Giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cho ngành nuôi tôm là ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số

Thứ ba - 30/08/2022 23:15 0
Nghề nuôi tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung của Nghệ An đã khẳng định được tiềm năng và lợi thế. Lâu nay người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nuôi thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm đang đối mặt với nhiều thách thức như khả năng kiểm soát dịch bệnh, theo dõi sức khỏe tôm nuôi và truy xuất nguồn gốc sau khi xuất bán ra thị trường.
Trước thực trạng đó, chính quyền và cơ quan chức năng có nhiều giải pháp không chỉ để khắc phục khó khăn mà còn nâng cao chất lượng sản xuất, một trong những giải pháp đó là chuyển đổi số trong nuôi tôm. Một giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cho ngành nuôi tôm là ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào quá trình nuôi. Chuyển đối số trong NTTS nhằm mục tiêu nhằm bắt kịp xu hướng công nghệ mới nhất, giải quyết được những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, đồng thời tận dụng tiềm năng, phát huy lợi thế của quốc gia để nghề NTTS ngày càng phát triển. Cung cấp cái nhìn ban đầu về công nghệ số trong NTTS cho người dân, từ đó mạnh dạn trong chuyển đổi, ứng dụng và sản xuất thông qua việc trao đổi thảo luận với các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu, hoạt động khoa học và các doanh nghiệp  nhằm phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững.


Nuôi tôm trên cát
Những năm gần đây, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ mới: công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn… kết hợp với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở cả vùng nuôi và từng cơ sở nuôi (xây dựng hệ thống nhà kính, lồng nổi có mái che nhằm ổn định nhiệt, hạn chế sự lây lan mầm bệnh và những tác động khác gây ảnh hưởng đến sinh trưởng tôm nuôi,...) đã làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, số diện tích nuôi theo nhiều giai đoạn chưa được nhiều, mà phần lớn diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh nuôi ao ngoài trời theo quy trình 1 giai đoạn. Với hình thức nuôi này, mức đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống điện, nước ban đầu để phục vụ sản xuất theo hình thức này không lớn. Do vậy, đáp ứng được đại đa số các cơ sở nuôi hiện nay, yêu cầu chi phí ban đầu thấp hơn mô hình nuôi nhiều giai đoạn, mô hình nuôi bể/lồng nổi và phù hợp với các hộ gia đình tiềm lực kinh tế hạn chế. Song nhược điểm là công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, dễ nhiễm bệnh, có nguy cơ gặp thiên tai như nắng nóng, bão lũ dẫn đến hiệu quả không cao và cơ bản chỉ nuôi 1 vụ chính trong năm.
Trên địa bàn cả nước, nhiều nơi đã ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm, mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, vùng nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An chỉ mới có một số mô hình trình diễn dựa trên định hướng phát triển chung của ngành theo hướng tăng hàm lượng tiến bộ KHKT mới, VietGAP, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất… chứ chưa ứng dụng công nghệ chuyển đổi số. Vì vậy, áp dụng công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp cần thiết và phù hợp trong nuôi trồng thủy sản, nhất là khi nghề nuôi tôm chịu nhiều áp lực về biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn nước ô nhiễm… như hiện nay. Ứng dụng công nghệ giúp quản lý việc nuôi trồng hiệu quả hơn từ nguồn nước, thức ăn, dịch bệnh, thuận lợi truy xuất nguồn gốc…
Để chuyển đổi số trong sản xuất nuôi tôm, người nuôi tôm cần thay đổi ngay từ phương pháp quản lý sản xuất, thay thế việc theo dõi, quản lý ao nuôi từ truyền thống sang sử dụng những phần mềm quản lý sản xuất trên cơ sở số hóa. Từ đó người nuôi có thể dễ dàng quản lý thức ăn, quản lý hóa chất cũng như quá trình nuôi, tất cả được lưu trữ trên ứng dụng phần mềm thông qua máy tính, hoặc điện thoại. Vì vậy, việc chuyển đổi ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản là cần thiết trong thời gian tới”.



Nuôi tôm trong bể

Với tiềm năng lớn ngành nuôi tôm của tỉnh, Nghệ An đặt mục tiêu phát triển nghề nuôi tôm trở thành ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực một cách bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Nghệ An; mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân/tổ chức liên quan, nhằm nhằm đảm bảo an ninh xã hội… Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, diện tích nuôi tôm cả năm của Nghệ An đạt 2.200 ha, sản lượng tôm nuôi 12.500 tấn/năm./.
Xuân Phú

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây