Tình hình nghiên cứu và sản xuất Cà gai leo, Dây thìa canh thành sản phẩm dược liệu

Thứ hai - 11/07/2022 21:51 0
1.Cà gai leo
Cà gai leo (Solanum hainanense Hance) còn gọi là cà quạnh, cà gai dây, cà quýnh, cà vạnh, chẻ nan (Tày), b’rongoon (Ba Na), có tên khoa học khác là Solanum procumben Lour. thuộc họ Cà (Solanaceae). Cà gai leo là một cây thuốc quý, rễ của chúng được dùng làm thuốc chữa phong thấp, đau nhức xương, chữa rắn cắn, đau lưng, cảm cúm, kháng viêm... Gần đây, nhiều tác dụng dược lý của cà gai leo đã được phát hiện như chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ gan, ức chế sự tạo thành xơ gan, đồng thời có tác dụng tốt trên các chỉ thị virus viêm gan B. Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh cà gai leo còn có tác dụng chống ung thư... Năm 2001, Viện Dược liệu đã bào chế thành công thuốc "Haina" từ cà gai leo và đã thử nghiệm trên lâm sàng (tại Bệnh viện 103) cho kết quả tốt với bệnh nhân viêm gan B mãn tính hoạt động.

Trong thành phần hóa học của cà gai leo, glycoalkaloid (đường + alkaloid) là một hợp chất chính, một glycoalkaloid nguyên mẫu được gọi là solanine (đường là solanose kết hợp với một alkaloid là solanidine), đây là hoạt chất kháng viêm và bảo vệ gan quan trọng do chúng có tác dụng ức chế sinh tổng hợp collagen và hạn chế sự tạo thành xơ ở một số tổ chức mô liên kết. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa xơ gan. Gần đây, các glycoalkaloid còn được công bố có tác dụng bất hoạt các virus gây bệnh mụn rộp ở người như Herpes simplex, H.zoster H.genitalis (Chating và cs 1997), bảo vệ chuột chống lại sự xâm nhiễm của vi khuẩn Salmonella typhimurium (Gubarev và cs 1998), giảm lượng cholesterol trong máu (Friedman và cs 2000)...

Cây cà gai leo
2. Dây thìa canh (Gymnema sylvestre) còn có tên gọi khác là Muôi hay Lõa ti rừng, thuộc chi Lõa ti (Gymnema) họ Trúc đào (Apocynaceae), có xuất xứ từ rừng nhiệt đới thuộc miền nam và miền trung Ấn Độ. Đến nay, loài cây này đã được biết đến và sử dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới để chữa bệnh tiểu đường với các tên gọi khác nhau như Diabeticin (Ấn Độ), Sugarest (Mỹ), Glucos care (Singapore)... Ở Việt Nam, Dây thìa canh được xếp vào loại dây leo và được tìm thấy nhiều ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Cây ra hoa vào tháng 6 và kết quả vào tháng 8 hàng năm. Khi chín, quả rụng xuống đất, tách đôi giống 2 chiếc thìa, vì thế người dân thường gọi loại cây này là Dây thìa canh hay cây Muôi. Về mặt hình thái, Dây thìa canh được chia làm 2 loại lá to và lá nhỏ, trong đó loại lá to có tác dụng chữa bệnh tốt hơn loại lá nhỏ. Toàn bộ lá và phần dây của cây đều có thể dùng làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, Dây thìa canh được sử dụng làm thuốc chữa bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp... Đây là loại cây có tiềm năng dược liệu, vì vậy hiện nay cây được trồng nhiều ở các vườn thuốc của các trung tâm, trạm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc thuộc Viện Dược liệu. Ngoài ra, Dây thìa canh còn được đưa đến các hộ nông dân một số tỉnh phía Bắc nước ta trồng và phát triển.

