Anh Sơn tổ chức hội thảo đánh giá kết quả và bàn giải pháp nhân rộng mô hình trồng xen canh cây họ đậu trong vườn sắn
Chiều ngày 16/6, tại xã Thành Sơn, UBND huyện tổ chứ...
Chiều ngày 16/6, tại xã Thành Sơn, UBND huyện tổ chức hội thảo đánh giá kết quả và bàn giải pháp nhân rộng mô hình trồng xen canh cây họ đậu trong vườn sắn. Dự hội nghị, có đồng chí Hoàng Nghĩa Nhạc - PGĐ Sở Khoa học&Công nghệ; đồng chí Hoàng Xuân Cường - UV BTV, PCT UBND huyện; Lãnh đạo các phòng, ban, ngành cấp huyện; Các thành viên Hội đồng Khoa học Công nghệ huyện; Công ty Cổ phần Á Châu Hoa Sơn; Lãnh đạo các xã vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn huyện.
Trước khi bước vào buổi làm việc, đoàn công tác đã đi đánh giá thực tế mô hình trồng xen canh cây họ đậu trong vườn sắn tại vùng Bãi Lau, thôn Hùng Thành, xã Thành Sơn.
Các đại biểu kiểm tra thực tế mô hình
Được sự hỗ trợ kinh phí của Sở KH&CN, UBND huyện xây dựng mô hình “Ứng dụng tiến bộ KHCN trồng xen canh cây họ đậu (Cây lạc) trong vườn sắn”. phòng Kinh tế- Hạ tầng phối hợp Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức triển khai thực hiện mô hình trồng xen canh giống cây lạc L14 và giống sắn KM 94 tại vùng Bãi Lau, thôn Hùng Thành với quy mô 5 ha, có 8 hộ gia đình tham gia; Tổng kinh phí đầu tư mô hình hơn 141 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học hỗ trợ 70,9 triệu đồng. Mục tiêu mô hình là xây dựng thành công mô hình trồng xen canh cây họ Đậu trong vườn sắn tại huyện Anh Sơn, năng suất sắn đạt 35 tấn- 40 tấn/ha, năng suất lạc đạt 2 tấn/ha. Quá trình triển khai mô hình, các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng xen canh cây họ đậu trong vườn sắn; cung cấp giống, vật tư phân bón; được theo dõi, chăm sóc mô hình...
Toàn cảnh buổi hội thảo
Sau 3 tháng triển khai mô hình, tỷ lệ nảy mầm và sống đạt trên 90%; dự kiến thu hoạch từ ngày 28-30/6/2022. Dự kiến năng suất đạt trên 16-18 tạ/ha, lợi nhuận thu về đạt trên 48 triệu đồng/ha. Khi các cây họ đậu xen vào sắn, ngoài phần củ, quả được thu hoạch thì thân, rễ và lá cây họ đậu có tác dụng che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm của đất, hạn chế cỏ dại, trả lại cho đất một phần chất hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây sắn phát triển.
Tại buổi hội thảo, lãnh đạo các phòng ban ngành cấp huyện, các hộ gia đình tham gia mô hình đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng mô hình. Đồng thời, bàn các giải pháp nhằm duy trì và nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Đồng chí Hoàng Xuân Cường- UV BTV, PCT UBND huyện phát biểu tại buổi hội thảo
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Nhạc- PGĐ Sở Khoa học Công nghệ và đồng chí Hoàng Xuân Cường - PCT UBND huyện đã đánh giá cao sự vào cuộc của các ngành liên quan và các hộ dân trong quá trình xây dựng mô hình. Mô hình xen canh cây họ đậu trong vườn sắn được triển khai đúng tiến độ đề ra. Mô hình được triển khai đã góp phần cải tạo đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Trong thời gian tới, các đồng chí lãnh đạo đề nghị các ngành liên quan cần hoàn chỉnh mô hình, làm rõ thêm các kết quả đạt được trước khi nhân rộng mô hình ra các xã vùng nguyên liệu sắn trong huyện. Chủ động rà soát, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho bà con tham gia mô hình. Tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả của mô hình để người trồng sắn được tiếp cận với các cách làm mới, mang lại thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích./.
Tác giả bài viết: Hữu Thìn - Phòng KTHT & Hoài Chung TTVH Huyện Anh Sơn