ECOSOI - Nguyên liệu bền vững Thời trang cao cấp
Anh Nguyễn Văn Hạnh - 31 tuổi, trú tại xã Tân Thắng, H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cách đây hơn 5 năm, anh quyết định bỏ công việc thuyền trưởng tàu hàng với mức lương 30 triệu đồng/tháng để về đây trồng dứa. Với hy vọng nâng cao giá trị của cây dứa, giảm tải ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ thu hoạch, chàng trai trẻ ở Nghệ An đã mày mò học hỏi, chế tạo thành công máy tách lấy tơ sợi từ lá dứa.
Ah Hạnh cho biết, ngày đó, mỗi lần về quê thăm gia đình, chứng kiến cảnh nông dân lao đao vì dứa được mùa mất giá, nhiều cánh đồng dứa chín mọng nhưng nông dân không thu hoạch, Hạnh quyết tâm phải làm gì đó để nâng giá trị cây dứa quê hương. Năm 2015, anh quyết định nghỉ việc lái tàu, về quê mua gần 3ha đất đồi trồng dứa, mạnh dạn đầu tư máy móc, hệ thống sấy khô để chế biến dứa.
Vừa chăm bón dứa, vừa lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu cách trồng, nỗ lực của Hạnh cuối cùng cũng đạt thành quả khi những quả dứa từ trang trại của anh được thị trường đón nhận. Sau nhiều lần đầu tư, mở rộng diện tích trồng dứa lên hàng chục héc-ta, đến nay, Hạnh đã thu đều đặn trên 300 tấn dứa/năm. Các sản phẩm chế biến từ dứa của anh như dứa sấy, siro dứa, mứt dứa, dứa ngậm trị ho, nước dứa cô đặc, dứa ngâm đường, dứa tươi đã được tiêu thụ ở nhiều nơi trên cả nước.
Sau mỗi vụ thu hoạch, nhìn lượng lá dứa rất lớn bị vứt bỏ trên đồng, gom đốt để làm vụ mới thì khói bụi mù trời, Hạnh nghĩ cách tận dụng chúng. Miệt mài tìm hiểu, anh mới biết ở nhiều nơi trên thế giới, người ta tách thành sợi lá dứa làm nguyên liệu dệt may. Anh liền dùng bàn chải đánh thủ công lá dứa để lấy sợi. Thấy cách làm này quá kém hiệu quả, anh cùng một số thợ cơ khí nghiên cứu, chế tạo máy đánh sợi. Sau nhiều tháng thử nghiệm, điều chỉnh, chiếc máy này cũng đã hoàn thiện. Máy gồm một hệ thống dao bên trong, giúp đánh vỡ lớp thịt, giữ lại lớp tơ dai của lá. Máy này có thể ép được 2-3 tấn lá dứa/ngày. Sau đó, tơ được ngâm vào giấm dứa, phơi khô, nối, se sợi”. Hiện máy tách sợi này vẫn đang trong quá trình chạy thử, khi hoàn thiện, anh sẽ sản xuất khoảng hơn chục chiếc máy. Theo tính toán của Hạnh, dự án thành công sẽ giúp nông dân thu được thêm 30 triệu đồng/ha từ tiền bán lá dứa. Nhiều đơn vị sản xuất túi xách, may các sản phẩm thời trang đã đặt hàng mua loại sợi này. Sắp tới, sản phẩm hoàn thiện sẽ được gửi cho khách hàng kiểm tra. Nếu đạt yêu cầu, tôi sẽ sản xuất đại trà. Tôi dự kiến sẽ giao cho mỗi nhóm hộ có diện tích trồng dứa khoảng 50ha một máy tách sợi, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho họ.
Vừa qua, Công ty ECOSOI được GWAND SUSTAINABLE FESTIVAL, mời tham dự Triển lãm. GWAND SUSTAINABLE FESTIVAL là cuộc triễn lãm - tổ chức từ ngày 2-4 tháng 9 tại Luzern, Thuỵ Sỹ, một chương trình thường niên bao gồm triển lãm các sản phẩm và các cuộc thảo luận nhóm về các chủ đề liên quan tới phát triển bền vững. Triển lãm quy tụ các nhãn hàng, công ty, nhà thiết kế trưng bày và giới thiệu về sản phẩm cũng như hành trình của mình.
Tham gia chương trình - đại diện của Công ty ECOSOI đã trưng bày sản phẩm sợi lá dứa thô và sản phẩm thời trang túi xách làm từ sợi lá dứa cho các khách hàng Thuỵ Sỹ và quốc tế và cũng tham dự vào thảo luận nhóm về chủ đề Bio Design nhằm giới thiệu nguyên liệu và sản phẩm từ chất liệu tự nhiên bản địa của Việt Nam.. Sản phẩm sợi lá dứa cũng như sản phẩm túi xách làm từ lá dứa đã được chào đón nồng nhiệt bởi câu chuyện và ý nghĩa đằng sau chúng: sản phẩm thân thiện môi trường, tạo sinh kế, phát triển nguyên liệu bản địa, nhân lực địa phương, tác động tích cực đến xã hội và phát triển bền vững.
Đưa sản phẩm giới thiệu đến một số làng nghề dệt truyền thống, sợi lá dứa của anh Hạnh được đánh giá mềm và dai hơn, nhưng lại ngắn hơn tơ tằm (dài khoảng 70 cm), nên phải mất thời gian nối các đoạn để tiện cho việc dệt sợi thành vải. Vì vậy, thời gian tới, anh dự định cải tiến máy tách sợi, tích hợp thêm chức năng nối sợi, rửa sợi. Ngoài làng nghề trong nước, một doanh nghiệp bên Thụy Sĩ cũng muốn hợp tác để đặt loại sợi này làm túi xách cao cấp, nhưng do dịch Covid-19 nên đối tác bên đó vẫn chưa thể qua Việt Nam để làm việc. Gần 6 năm gắn bó với công việc trồng dứa, anh Hạnh không ngừng học hỏi để tìm ra những sản phẩm mới nâng cao giá trị cây dứa, giảm phụ thuộc vào một sản phẩm, từ đó đem lại nguồn sinh kế mới cho người dân trong vùng. Mới đây, anh đang thử nghiệm chế phẩm nước tẩy rửa với thành phần hữu cơ từ phụ phẩm lá dứa.