Hiệu quả từ mô hình nuôi gà đẻ huyện Quỳ Châu.
Sau khi tìm hiểu tập tính chăn nuôi gà cũng như thị trường tiêu thụ trên địa bàn, anh Lê Anh Tuấn ở Thị Trấn Quỳ Châu, huyện Quỳ Châu đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi gà đẻ với quy mô lên tới gần 1.000 con đem lại thu nhập cao, trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia trại ngay tại địa phương.
Trước khi nuôi gà đẻ lấy trứng, gia đình anh Tuấn cũng làm nhiều nghề khác nhau nhưng nguồn thu nhập hàng năm đem lại cho gia đình không cao. Một lần tình cờ và có dịp tham quan quan mô hình nuôi gà đẻ lấy trứng, anh nhận thấy mô hình này cho hiệu quả kinh tế rất cao, từ đó đã thôi thúc anh tìm hiểu và học hỏi kĩ thuật để bắt tay vào đầu tư xây dựng mô hình.
Năm 2017 anh bắt đầu khởi nghiệp với số lượng vài trăm con, qua thực tế nguồn thu nhập đem lại khá cao, nên anh Lê Anh Tuấn tiếp tục mở rộng mô hình. Đến nay quy mô chăn nuôi gà đẻ lấy trứng của gia đình anh Tuấn đã lên tới gần 1.000 con. Trên diện tích 400 m2 anh Tuấn xây dựng chuồng trại với hệ thống khép kín, máng nước tự động. Đây là giống gà chuyên trứng, thời gian nuôi kéo dài từ 21 đến 24 tháng mới phải thay giống. Hai yếu tố quan trọng nhất là giống và chuồng trại nên lúc mua giống, phải chọn ở những cơ sở uy tín, sau khi bắt bắt gà con về anh tiến hành quây, úm có đầy đủ thiết bị sưởi ấm như bóng đèn, chụp sưởi để gà con đạt tỷ lệ sống cao nhất… Còn đối với chuồng trại phải làm sao luôn thoáng mát, mát về mùa Hè và ấm về mùa Đông. Trong quá trình nuôi gia đình anh sử dụng đệm lót sinh học, mỗi lứa gà dùng đệm lót 1 lần (không thay bổ sung khi nuôi). Sau khi thay lứa gà mới khác thì mới thay đệm chuồng để đảm bảo về vệ sinh chuồng trại cũng như đảm bảo môi trường xung quanh vùng nuôi. Ngoài ra, đàn gà của gia đình anh đều được áp dụng tiêm phòng các loại vắc xin theo đúng quy trình kỹ thuật và định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại để hạn chế tối đa dịch bệnh xẩy ra trên đàn gà.
Anh Lê Anh Tuấn chia sẻ: Bản thân là một cán bộ địa chính của xã Diên Lãm, một xã thuộc vùng sâu Huyện Quỳ Châu nên anh rất hiểu các mô hình đang phát triển trên địa bàn Huyện, nhất là các mô hình về chăn nuôi. Vì vậy để mô hình phát triển tốt có hiệu quả kinh tế, có đầu ra ổn định và chất lượng, anh luôn chú trọng đến thức ăn và con giống. Muốn gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt thì thức ăn cho gà phải đảm bảo đủ và cân đối chất dinh dưỡng để gà mẹ khỏe mạnh, trứng có chất lượng cao và thời gian khai thác được dài hơn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn anh đã phải học hỏi, nắm vững kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi như: chọn lựa con giống phải đảm bảo tiêu chuẩn, đến nuôi dưỡng gà đẻ, gà thường bị nhiều loại dịch bệnh tấn công có thể gây chết hàng loạt hoặc giảm tỷ lệ đẻ trứng làm thất thu cho người nuôi. Vì vậy chăm sóc, nuôi dưỡng gà đẻ đúng kỹ thuật cũng là biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh và tăng tỷ lệ đẻ trứng nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, mỗi ngày đàn gà cho gia đình anh thu được từ 500 - 600 quả trứng. Hiện tại việc tiêu thụ trứng của gia đình anh tương đối dễ dàng, trứng được các tư thương đến đặt để thu mua. Đặc biệt có thời điểm chăn nuôi lợn gặp khó khăn, nên giá bán sản phẩm từ trứng và gà thịt rất cao. Giá bán bình quân 3.000đ - 3.500đ/ quả, đối với gà sau khi thu trứng được 1 năm, lượng trứng giảm gia đình anh bán gà thịt ra thị trường với giá từ 50.000 đến 60.000đ/kg, vì thế sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 120 - 150 triệu đồng.
Với sự nỗ lực cố gắng trong phát triển kinh tế, mô hình nuôi gà đẻ hiệu quả của gia đình anh Lê Anh Tuấn ở Thị trấn Quỳ Châu, huyện Quỳ Châu là một trong những mô hình kinh tế điển hình mang dấu ấn của chàng thanh niên 8X. Hy vọng trong thời gian tới với sự chung tay của chính quyền địa phương sẽ có nhiều mô hình lập thân lập nghiệp hiệu quả hơn nữa trên địa bàn Huyện Quỳ Châu góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập trên địa bàn Huyện./.
Xuân Huy TH