Phục hồi và phát triển giống xoài Tương Dương

Thứ hai - 11/07/2022 21:50 0
 Hiện nay, huyện Tương Dương có khoảng 24,2ha cây xoài bản địa trồng tập trung tại các xã như Xá Lượng, Tam Thái và thị trấn Thạch Giám. Mặc dù là sản phẩm đặc trưng của vùng, được người tiêu dùng rất ưa thích bởi hương vị đậm đà, thơm ngon đặc trưng của quả xoài Tương Dương nhưng giống xoài này đang gặp những khó khăn, thách thức của việc duy trì và mở rộng diện tích để loại cây trồng đặc sản bản địa này của huyện thành một vùng sản xuất hàng hóa tập trung có sản lượng lớn, hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm bảo tồn, phục hồi và phát triển giống xoài bản địa mà dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống xoài bản địa Tương Dương” được triển khai thực hiện.
Về Tương Dương, đến các hộ trồng xoài lâu năm ở Tương Dương như hộ bà Trần Thị Loan, Nguyễn Quốc Bắc, Chu Ngọc Đình.. thì được biết, giống xoài đặc sản Tương Dương hầu hết là cây cổ thụ, có độ tuổi từ 30-40 năm. Những cây xoài càng lâu năm quả càng tròn, có vị ngọt thanh và có mùi thơm đặc trưng. Đặc sản xoài Tương Dương có đặc điểm là quả nhỏ gọn, bề mặt quả hơi thô ráp, không trơn bóng như các loại xoài khác và có thể thu hoạch đem bán khi quả còn xanh, do ở thời kỳ này quả ăn rất dòn, không chua. Khi chín xoài có màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng cam, bình quân đạt từ 4-5 quả/kg. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng quyết định đến giá thành sản phẩm quả xoài bản địa Tương Dương khi thu hoạch. 
Khi triển khai, dự án đã điều tra, đánh giá và phân tích chất lượng quả của 20 cây xoài Tương Dương ưu tú để lựa chọn ra 10 cây xoài có đặc tính vượt trội. Kết quả cho thấy  giống xoài bản địa Tương Dương thuộc loại quả nhỏ với khối lượng trung bình quả dao động từ 201,51- 246,23g/quả, đường kính quả dao động từ 6,2-6,8cm, chiều dài quả từ 8,1-9,8cm. Tuy có kích thước nhỏ nhưng tỷ lệ phần ăn được đạt cao từ 72,1-82,8%. Xoài bản địa Tương Dương có vị ngọt đậm và thơm, độ brix trong dịch quả đạt cao và dao động từ 18,5-20,4%; hàm lượng Vitamin C dao động từ 25,00 -36,43%; hàm lượng axit tổng số trong dịch quả đạt cao và có sự dao động lớn giữa các mẫu quả từ 0,34-0,67%. Từ những kết quả đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã ra quyết định số 928/QĐ-SNN.QLKTKHCN cấp chứng nhận cho 10 cây xoài bản địa Tương Dương có đầy đủ các đặc tính tốt là cây đầu dòng.
Gia đình ông Lô Văn Thuyết ở bản Khổi, xã Tam Thái là 1 trong các hộ tham gia xây dựng mô hình trồng mới giống xoài bản địa Tương Dương, đã được hỗ trợ 500 cây xoài giống được nhân giống từ cây xoài đầu dòng XTD-01, hiện nay cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, chiều cao cây đạt từ 1,6 - 2 mét. Ông Thuyết cho biết: “Qua quá trình thực hiện, đưa vào trồng thì cây cũng phát triển rất tốt. Hơn nữa do địa điểm trồng rất thuận lợi vì cạnh nguồn nước tưới, nước tự chảy. Sau một thời gian trồng thực hiện theo kỹ thuật của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp chuyển giao, gia đình tôi đã thường xuyên chăm bón cho cây và đến thời điểm này cây đã cho hoa và đã cho quả’’.


https://truyenhinhnghean.vn/file/4028eaa46735a26101673a4df345003c/4028eaa467f477c80167f48e23810ac6/062021/xoai1_20210604160725.jpg

Trong khuôn khổ dự án, hóm nghiên cứu đã tiến hành ghép, mắt ghép năm thứ nhất được lấy từ cây ưu tú đã bình tuyển, năm thứ hai được lấy từ các cây đầu dòng được công nhận, cây gốc ghép đạt tiêu chuẩn. Kết quả cho thấy tuy tỷ lệ ghép sống ở cả 03 năm đạt khá cao từ 75-90% nhưng tỷ lệ xuất vườn chỉ đạt ở mức 70-75%. Điều tra theo dõi tìm hiểu nguyên nhân, nhận thấy do điều kiện thời tiết tại huyện Tương Dương khá khắc nghiệt, mưa nhiều, nắng gắt kèm theo hiện tượng mưa đá xảy ra nên đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây xoài sau ghép. Hệ rễ của cây xoài sau ghép bị ảnh hưởng dẫn đến hiện tượng cây xoài bị héo và chết. Những cây chống chọi được đến lúc xuất vườn là những cây sinh trưởng, phát triển rất tốt và có khả năng chống lại các điều kiện bất thuận.
Sau 3 năm tiến hành thí nghiệm cùng vào một thời điểm cho thấy, tỷ lệ sống của giống xoài Tương Dương vào năm 2019, 2020 sau ghép có sự chênh lệch không sai khác nhau nhiều, đạt tỷ lệ sống chưa cao, cây bị bệnh thán thư, khô đọt, sâu ăn lá. Trong đó, bệnh gây thiệt hại nặng nhất là bệnh khô đọt. Trong quá trình triển khai, đã theo dõi sát sao và tiến hành phun thuốc, nhưng do mưa kéo dài, độ ẩm tăng cao nên chưa phát huy hiệu quả cao. Năm 2021, thời tiết thuận lợi, ít mưa, nên cây ghép đạt tỷ lệ sống cao lên đến 90%.
Kết quả xây dựng mô hình trồng thương phẩm giống xoài bản địa Tương Dương cho thấy các cây xoài trong vườn trồng thương phẩm của các hộ dân được chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật nên sinh trưởng, phát triển khá tốt, chiều cao cây, đường kính gốc tăng nhanh. Trong hai đợt năm 2020 và 2021, cây sinh trưởng tốt với trên 4 đợt lộc trong năm. Các cây trồng trong đợt 1, do trồng trước nên có các chỉ tiêu sinh trưởng cao hơn đợt 2, điều này cũng phù hợp với quy luật sinh trưởng của cây trồng. Đến thời điểm hiện tại hầu hết các cây trồng đã phân cành, hình thành tán.
Hộ ông Phạm Công Hạnh ở khối Hòa Nam, thị trấn Thạch Giám xây dựng vườn ươm. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm, gia đình ông Hạnh đã xây dựng vườn ươm đúng quy mô, đúng tiến độ, đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn để sản xuất cây giống như: có khung màn, lưới che, có hệ thống tưới phun chủ động… Ông Hạnh cho biết:  “Để xây dựng mô hình vườn ươm này, gia đình chúng tôi được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ từ kinh phí, đầu tư phân bón, cây giống. Bên cạnh đó, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp cầm tay chỉ việc. Hiện tại vườn ươm đang có 1.800 cây gốc ghép, dự kiến ghép vào tháng 8/2021 và sẽ ươm thêm 1.200 cây gốc ghép vào tháng 8,9/2021, để cung cấp cây giống cho bà con quanh vùng và các xã”.
Ngoài làm vườn ươm, đến nay gia đình ông cũng đã trồng được vườn xoài hơn 40 cây từ cây gốc ghép. Hiện, vườn xoài 2 năm tuổi này đang sinh trưởng và phát triển tốt, đã bắt đầu cho thu hoạch quả bói, ông Hạnh cho biết thêm.


https://truyenhinhnghean.vn/file/4028eaa46735a26101673a4df345003c/4028eaa467f477c80167f48e23810ac6/062021/xoai14_20210604160725.jpg

Dự án cũng đã hướng dẫn các hộ tham gia mô hình: Sau khi cắt tỉa xong, tiến hành bón phân ngay. Lượng phân bón trong năm đầu tiên/1 cây: 2kg đạm urê + 5kg lân super + 1,6kg kali clorua + 0,3 lít phân sinh học, được tiến hành bón vào 4 lần (trước mỗi đợt lộc), bón vào rãnh sâu 20cm, rộng 15-20cm, lấp đất lại và tưới nước. Năm thứ 2, lượng phân bón/cây: 2,4kg đạm u rê + 6,5kg lân super + 2,6kg kali clorua + 0,4 lít phân sinh học cũng được tiến hành bón vào 4 lần như năm thứ nhất.
Dựa vào số liệu điều tra năm 2017, 2018 và số liệu theo dõi năm 2019, 2020, 2021 cho thấy, sau khi có những tác động can thiệp về dinh dưỡng, kỹ thuật đã cho năng suất cao, ổn định và vượt trội hơn. Đặc biệt là năm 2021, năng suất xoài đã tăng gấp 1,4-1,8 lần so với năm 2020 ở cả 2 vườn phục hồi.
Kết quả cải tạo cây xoài bản địa Tương Dương cho thấy, cành ghép sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng tương thích cao giữa cây gốc ghép và cành ghép. Sau khi ghép 10 ngày, cành bắt đầu đâm chồi, chiều dài mắt ghép phát triển mạnh nhất là vào giai đoạn từ 15-30 ngày sau ghép, 15 ngày sau ghép chiều dài cành đạt 0,9cm. Sau 30 ngày, chiều dài cành đạt 5,3cm. Tỷ lệ sống của mắt ghép sau khi ghép 10 ngày là 90%, tỷ lệ sống cao nhất đạt 90% vào giai đoạn sau ghép 15 ngày. Sau đó do ảnh hưởng bất thường của thời tiết, tỷ lệ sống giảm dần, trên cành ghép bị bệnh thán thư và héo rũ, tuy đã can thiệp bằng biện pháp phun thuốc nhưng do mưa kéo dài nên hiệu quả thuốc mang lại chưa cao.
Có thể thấy rằng thời gian triển khai từ tháng 8/2019 - tháng 7/2021 chưa cho thu hoạch do thời gian triển khai đề tài ngắn nhưng cũng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cây xoài được “cưa đốn” để trẻ hóa, chăm sóc, phát lộc tốt, có khả năng thích ứng cao với điều kiện thời tiết và khí hậu Tương Dương. Chồi xoài phát triển nhanh trên gốc mẹ, cây ghép sinh trưởng và phát triển tốt, hệ số nhân giống cao, trong thời gian ngắn có thể sản xuất được nhiều cây giống chất lượng cao, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết.
Kết quả của dự án đã tuyển chọn được 10 cây xoài bản địa Tương Dương đầu dòng có những đặc tính vượt trội phục vụ việc phát triển nhân giống xoài. Vườn sản xuất giống cây xoài sinh trưởng tốt và đạt tỷ lệ xuất vườn từ 70-75%. Năng suất của vườn xoài phục hồi đạt cao hơn từ 4,2-4,7 lần (so sánh năng suất 2018 và 2021) so với trước khi phục hồi. Đối với vườn xoài cải tạo cho thấy phương pháp ghép xoài bản địa Tương Dương vào gốc xoài lai, có tỷ lệ lộc cao, khả năng thích ứng tốt với điều kiện thời tiết và khí hậu Tương Dương./.
Thanh Bình
UBND huyện Tương Dương
 Tags: tương dương

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây