc thì ngoài việc giữ nguyên giá trị từ cây mía, người nông dân phấn khởi hơn nữa khi diện tích Lạc được trồng xen canh không những làm cho đất tơi xốp và màu mỡ trở lại mà còn giữ được độ ẩm ruộng mía và hạn chế cỏ dại, tăng thêm  nguồn thu nhập cho người nông dân lấy ngắn nuôi dài.
Đ/c Trịnh Hữu Hiển- PGĐ phụ trách Trung tâm DVNN huyện Quỳ Hợp
đang đánh giá hiệu quả Mô hình Lạc xen Mía.
          Kết quả từ thực tế cho thấy, tuy mới được thực hiện với quy mô nhỏ, song mô hình thực sự đã mở ra hướng mới cho bà con trồng mía trong việc nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Và điều quan trọng hơn, mô hình còn giúp dần thay đổi nhận thức độc canh truyền thống của nông dân.
                                                                                  Lê Ngọc
                                                             Trung tâm DVNN huyện Quỳ Hợp

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây