Chương trình OCOP góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ hai - 11/07/2022 22:06 0
 Sau gần 3 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Nghệ An là tỉnh tiềm năng lợi thế đã thể hiện những bứt phá lớn trong việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đến nay, trong cả nước đã có 59 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, trong đó, 57 tỉnh đã có quyết định chính thức công nhận kết quả với 4.469/6.210 sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (đạt 72% và  vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020). Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; Chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của thành phố Hà Nội; Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp;... góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường. Xác định để chương trình thành công, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm là cốt lõi, đến nay đã phát triển được 24 tổ chức tư vấn OCOP, ký kết chương trình phối hợp với 10 cơ quan, tổ chức Trung ương, tổ chức các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên, thanh niên và phụ nữ, hình thành nhiều mô hình khởi nghiệp sản phẩm OCOP hiệu quả ở các địa phương; Thống nhất chủ trương với các tỉnh về định hướng xây dựng 3 Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP ở 03 vùng để thúc đẩy các hoạt động đổi mới, thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm ở các địa phương.
Ở Nghệ An, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" là một Chương trình còn khá mới mẻ. Chúng ta thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn: Xuất phát điểm thấp, ảnh hưởng dịch Covid-19, nguồn lực hạn chế, trong khi đó nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân bước đầu còn hạn chế, thủ tục hành chính còn rườm rà, cơ chế chính sách chưa kịp thời. Song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương; với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân. Đến nay, chương trình thực sự đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa lớn, khẳng định đây là một chủ trương đúng ý Đảng, hợp lòng dân.
Sau 3 năm thực hiện, đến nay tỉnh Nghệ An đã có 249 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp quốc gia 05 sao và 04 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 03 của cả nước (sau Hà Nội và Quảng Ninh) và được bình chọn 1 trong 10 kết quả nổi bật năm 2021 của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 72,7% và 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Nhiều sản phẩm OCOP ở Nghệ An đã được biết đến như: Cam Vinh, gừng Kỳ Sơn, gà đồi Thanh Chương, dược liệu Pù Mát, rượu Mú Từn, lạc Diễn Châu, tương Sa Nam, trà túi lọc Giảo cổ Lam của Công ty CP Dược liệu Pù Mát, trà túi lọc dây thìa canh của Công ty CP Dược liệu Pù Mát, sản phẩm dệt thổ cẩm: Khăn, chân váy, khăn trải bàn của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, chè xanh Thanh Chương của HTX NN và chế biến chè Thanh Đức, nước mắm hạ thổ của Công ty cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu, hương trầm Liên Đức, trà linh chi ATC, rượu đông trùng hạ thảo của Công ty CP khoa học xanh Hidumi Pharma, tảo xoắn Spirulina michio của Công ty CP khoa học xanh Hidumi Pharma, sản phẩm đậu tương lên men Nattokinaza của Công ty CP khoa học xanh Hidumi Pharma,... Hay các sản phẩm khác như: Cam bù Kim Nhan của Tổ HT trồng cây cam bù Kim Nhan, chè Gay Cao Sơn của HTX chè Gay Cao Sơn, trà xanh Minh Sáng của HTX Minh Sáng, gà Thanh Chương của HTX chăn nuôi gà Thanh Chương, muối ăn liền, trà lá sen của HTX Sen Quê Bác, Tinh bột nghệ Hoàng Mai của HTX dịch vụ NNTH Đồng Tâm, các làng du lịch sinh thái cộng đồng…

Chính sách tại Nghị định 98/2008 cơ sở pháp lý chung để các địa phương ban hành cụ thể chi tiết cho phù hợp vào tình hình thực tiễn của từng địa phương mình khi triển khai chương trình OCOP. Tại Nghệ An, chính sách được cụ thể tại Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua gần 04 năm triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đến nay đã tỉnh ta có 30 Dự án/Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn 8 huyện, thị xã, với tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2019 đến 2022 là hơn 40 tỷ đồng. Tổng số hộ dân tham gia trong các Dự án/Kế hoạch liên kết là 8.656 hộ, tổng quy mô thực hiện liên kết là 2.844 ha. Nhờ đó mà đã có 6 HTX có sản phẩm OCOP gồm: HTX Dược liệu Pù Mát, HTX Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất & chế biến chanh Nam Kim, HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác, HTX nông sản sạch xứ Nghệ Hoàng Mai, HTX Nông nghiệp Quyết Tiến gạo thảo dược Vĩnh Hòa…
Song song, các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 25/2020/NQ - HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh gồm có 04 chính sách chính; Ngoài ra, theo Thông tư 08 của Bộ Tài chính cho phép lồng ghép các chương trình dự án như: Chương trình NTM; Nghị định 52 (06/2019); Nghị quyết 13 liên kết; Nghị quyết 06 (làng nghề; NQ18/2021 về phát triển nông nghiệp nông thôn)…đã giúp Nghệ An thực hiện tốt chương trình OCOP, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.Cũng là cơ sở để chúng ta khẳng định rằng trong sản xuất nông nghiệp, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế.  
Mai Anh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây