Ngày 30/6, tại Hà Nội, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Nam Á và Đông Á, Nhật Bản tổ chức Hội thảo trực tuyến “Khai thác thông tin Sở hữu công nghiệp trên Nền tảng IPPlatform” giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Toàn cảnh Hội thảo“Khai thác thông tin Sở hữu công nghiệp trên nền tảng IPPlatform” .
Tại điểm cầu Nhật Bản có sự tham dự của ông Toru Furuichi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á và Đông Á, Nhật Bản; luật sư Takashi Koyama, nguyên Giám đốc bộ phận quản lý Sở hữu trí tuệ, Bộ Ngoại giao Nhật Bản; ông Yorihisa Katsunuma, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Công ty Ajinomoto Nhật Bản. Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ; ông Yoshitoshi Tanaka, Giáo sư danh dự, Viện Công nghệ Tokyo, cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học và Công nghệ, các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp có liên quan và các cơ quan truyền thông, báo chí.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ về các vấn đề cơ bản về sáng chế, tra cứu thông tin sáng chế, khi nào và tại sao nên tiến hành tra cứu sáng chế và hướng dẫn các bước tra cứu sáng chế, những kinh nghiệm thực tế của Nhật Bản. Bên cạnh đó, các chuyên gia Việt Nam cũng giới thiệu những vấn đề cơ bản về nhãn hiệu, những điểm mới vừa được Quốc hội thông qua về Luật sở hữu trí tuệ có liên quan đến thẩm định nhãn hiệu, thời điểm và lý do nên tiến hành tra cứu nhãn hiệu.
Để giúp các đại biểu có thể tiếp cận trực tiếp với ứng dụng, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã hướng dẫn các đại biểu một số kỹ năng, cách thức tra cứu sáng chế và nhãn hiệu trên Nền tảng IPPlatform.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã được tham gia cuộc thi thực hành tra cứu nhãn hiệu và sáng chế trên Nền tảng IPPlatform. Kết thúc cuộc thi, có 02 giải đặc biệt và 20 giải khuyến khích được trao cho các đại biểu có kết quả tra cứu tốt nhất.
Nền tảng IPPlatform là sản phẩm của dự án được giao cho Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ chủ trì thực hiện. Nền tảng IPPLATFORM được xem là một trong các công cụ đắc lực để thúc đẩy khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp trong bối cảnh thông tin số đang diễn ra sôi động. Với Nền tảng IPPlatform, các đơn vị có thể cập nhật, khai thác dữ liệu về tài sản trí tuệ, tra cứu tình trạng pháp lý của đối tượng sở hữu công nghiệp, tránh xâm phạm quyền đối với sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ trước đó. Nền tảng này đã đi vào hoạt động chính thức từ tháng 5/2020 tại địa chỉ https://ipplatform.gov.vn/ . Được biết, hiện Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với 20 đơn vị, thiết lập 20 Trạm IPPlatform (trong đó có 16 Sở KH&CN, 2 Hiệp hội và 2 Viện nghiên cứu). |
Nguồn: Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN