Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa có nguy cơ thiếu nước và thường xuyên khô hạn, kém hiệu quả tại Nghệ An

Thứ hai - 13/06/2022 22:16 0
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, có nguy cơ thiếu nước hoặc thường xuyên khô hạn với mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay để chống hạn ngoài các biện pháp về thủy lợi, tưới tiêu.
Trong những năm qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng đã có những chủ trương nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích trồng lúa bị khô hạn, không đảm bảo tưới suốt cả vụ hoặc trên những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, diện tích chuyển đổi cây trồng trong thời gian qua chưa nhiều, sản xuất còn phân tán, chưa tập trung.


Xuất phát từ thực tế nêu trên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thường xuyên bị khô hạn tại vùng Bắc Trung Bộ” nhằm mục đích xác định được 1 - 2 cơ cấu cây trồng phù hợp trên đất trồng lúa thường xuyên khô hạn, kém hiệu quả và trên đất lúa nguy cơ thiếu nước và khô hạn, kém hiệu quả.
Vụ Xuân 2022 tại Nghệ An, các mô hình được triển khai trên đất lúa kém hiệu quả có nguy cơ thiếu nước, khô hạn và trên đất lúa kém hiệu quả thường xuyên khô hạn tại xóm Lưu Thọ, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương với diện tích 01 ha/mô hình.
Đối với mô hình trên đất lúa kém hiệu quả có nguy cơ thiếu nước và khô hạn, sử dụng giống lúa Thiên ưu 8 cho thấy đây là giống lúa đã được thử nghiệm từ những vụ trước, phù hợp với chân đất bán khô hạn. Thời gian sinh trưởng từ 118 - 122 ngày, chịu ảnh hưởng nhẹ của bệnh bạc lá (điểm 1), sâu cuốn lá gây hại mức 7,6%. Năng suất thực thu đạt 6,12 tấn/ha. Hiệu quả từ giống lúa Thiên ưu 8 tăng thêm 12,32 triệu đồng/ha so với cây trồng cũ của địa phương.


Đối với mô hình trên đất lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị khô hạn, sử dụng giống lạc L20 cho thấy: Thời gian sinh trưởng của giống từ 125 - 128 ngày, phù hợp với cơ cấu 3 vụ/năm. Cây lạc ít bị sâu bệnh hại (sâu ăn lá gây hại điểm 1). Năng suất thực thu đạt 38,7 tạ/ha, cao hơn so với giống lạc địa phương (25,1 tạ/ha). Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 18,75 triệu đồng/ha.
Thông qua mô hình này, Viện đã tổ chức thành công Hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá và giới thiệu kết quả của mô hình chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả, khô hạn và có nguy cơ thiếu nước. Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả của mô hình, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình, đồng thời đề xuất các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước của các địa phương có các cơ chế, chính sách để áp dụng các kết quả của mô hình, từ đó đề xuất các cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm chuyển đổi mục đích sản xuất từ đất lúa kém hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý cho 3 vụ sản xuất/năm trên các chân đất trước đây trồng lúa kém hiệu quả.

 
 

Tác giả bài viết: Võ Trung - Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây