THÚC ĐẨY CHUYỂN GIAO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THƯƠNG MẠI HÓA KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Ở CÁC VIỆN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀO SẢN XUẤT KINH DOANH
Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của đội ngũ giảng viên tại các trường đại học hiện nay đã có những đóng góp đáng kể vào phục vụ công tác giảng dạy, NCKH trong nhà trường mà còn đáp ứng nhu cầu mà xã hội và nền kinh tế đòi hỏi như chế tạo các sản phẩm có chất lượng, chế tạo máy móc công cụ… để phục vụ sản xuất.
1. Thực trạng hoạt động thương mại hóa kế quả nghiên cứu tại viện, trường đại học
Hiện nay, công nghệ được coi là công cụ nhằm tăng sức cạnh tranh và chất lượng mọi loại sản phẩm. Trong đó, các trường đại học chính là nơi chủ yếu tạo ra công nghệ và tài sản trí tuệ. Còn việc nghiên cứu khoa học là nguồn chính để tạo ra các sáng chế có thể thương mại hóa. Tuy nhiên, vấn đề liên kết, hợp tác và chuyển giao công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động chuyển giao công nghệ trong trường đại học hiện nay đã được tăng cường hơn trước, song thương mại hóa công nghệ vẫn còn yếu, chưa đồng bộ và tồn tại nhiều hạn chế.
Có thể thấy tình hình thương mại hóa công nghệ trong các trường đại học ở Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng đang có rất nhiều chuyển biến và thay đổi tích cực. Nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới KH&CN ngày càng tăng lên nhằm tạo thêm sức cạnh tranh. Trong các trường đại học, viện nghiên cứu, hướng nghiên cứu khoa học đã ngày càng gắn với thực tiễn nhiều hơn. Chính sách khuyến khích của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để liên kết trường đại học và các doanh nghiệp, phát triển thị trường KH&CN, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhiều Luật, Nghị định liên quan đến vấn đề này như: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… cũng đã tạo ra các hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy mối liên kết này.
Bên cạnh những thuận lợi, việc thương mại hóa công nghệ trong các trường đại học vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn cần khắc phục. Từ phía trường đại học, nhu cầu và khả năng liên kết với doanh nghiệp của các trường đại học chưa cao do thiếu động lực và thiếu cơ chế gắn kết, sản phẩm KH&CN còn ít và kém chất lượng, năng lực và trang thiết bị còn hạn chế, thời gian nghiên cứu dài trong khi nhu cầu doanh nghiệp cần sớm có công nghệ, thiếu cơ quan chuyên trách hiểu biết và gắn kết với doanh nghiệp… Còn từ phía doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp Việt Nam với quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế, khó có điều kiện liên kết. Các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức đến cơ chế đầu tư tài chính cho việc nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, thẩm định giá công nghệ… Ngoài ra, còn có một vấn đề “nhạy cảm” là vấn đề bảo mật kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thật sự tin tưởng vào các trường đại học… Về phía Nhà nước, còn nhiều chính sách ưu tiên cho trường công lập nên trường đại học và các doanh nghiệp vẫn chưa tích cực liên kết với nhau. Thông tin từ các chính sách khuyến khích chưa được phổ biến đầy đủ, kịp thời; thiếu cơ quan chuyên môn xúc tiến liên kết đại học – doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhận thức và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) còn yếu kém nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại học công nghệ đại học – doanh nghiệp và hoạt động sáng tạo tại các trường đại học.
Có thể coi một trong số những yếu tố giữ vai trò quan trọng giúp thương mại hóa công nghệ thành công tại Việt Nam chính là quyền SHTT. Việc sử dụng, bảo hộ, thương mại hóa tài sản trí tuệ và tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ không chỉ là mối quan tâm của Nhà nước, trường đại học mà còn của rất nhiều doanh nghiệp. Nhận thức và kiến thức về SHTT đang tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, tình hình bảo hộ quyền SHTT hiện nay ở nước ta chưa thực sự mạnh, số lượng đơn đăng ký sáng chế công nghệ còn ít, trong đó, chủ yếu là ngân hàng và kinh doanh công nghệ. Tình trạng xâm phạm quyền SHTT đang là vấn đề nhức nhối với nhiều diễn biến phức tạp. Tại các trường đại học, SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Vi phạm quyền SHTT đã gây tâm lý chán nản, mất động lực cho người nghiên cứu khoa học và những người làm công tác chuyển giao công nghệ.
Cần tiếp tục thúc đẩy thành lập doanh nghiệp KH&CN và vườn ươm công nghệ, phát triển chương trình hỗ trợ thương mại hóa công nghệ và chính sách ưu đãi về thuế hỗ trợ chuyển giao công nghệ đại học – doanh nghiệp, tổ chức gặp mặt thường xuyên giữa Nhà nước – Đại học – Doanh nghiệp.
2. Một số Nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn
Các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và lưu giữ hầu hết các kết quả nghiên cứu, sáng chế. Mặc dù không ít viện, trường đã đạt được nhiều thành công trong việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sáng chế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, con số này chưa tương xứng với tiềm năng.
Nguyên nhân của vấn đề này có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn thuộc về các doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý. Về phía các doanh nghiệp, do thiếu thông tin về khả năng chế tạo của các nhà khoa học trong nước, thiếu sự tin cậy đối với các sản phẩm còn mang tính “nghiên cứu”, chưa được thử nghiệm nên chưa mạnh dạn tìm mua những thiết bị, công nghệ được sản xuất trong nước, mà thường chọn phương án nhập khẩu thiết bị, công nghệ nước ngoài, tuy giá cao nhưng có vẻ bảo đảm, ít mạo hiểm và rủi ro hơn. Về phía nhà khoa học, do thiếu điều kiện để triển khai các ý tưởng khoa học, triển khai thực nghiệm, hoàn thiện công nghệ từ các đề tài nghiên cứu và thiếu kinh phí để triển khai, thiếu thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp, nên hoạt động nghiên cứu chưa sát với nhu cầu của thực tế sản xuất, chưa tạo được lòng tin đối với các doanh nghiệp. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu chưa được thương mại hóa.
Hơn nữa thực trạng hiện nay cho thấy việc chậm thương mại hóa các tài sản trí tuệ phần lớn là do chính bản thân các tác giả nghiên cứu, sáng chế chưa chủ động khai thác thương mại sản phẩm của mình. Kết quả khảo sát tại các viện nghiên cứu, trường đại học cho thấy, sau khi hoàn thành đề tài, phần lớn các nhà nghiên cứu thường chuyển sang thực hiện các đề tài khác.
Thứ nhất, cơ chế thu hút, ưu đãi giảng viên tham gia vào NCKH chưa thực sự hiệu quả, thiếu sự liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho nghiên cứu.
Thứ hai, về kinh phí. Đây là vấn đề then chốt nhất và vướng mắc nhất của NCKH trong trường đại học. Hàng năm, nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 2% = 0,5% GDP. Trong số này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) chỉ nhận được khoảng 8 -10% tổng chi ngân sách. Số kinh phí này lại phân chia chưa hợp lý, dàn trải giữa trung ương và địa phương, giữa cơ quan này với cơ quan khác…. Vì thế, kinh phí thực sự cho NCKH tại trường đại học rất hạn chế, đôi khi giáo viên chỉ coi NCKH là điều kiện bắt buộc phải hoàn thành.
Thứ ba, Các tổ chức khoa học và công nghệ cũng như cá nhân các nhà khoa học chưa quan tâm đến việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Đối với các tổ chức và cá nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học đồng nghĩa với việc kết thúc ý tưởng nghiên cứu và chuẩn bị các ý tưởng nghiên cứu tiếp theo. Cho đến nay, chưa có nhiều tổ chức khoa học và công nghệ xây dựng cơ sở dữ liệu, lập hồ sơ quan sát và đánh giá các đề tài nghiên cứu sau khi đã được nghiệm thu. Các cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học ở Việt Nam cũng không đặt sự quan tâm đến việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của họ.
3. Một số đề xuất thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu ở các viện, trường đại học vào sản xuất, kinh doanh
Một là, tăng kinh phí NCKH. Mặc dù kinh phí dành cho NCKH ở nước ta so với một số nước trong khu vực hiện nay không phải là quá thấp nhưng việc phân bổ chưa hợp lý đã ảnh hưởng đến tính hiệu quả và là tác nhân làm cho kinh phí NCKH tăng lên. Vì vậy, các cơ quan liên quan, các trường đại học cần quan tâm đến vấn đề này để phân bổ, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Xây dựng chính sách mua của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ. Đây là nhiệm vụ đã được đặt ra trong Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29-3-2013 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01- 11-2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hai là, có chính sách ưu tiên phù hợp để khuyến khích các nhà nghiên cứu. Cụ thể như: Ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ NCKH. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ NCKH dựa trên những giá trị đóng góp nổi bật trong NCKH và cải tiến kỹ thuật. Có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước tham gia hoạt động.
Ba là, thay đổi phương thức tổ chức các nhiệm vụ KHCN, tổ chức theo chương trình nghiên cứu gắn với mục tiêu từng giai đoạn, tránh dàn trải, quy hoạch phát triển tiềm lực KHCN gắn với các ngành đào tạo, hướng tới nghiên cứu sản phẩm khoa học chất lượng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KHCN gắn với doanh nghiệp hướng tới tự chủ đại học dựa vào. Các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cần xây dựng cơ sở dữ liệu và các báo cáo về nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ở các ngành và địa phương trong cả nước. Các báo cáo về nhu cầu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho cá nhân, tổ chức khoa học và công nghệ hình thành các ý tưởng nghiên cứu hướng nhiều hơn vào thị trường. Báo cáo về nhu cầu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cũng là một tài liệu tham khảo cho việc mua hay đặt hàng của Nhà nước đối với các tổ chức khoa học và công nghệ.
Bốn là, thay đổi chính sách hoạt động KHCN cho các nhà khoa học trong các trường đại học, theo đó các nhà khoa học có thể huy động vốn, sử dụng nguồn lực trang thiết bị đầu tư cho phát triển sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm bằng cách hình thành các doanh nghiệp trong các trường đại học. Thay đổi mô hình tổ chức các tổ chức KHCN trong các trường đại học, hướng tới phát triển sản phẩm gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Năm là, các trường cần đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động KHCN và đào tạo của nhà trường hướng tới ứng dụng thực tiễn, liên ngành theo xu hướng tự chủ, tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu như hưởng % lợi ích kinh phí từ việc tạo ra các dự án, đề án, đề tài NCKH; Hưởng % kinh phí từ việc chuyển giao các sản phẩm KHCN có khả năng thương mại hóa và ứng dụng thực tiễn.
Kết luận
Thực trạng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu tại trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam hiện nay còn phụ thuộc rất nhiều vào mối liên kết chặt chẽ giữa ba nhà (nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp). Chính vì vậy để thúc đẩy phát triển việc thương mại hóa tại trường đại học và viện nghiên cứu thì cần phải hỗ trợ thúc đẩy phát triển đồng đều các yếu tố của thị trường khoa học và công nghệ, đồng thời phải hoàn thiện hành lang pháp lý cho các bên tham gia vào thị trường khoa học công nghệ. Bổ sung và tăng cường các hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến thị trường khoa học công nghệ để các doanh nghiệp, nhà khoa học… có thể tiếp cận và tra cứu thông tin.
Hoàng Văn Hợi
Công ty TNHH 1TV Dịch vụ và
Công nghệ nuôi trồng thủy sản