Hiện nay nhu cầu Tôm càng xanh thương phẩm cho người tiêu dùng đang rất lớn, trong khí đó nguồn cung từ việc nuôi thương phẩm chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu thị trường, với giá bán 250.000 - 300.000 đ/kg tuỳ theo kích cỡ thương phẩm. Đây được xem là đối tượng nuôi tiềm năng, có giá trị kinh tế cao trong nuôi thuỷ sản nước ngọt nhằm khai thác tiềm năng diện tích nước ngọt, đa dang hóa đối tương nuôi, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích và tái cơ cấu ngành thủy sản Nghệ An góp phần phát triển kinh tế nông hộ, giải quyết công ăn việc làm tại các địa phương có điều kiện tự nhiên về ao hồ, ruộng lúa chiêm trũng.
So với tôm càng xanh truyền thống (50% đực và 50% cái), tôm càng xanh siêu đực có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như tăng trưởng nhanh gấp đôi so với cùng thời gian nuôi, hạn chế được phân đàn giúp thu hoạch đồng loạt và đặc biệt so với tôm sú, tôm thẻ chân trắng tôm càng xanh siêu đực dễ nuôi, lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, thích nghi tốt với môi trường, nguồn nước và có thể nuôi được trong nước lợ 4 - 5‰, nuôi nước ngọt trong ao hồ, ruộng lúa nên rất thích hợp với điều kiện Nghệ An.
Nghệ An có tiếm năng lớn về diện tích nuôi thuỷ sản nước ngọt, nuôi cá lúa rất phù hợp với việc nuôi thương phẩm tôm càng xanh siêu đực theo quy mô công nghiệp hoặc bán thâm canh, có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với cá. Nhận thấy, Tôm càng xanh siêu đực là một đối tượng nuôi có nhiều triển vọng, có giá trị kinh tế cao, góp phấn đa dạng hóa đối tượng nuôi nước ngọt trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trung tâm giống thủy sản Nghệ An đã triển khai thực hiện mô hình: “Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm nuôi thương phẩm Tôm càng xanh siêu đực (Macrobrachium rosenbergii), trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An”.
Trung tâm Giống Thủy sản Nghệ An đã lựa chọn ao nuôi để thực hiện mô hình có diện tích 2.000 m2, nền đáy là bùn cát, nền đáy ao nuôi bằng phẳng, nghiêng về phía cống thoát nước, lớp bùn đáy ao nuôi dày 12 - 15 cm. Mực nước ao nuôi duy trì 1,0 - 1,5 m nước. Ao nuôi có cống cấp và cống thoát đầy đủ, được bố trí gần sông thuỷ lợi có nguồn nước chủ động, trong sạch, không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, công nghiệp. Ao nuôi được sử dụng ao có hệ thống tường xây, gia trát đảm bảo chắc chắn để nuôi, có hệ thống cống cấp, cống thoát đầy đủ, có hệ thống xả tràn thuận tiện cho việc luân chuyển nước trong quá trình nuôi. Có điện lưới 3 pha đảm bảo để chạy máy quạt nước cũng như việc bơm ao khi cần thiết.
|
|
Ao nuôi tôm càng xanh thương phẩm trước khi thả giống được cải tạo đúng quy trình kỹ thuật, bón vôi diệt tạp 10 kg/100 m2 ao, bón phân chuồng ủ hoai 20 kg/100 m2 ao, phơi đáy ao 2 - 3 ngày trước khi cấp nước để gây màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Nước cấp vào ao được lấy qua lưới lọc nhằm ngăn chặn cá tạp, địch hại vào ao gây thất thoát thức ăn, ảnh hưởng đến tôm giống. Mực nước cấp vào ao ban đầu dao động 50 - 60 cm nước. Ao nuôi nuôi được bố trí 2 sàng kiểm tra thức ăn và 2 giàn quạt nước, mỗi giàn 6 cánh đảm bảo cho việc triển khai nuôi Tôm càng xanh thương phẩm. Sau khi cấp nước 2 - 3 ngày, nước có màu xanh nhạt tiến hành thả giống vào nuôi: Số lượng giống thả nuôi: 30.000 con. Kích cỡ giống: 1,5 - 2 cm/con. Mật độ thả nuôi: 15 con/m2. Chất lượng tôm giống: Tôm khoẻ mạnh, vận động nhanh nhẹn, đồng đều kích cỡ, phụ bộ đầy đủ, màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu về bệnh, là dòng Tôm càng xanh siêu đực, đảm bảo chất lượng thả nuôi thương phẩm.
Sau khi thả giống xong, nhóm thực hiện mô hình đã tiến hành xây dựng quy trình nuôi, chế độ chăm sóc, quản lý cụ thể để tiện cho việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi thương phẩm trong quá trình thực hiện.
Trong quá trình thực hiện dự án tôm sinh trưởng và phát triển khá nhanh đặc biệt là thời gian nuôi đầu từ tháng 7 đến tháng 10, từ tháng 11 - 12/2021 do nhiệt độ nước xuống thấp, tôm bắt mồi kém, giảm ăn nên tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Tỷ lệ sống của tôm đạt trung bình 62%, đây là tỷ lệ sống đạt khá cao trong nuôi tôm càng xanh siêu đực quy mô công nghiệp. Tỷ lệ cho ăn qua các giai đoạn khá phù hợp với thực tế từng giai đoạn phát triển của tôm. Tuy nhiên, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của mô hình là 2.6, khá cao so với tiêu chí đề ra và so với một số mô hình nuôi ở phía Nam. Nguyên nhân, do ở Nghệ An các tháng cuối năm có nhiệt độ nước thấp, tôm sinh trưởng kém, việc quản lý thức ăn khá khó khăn do tôm ăn thất thường, tuỳ thuộc vào nhiệt độ nước hàng ngày.
Sau thời gian nuôi hơn 5 tháng, tôm đạt kích cỡ thương phẩm và thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ nước xuống thấp, tôm giảm ăn, tôm không phát triển đơn vị đã tiến hành thu hoạch. Kết quả thu hoạch cho thấy tỷ lệ sống của tôm 62%, kích cỡ tôm thương phẩm trung bình 55 g/con, sản lượng đạt 1.023 kg, năng suất đạt 5,1 tấn/ha/vụ đáp ứng được yêu cầu về sản lượng theo kế hoạch đề ra. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) là 2.6, như vậy hệ số chuyển đổi thức ăn của mô hình cao hơn sơ với dự toán cũng như so với một số mô hình nuôi tại các tỉnh miền Nam.
Kết quả thực hiện dự án cho thấy mô hình nuôi thương phẩm tôm càng xanh siêu đực trong ao đất quy mô công nghiệp đã được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An triển khai thực hiện nghiêm túc đúng nội dung, mục tiêu và tiến độ đề ra, áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi. Dự án đã xây dựng, hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm Tôm càng xanh siêu đực trong ao đất quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An. Là cơ sở để tập huấn, chuyên giao kỹ thuật cho người dân để nhân rộng mô hình, phát triển phong trào nuôi thương phẩm tôm càng xanh siêu đực quy mô công nghiệp ở Nghệ An.
Trương Văn Toản
Trung tâm Giống Thủy sản