Cây dây thìa canh lá nhỏ

Thành phần có hoạt tính sinh học chính của Dây thìa canh là hoạt chất GS4 (Gymnema Sylvestre kiềm hóa lần thứ 4) gồm nhiều axit gymnemic - một loại saponin triterpenoid có tác dụng kích thích sản sinh tế bào β tuyến tụy, nhờ đó tăng cường sản xuất insulin, tăng hoạt tính của insulin, giúp kiểm soát và ổn định đường huyết. Các axit gymnemic còn có tác dụng ức chế hấp thu đường ở ruột non do có cấu trúc phân tử gần giống với đường glucose; ức chế sự chuyển hóa glycogen ở gan thành glucose ở máu, đồng thời kích thích các enzym sử dụng đường tại các mô cơ. Các nghiên cứu về sử dụng Dây thìa canh trong chữa bệnh nói chung, bệnh tiểu đường nói riêng đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới. Có thể kể đến như: năm 2012, Aziza El Shafey (Ai Cập) và cộng sự đã nghiên cứu làm sáng tỏ tác dụng của Dây thìa canh lên một số thông số sinh lý của chuột đã được gây bệnh tiểu đường bằng streptozotocin (STZ). Kết quả thử nghiệm cho thấy, chiết xuất Dây thìa canh liều 18 mg/kg thể trọng được dùng bằng đường uống trong 30 ngày trên chuột tiểu đường đã giúp giảm glucose huyết tương, ALT, AST, triglycerides, cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, malondialdehyde và tăng đáng kể insulin, HDL-cholesterol, SOD so với chuột tiểu đường không được điều trị. Các nghiên cứu về sau của nhóm tác giả này cũng đã chứng minh những tác dụng có lợi của chiết xuất Dây thìa canh lên các chỉ số hóa sinh máu của chuột tiểu đường ở các liều dùng khác nhau. Năm 2015, các nhà khoa học Ấn Độ (Kusum Devi và cộng sự) đã sử dụng chiết xuất Dây thìa canh làm thành dạng viên ngậm tan, công thức này giúp loại bỏ được vị đắng khó chịu của dược liệu này và có thể tạo ra một hiệu ứng chống ngọt trong thời gian 30 phút. Bất kỳ loại thực phẩm ngọt nào tiêu thụ trong khoảng thời gian này đều không có vị ngọt. Đây là một biện pháp đơn giản, mới mẻ và khả thi để giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn, do đó kiểm soát được lượng calo từ các chất ngọt và giúp phòng chống bệnh tiểu đường và béo phì. Cũng tại Ấn Độ (2016), nhóm nghiên cứu do Bhagyashree Kamble đứng đầu đã nghiên cứu ảnh hưởng của chiết xuất Dây thìa canh đối với dược động học và dược lực học của glimepiride (GLM) ở chuột tiểu đường nhằm đánh giá ảnh hưởng khi dùng loại cây này trong kiểm soát đường huyết cùng với thuốc hạ đường huyết thông thường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi dùng đồng thời 400 mg/kg chiết xuất Dây thìa canh và 0,8 mg/kg GLM trong 28 ngày thì tương tác dược động học có lợi thể hiện rõ trong khi không có thay đổi lớn trong các thông số dược lực học của GLM.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Văn Ơn (Trường Đại học Dược Hà Nội), Dây thìa canh có tác dụng tốt trong điều trị bệnh tiểu đường vì khi người bệnh uống vào các hoạt chất trong cây sẽ tác động vào cả 4 quá trình: làm giảm quá trình hấp thu đường ở ruột; tăng sản xuất và hoạt tính insulin; tăng men sử dụng đường ở mô, cơ đồng thời tăng bài tiết cholesterol qua đường phân; giảm cholesterol và triglycerid trong máu, hạ LDL-c, giảm lipid trong máu và trong gan, nhờ đó vừa giúp hạ đường huyết vừa ổn định đường huyết, ngăn ngừa hiệu quả những biến chứng của bệnh tiểu đường. Còn theo một nghiên cứu khác được thực hiện trên 22 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, sau 18-20 tháng sử dụng Dây thìa canh kết hợp với thuốc chữa tiểu đường khác đã giúp giảm đường huyết, đồng thời giảm hemoglobine A1C đáng kể và kéo theo tăng lượng insuline tiết ra từ tụy tạng cho người bệnh.
Tại Nghệ An, sản phẩm Trà túi lọc Dây thìa canh và Cà gai leo được Công ty CP Dược liệu Mù Mát nghiên cứu và phát triển, năm 2020 được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao./.
Xuân Diện
Công ty CP Dược liệu Pù Mát

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây