Triển vọng phát triển ngành công nghiệp tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030

Thứ ba - 30/08/2022 23:17 0
Những năm gần đây chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm, tính chung giai đoạn 2016- 2020, bình quân đạt 112,56%, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu quy hoạch từ 110,5- 111%). Để ngành công nghiệp Nghệ An ngày càng phát triển cần đề ra phương hướng cụ thể phù hợp với những tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Có thể thấy rằng Nghệ An có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nhiều ngành nghề trong đó có ngành công nghiệp. Sản xuất công nghiệp Nghệ An tăng trưởng khá ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.
Lĩnh vực công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin đã xác định mục tiêu phát triển ngành này trở thành ngành chủ lực với các nhóm sản phẩm như sản xuất, lắp ráp các thiết bị, linh kiện điện tử dùng trong sản xuất và dân dụng; thiết bị và linh kiện thông tin; viễn thông; máy tính; sản xuất phần mềm; nội  dung thông tin số, nghiên cứu công nghệ thông tin, các thiết bị số.
Tỉnh đã khuyến khích các công ty, các tập đoàn sản xuất đa quốc gia đầu tư vào lĩnh vực lắp ráp thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện điện tử (nhựa, linh kiện cao su, chi tiết cơ - điện tử, linh kiện kính, pin máy vi tính xách tay, điện thoại di động; linh kiện điện - điện tử ngành công nghiệp ô tô,..), sản xuất các thiết bị công nghệ thông tin tại các Khu công nghiệp (KCN) thuộc KKT Đông Nam (VSIP, Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, WHA), KCN công nghệ cao Hưng Hòa (Tp.Vinh).
Đồng thời chú trọng thu hút dự án xây dựng một công viên phần mềm, hình thành KCN công nghệ thông tin và có cơ chế thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Phát triển các dự án sản xuất phần mềm an toàn an ninh máy tính và mạng; phần mềm và thiết bị phiên dịch tự động; phần mềm và thiết bị để nhận  biết âm thanh, các thiết bị công nghệ số.
Triển vọng mở rộng công suất các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử đã thực hiện ở giai đoạn trước, tạo điều kiện để các dự án sản xuất điện dân dụng phát triển tùy vào nhu cầu thị trường và khả năng thực tế của các doanh nghiệp.
Đối với ngành công nghiệp cơ khí tập trung phát triển các sản xuất và lắp ráp ô tô, xe tải, phụ tùng xe ô tô các loại, tôn mạ kẽm, ống thép xây dựng, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, thiết bị xây dựng, quạt điện, xe đạp điện, gia công kim khí, kết cấu kim loại, dây lưới thép, đóng mới tàu thuyền vỏ thép cỡ vừa và nhỏ, sản xuất các mặt hàng gia dụng không rỉ, và sửa chữa lớn các máy và thiết bị tương ứng, thiết bị phụ trợ sản xuất xi măng và phụ tùng máy móc khai thác,….
Tỉnh đã triển khai kế hoạch kêu gọi đầu tư và lựa chọn đối tác chiến lược có tiềm năng về công nghệ, tài chính và thương hiệu mạnh, có ý định sản xuất ô tô lâu dài tại Việt Nam vào đầu tư nhà máy với quy mô công suất lớn, công nghệ hiện đại. Dần hình thành các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư sản xuất cung cấp phụ tùng, linh kiện. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô phục vụ cho lắp ráp trong nước và xuất khẩu.
Các phương án thu hút các dự án sản xuất và lắp ráp xe tải các loại, xe buýt để đáp ứng nhu cầu rất lớn vận chuyển hàng hóa và hành khách địa bàn Nghệ An và các tỉnh trong khu vực thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc; thu hút các dự án sản xuất xe  hơi phân khúc bình dân quy mô 20.000 - 30.000 chiếc/năm vào các KCN trong KKT Đông Nam (VSIP, Thọ Lộc, WHA, Hoàng Mai 1,2).
Đã hình thành các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe máy, xe điện, xe máy điện, các loại linh kiện, phụ tùng; hợp tác, liên doanh, liên kết để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản xuất lắp ráp xe máy, xe điện, xe máy điện,....
Bên cạnh đó đang kêu gọi các dự án đóng mới và sửa chữa tàu thuỷ, chế tạo thiết bị nâng hạ tại Nghi Lộc, Đông Hồi. Đầu tư hiện đại hóa thiết bị và công nghệ, nâng cao năng lực chế tạo, cải tiến mẫu mã, tính năng hoạt động đối với các loại động cơ diesel cỡ trung và cỡ nhỏ, động cơ xăng công suất vừa và nhỏ, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Tỉnh đang triển khai sản xuất các loại máy có ứng dụng cơ điện tử, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất thiết bị cơ khí chính xác để tạo sản phẩm có chất lượng cao và giá thành phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Đồng thời thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị ngành xi măng tại KCN Hoàng Mai I, II. Xúc tiến thu hút đầu tư Nhà máy sản xuất, chế tạo linh kiện đinh, ốc vít kim loại, que hàn tại các KCN, CCN; Phát triển nhà máy sản xuất chế tạo gia công dụng cụ thiết bị cơ khí, cấu kiện kim loại, phụ tùng máy móc khai thác, sản xuất và lắp máy thiết bị chế biến nông-lâm sản tại các CCN thuộc địa bàn các huyện miền Tây.
Tập trung đầu tư phát triển các Dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí công nghệ cao: các loại khuôn mẫu có độ chính xác cao; các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao: các loại đai ốc, bu-lông, ốc vít có độ chính xác cao dùng cho các thiết bị điện tử, cơ điện tử, điện tử y tế, rô-bốt công nghiệp tại các KCN trong KKT Đông Nam của tỉnh.
Trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực như gạch ốp lát tấm lớn, gạch không nung, ngói màu, thiết bị vệ sinh cao cấp, đá ốp lát, tấm thạch cao, các sản phẩm sử dụng công nghệ mới như: Kính xây dựng, kính cường lực, vật liệu composit, tấm ốp các loại, cửa uPVC và cửa nhôm, sơn cao cấp có khả năng kháng diệt khuẩn.
Tỉnh Nghệ An chủ trương hạn chế thu hút phát triển thêm các nhà máy xi măng trong giai đoạn tiếp theo.  Tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Mai 2 giai đoạn I: 2 triệu tấn/năm; mở rộng công suất Nhà máy xi măng Sông Lam công suất giai đoạn 2 thêm 3,8 triệu tấn/năm; thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xi-măng trắng trong KKT Đông Nam hoặc các KCN, CCN.
Hoàn thành và đưa vào hoạt động tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc và xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương công suất 4 triệu m2/năm, tạo điều kiện để nâng công suất sau khi Nhà máy hoạt động có hiệu quả. Sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong khai thác đá khối và sản xuất đá ốp lát ở các huyện Quỳ Hợp,Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Tương Dương. Ưu tiên phát triển kính an toàn, kính đặc biệt với quy mô công suất từ 1-2 triệu m2/năm để khai thác tiềm năng nhu cầu thị trường xây dựng nhà cao tầng, xây dựng cửa hàng, cửa hiệu.


Sản phẩm gạch không nung

Xây dựng chính sách thu hút đầu tư các dự án về sản xuất vật liệu nhựa cao cấp, khung cửa nhựa, cửa uPVC, cửa nhôm, tấm ốp trần vào các KCN, CCN ở khu vực Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Hoàng Mai. Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư thiết bị vệ sinh, nhà tắm thông thường và cao cấp, bình nước nóng từ các thương hiệu nổi tiếng như Toto, Inax, Viglacera, Ferroli, Picenza,… đáp ứng nhu cầu xây dựng công nghiệp và dân dụng trên địa bàn tỉnh và trong cả nước.
Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm phát triển gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung vào những sản phẩm chủ lực như Ván MDF, HDF, gỗ ghép thanh, sữa chế biến, thực phẩm, chế biến nước trái cây, chế biến rau quả, chè, đường kính,…. Thu hút đầu tư các dự án với thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với chủ động quy hoạch và xây dựng các vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm theo chu trình nông nghiệp an toàn GAP, trong đó tập trung vào các vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt, heo, gia cầm; vùng sản xuất rau quả; vùng nguyên liệu cây công nghiệp để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khép kín áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh thích hợp với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó hình thành một số tổ hợp sản xuất chế biến nông sản công nghệ cao trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và quản lý hiện đại. Các mô hình kết hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với công nghiệp chế biến hiện đại ở các  huyện dọc tuyến đường mòn HCM.
Đối với lĩnh vực công nghiệp dệt may-da giày sẽ tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá với nhóm sản phẩm: Sợi, sản phẩm may mặc, sản xuất giày dép da  xuất khẩu, sản xuất các nguyên phụ liệu hỗ trợ ngành may, da giày. Nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da-giày nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị. Phân bố các doanh nghiệp dệt may, da-giày ở các KCN, CCN thuận lợi về nguồn cung cấp lao động, giao thông, hạ tầng dịch vụ logistics,… để đảm bảo cho ngành phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường theo các chuẩn mực quốc tế. Hình thành Trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu cho ngành may của Khu vực Bắc Trung Bộ tại Nghệ An.
Đối với công nghiệp sản xuất hóa chất, dược phẩm sẽ quy hoạch vùng trồng tập trung các cây dược liệu để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng. Phát triển ngành sản xuất dược phẩm là trụ cột để khai thác tiềm năng về trồng và chế biến nguồn nguyên liệu dược ở các huyện vùng miền núi Nghệ An và đáp ứng nhu cầu rất lớn về thuốc chữa bệnh. Thu hút các cơ sở công nghiệp dược để tạo đòn bẩy hình thành chuỗi sản phẩm dược trong tỉnh, mang lại giá trị cao trong cơ cấu kinh tế nông thôn miền núi. Tập trung thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết nhằm nhanh chóng tạo lập năng lực sản xuất thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, hóa chất, phân bón với công nghệ tiên tiến. Mở rộng sản xuất các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu các ngành công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thuỷ sản và nhu cầu dân dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các vùng lân cận.  

Chế biến dược liệu
Trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng gắn với bảo vệ môi trường thu hút đầu tư các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời áp mái,… phấn đấu đến năm 2030 đạt công suất sản xuất điện các loại đạt 16.286 MW. Đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các thành phần kinh tế tham gia ngành công nghiệp môi trường nhằm đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư đảm bảo khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm môi trường nhằm ngăn ngừa, xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các KCN, CCN, đảm bảo khi đi vào hoạt động đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường theo quy định. Tăng cường quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ trong các khu dân cư vào KCN, CCN.
Với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần khuyến khích và thu hút đầu tư các doanh trong nước phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất, đặc biệt đối với những nhóm ngành như điện tử, công nghệ thông tin; cơ khí, lắp ráp; dệt may, da giày; hóa chất, dược phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, tận dụng được hiệu ứng lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư cho hàng năm và giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở đó bố trí kinh phí để đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, tập trung kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực gồm linh kiện điện tử, phụ tùng lắp ráp ô tô; dệt may - da giày; công nghiệp chế biến nông lâm sản và công nghiệp công nghệ cao./.
Hồng Anh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây